Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 07/12/2020 13:38 (GMT+7)

Luật sư: Cần xem xét trách nhiệm pháp lý của cán bộ phụ trách việc cách ly y tế tập trung của Vietnam Airlines

Có thể thấy, đối với bệnh dịch Covid - 19 thì chỉ cần một người thiếu ý thức, không tuân thủ quy định về phòng chống bệnh truyền nhiễm và thiếu trách nhiệm của một số người trong khâu phòng dịch là có thể khiến bệnh dịch bùng phát, gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, kinh tế và xã hội.

Bởi vậy, những hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội cần phải xem xét xử lý hình sự. Liên quan đến vụ nam tiếp viên Vietnam Airlines mắc Covid-19 vi phạm quy định cách ly làm lây lan dịch bệnh, Luật sư cho rằng cần xem xét trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý cách ly y tế trong trường hợp này.

Ảnh minh họa.

Chiều 30/11, Bộ Y tế đã họp khẩn về trường hợp bệnh nhân dương tính với Covid-19 do lây nhiễm từ người cách ly. Theo lịch sử tiếp xúc của nam tiếp viên hàng không, trong thời gian cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý từ ngày 14-18/11, bệnh nhân có tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác (là bệnh nhân 1325).

Sau khi xét nghiệm hai lần kết quả âm tính, tiếp viên này về cách ly tại nhà trọ ở đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM. Trong quá trình cách ly, bệnh nhân này có tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm: mẹ đẻ và hai người bạn (một nam, một nữ). Trong đó, người bạn nam (SN 1988, trú tại phường 3, quận 6, TP. HCM) có tới sống cùng.

Ngày 28/11, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, cho kết quả dương tính. Ngay lập tức, 3 trường hợp tiếp xúc trực tiếp đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM, nam tiếp viên đã vi phạm quy định cách ly là tiếp xúc với người khác trong quá trình cách ly. “Trường hợp này đã có tiếp xúc trong thời gian cách ly tại nhà. Việc tiếp xúc này là không đúng với quy định cách ly tại nhà. Cho dù cách ly tại nhà cũng không được tiếp xúc với người khác, không được ra khỏi nhà, phải mang khẩu trang thường xuyên. Đây là một mắt xích có khả năng lây lan ra cộng đồng nếu trường hợp cách ly tại nhà không tuân thủ đúng quy định”, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM nói.

Cần truy trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về trách nhiệm pháp lý của các tô chức, cá nhân liên quan trong vụ việc này, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp đánh giá: Trước đây, nhiều hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh đã bị xử lý như: tung tin sai sự thật, đưa truyền dữ liệu trái phép trên mạng internet, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Tuy nhiên với hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, trốn tránh cách ly, khai báo gian dối, không tuân thủ quy định về cách ly y tế thì chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự.

Ngày 30/3/2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn 45/TANDTC-PC hướng dẫn xét xử một số vụ án hình sự về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, công văn nêu rõ hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế làm lây lan dịch bệnh có thể xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tiếp đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Chỉ thị số 03 cũng có những quy định tương tự về đường lối chính sách đấu tranh với tội phạm trong phòng chống bệnh dịch Covid-19. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng bổ sung cho hệ thống pháp luật để làm cơ sở pháp lý xử lý hình sự đối với hành vi khai báo gian dối, trốn tránh cách ly, vi phạm quy định về cách ly bằng các chế tài hình sự.

Theo Luật sư Cường, trong vụ việc xảy ra đối với tiếp viên hàng không Vietnam Airlines thì hành vi thiếu ý thức của nam tiếp viên này trong việc tuân thủ quy định về cách ly y tế tập trung và cách ly tại nhà đã khiến nhiều người mắc Covid-19, nhiều người phải bị cách ly y tế do được xác định là F1, F2.

Các cơ quan chức năng, áp dụng nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh, nhiều đơn vị cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng, việc học tập của học sinh cũng ảnh hưởng gây thiệt hại lớn về tài sản cho nhiều tổ chức, cá nhân, phát sinh chi phí phòng chống dịch. Do đó, hành vi của nam bệnh nhân này rất đáng lên án và phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 03/12, Công an TP. HCM đã tổ chức họp báo công bố khởi tố vụ án “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cơ quan điều tra sẽ tiến hành các hoạt động điều tra để làm rõ hành vi, làm rõ hậu quả để xử lý xử lý thật nghiêm minh hành vi vi phạm theo quy định để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Hành vi trốn tránh cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly không chỉ là hành vi vi phạm về mặt đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và gây ra hậu quả rất lớn cho xã hội, có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại, gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế, đời sống của cả đất nước, nên cần xem xét xử lý kịp thời để ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng của các hành vi này.

Cần xem xét trách nhiệm pháp lý của cán bộ phụ trách việc cách ly y tế tập trung của Vietnam Airlines

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường,
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp
.

Luật sư Cường chia sẻ thêm, qua thông tin sự việc cho thấy việc tiếp viên hàng không có một loạt các hành vi vi phạm quy định về cách ly có sự nơi lỏng quản lý của đơn vị cách ly của Vietnam Airlines và chính quyền địa phương trong việc cách ly y tế tại nơi ở.

Cụ thể, trong quá trình cách ly tập trung thì cần phải đảm bảo thời gian cách ly tối thiểu 14 ngày. Trường hợp cách ly chưa đủ 14 ngày, xét nghiệm chưa đủ ba lần thì chưa có gì chắc chắn là đã an toàn. Nếu trong thời gian cách ly tập trung mà có sự tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp giữa những người cách ly không đảm bảo an toàn thì hành vi này là vi phạm quy định về cách ly tập trung theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, Nghị định 101/2010/NĐ-CP và các quyết định của bộ y tế về cách ly y tế.

Bởi vậy, trong trường hợp có vi phạm quy định về cách ly tập trung thì cần phải xem xét trách nhiệm của đơn vị cách ly và cán bộ phụ trách đơn vị này. Có thể truy trách nhiệm pháp lý để xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Còn đối với thời gian cách ly tại nơi ở thì theo quy định người bị cách ly phải đo nhiệt độ một ngày hai lần, phải có nhân viên y tế đến kiểm tra, phải thực hiện quy trình cách ly tại nhà theo đúng quy định của bộ y tế. Trường hợp có vi phạm mà cơ sở y tế, chính quyền địa phương không biết, không kiểm soát, buông lỏng quản lý dẫn đến lây lan dịch bệnh thì cũng cần phải xem xét kỷ luật và truy trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.

Cơ quan điều tra cần tiến hành các hoạt động điều tra để làm rõ trách nhiệm của tổ chức, của cá nhân trong vụ việc này.

Thời gian qua dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và kinh tế xã hội đẩy nhiều doanh nghiệp, cá nhân vào bước đường khó khăn, phá sản. Đến nay khi chúng ta kiểm soát tốt được tình hình, kinh tế đang dần phục hồi thì chỉ vì ý thức kém của một số người mà thành quả chống dịch của cả hệ thống chính trị có thể đổ bể, nhiều doanh nghiệp có thể phá sản, tính mạng của người dân có thể bị đe dọa, đời sống của nhiều người dân bị đảo lộn.

Thời điểm này Tết nguyên đán đang cận kề, nếu không làm tốt thì người dân không thể có niềm vui trọn vẹn trong ngày đoàn viên. Cũng không lâu nữa sẽ đến Đại hội đảng toàn quốc và các sự kiện chính trị quan trọng. Nếu chúng ta không nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức phòng bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mà để dịch bệnh bùng phát khiến phải giãn cách toàn xã hội thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đe dọa đến tính mạng sức khỏe của hàng triệu người dân Việt Nam, Luật sư Cường chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Những đơn vị tiếp nhận xử lý thông tin về vi phạm giao thông
Thời gian qua, một số trường hợp người dân cung cấp thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm trên mạng xã hội đã được CSGT ghi nhận, xác minh, xử lý. Vậy, lực lượng Công an có đầu mối tiếp nhận các loại thông tin này để người dân cung cấp trực tiếp không? Hướng dẫn cụ thể thế nào?

Tin mới

Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin về "sư Thích Minh Tuệ"
Ban Tôn giáo Chính phủ ngày 16/5 đã có gửi văn bản tới các Ban/Phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu về công tác quản lý nhà nước liên quan đến Phật giáo trên địa bàn.
Một số món ăn nhẹ có ích cho người bệnh đái tháo đường
Chúng ta biết, việc ăn đúng giúp chế độ duy trì được lượng đường máu phù hợp, không gây thừa đường, gây nhiễm độc đường hoặc không gây ra hạ đường máu do thực hiện chế độ ăn khắc khổ, thiếu năng lượng. Người bệnh đái tháo đường nên ăn chính vào bữa ăn sáng, trung bình vào bữa ăn trưa, ăn nhẹ vào bữa ăn tối (mức độ dựa vào lượng tinh bột - mức carbohydrates). Với bữa ăn phụ cần hợp lý với giai đoạn bệnh, nghề nghiệp và thói quen dinh dưỡng.