Lời xin lỗi 'muộn mằn' từ EU và nỗi lo sợ về bùng phát làn sóng COVID-19 thứ hai
Tờ The Guardian đăng tải, EU mới đây đã đưa ra một "lời xin lỗi chân thành" vì đã để Italy phải thất vọng trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng COVID-19.
Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, cựu lục địa vẫn còn "nằm trong mắt bão", hôm thứ 5 (16/4), Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen nói, cần phải thừa nhận sự thật thì mới có thể vượt qua được đại dịch COVID-19.
"Có quá nhiều người không ở đó khi Italy cần một cánh tay giúp đỡ ở ngay lúc đầu tiên", bà dey Leyen phát biểu trước Nghị viện châu Âu. "Và vì vậy, việc châu Âu đưa ra một lời xin lỗi chân thành là điều đúng đắn".
Khi đại dịch bắt đầu bùng phát tại châu Âu, cả Pháp và Đức đều áp dụng lệnh cấm xuất khẩu các thiết bị y tế chủ chốt, và không một quốc gia EU nào ngay lập tức đáp ứng lời kêu gọi viện trợ của Italy thông qua cơ chế khẩn cấp của khối. Mặc dù chính sách y tế là trách nhiệm của mỗi nước, nhưng EU có nghĩa vụ điều phối hỗ trợ giữa các thành viên.
Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến tháng trước chỉ ra, 88% người dân Italy cảm thấy EU đã không hỗ trợ đất nước họ. Điều này khiến Brussels và các thành viên còn lại lo ngại về khả năng dấy lên một làn sóng bài EU. Lời xin lỗi trực tiếp của bà de Leyen thậm chí còn quyết liệt hơn một thông cáo trước đây, trong đó chính bà chủ tịch đã chỉ trích các nước vì những phản ứng "chỉ vì mình" của họ.
Trong bối cảnh, số người nhiễm và thiệt mạng vì COVID-19 tại các nước châu Âu đang giảm một cách ổn định hơn, nhiều chính phủ EU bắt đầu thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Hà Lan chỉ ra, chỉ có một số lượng nhỏ người dân đã phát triển kháng thể chống lại COVID-19.
Theo ông Jaap van Dissel từ Viện Y tế cộng đồng quốc gia Hà Lan (RIVM), nghiên cứu tiến hành trên hơn 7.000 người hiến máu. Chỉ có 3% trong số họ ghi nhận được kháng thể chống lại virus. Như vậy, "vài trăm nghìn người" có khả năng đã mắc COVID-19 trong tổng dân số 17 triệu người tại Hà Lan. Kết quả nghiên cứu càng củng cố hơn cho những cảnh báo về "một làn sóng lây nhiễm thứ hai" tại châu Âu khi người dân bắt đầu quay trở lại cuộc sống bình thường.
"Điều bắt buộc là chúng ta không thể buông lỏng cảnh giác", giám đốc vùng của WHO Hans Kluge nhấn mạnh. Theo ông Kluge, các nước cần phải đảm bảo được việc lây nhiễm đã nằm trong tầm kiểm soát trước khi dỡ bỏ phong toả, và hệ thống y tế của họ có đủ năng lực "để phát hiện, cô lập, xét nghiệm, theo dấu và cách li".
Hôm thứ 4 (15/4), Đan Mạch là nước châu Âu đầu tiên mở cửa lại trường học trong khi Áo, Italy và Tây Ban Nha bắt đầu cho phép một số ngành nghề kinh doanh nhất định được tái hoạt động. Đức cũng công bố các bước đầu tiên để mở cửa một số cửa hàng và dần bắt đầu trường học lại từ ngày 4/5, còn các trường học của Pháp sẽ tái mở cửa từ ngày 11/5. Phần Lan đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại ở vùng Helsinki.