Mấy cảm nhận về tập thơ “Hương xa” của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ
Tập thơ "Hương xa" của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành tháng 10/2022 với số lượng 1000 cuốn, đây là tập thơ thứ hai của Nguyễn Đăng Độ xuất bản trong năm 2022.
Trong tập thơ này có rất nhiều bài thơ đã được các nhạc sĩ Lê An Tuyên, Quốc Nam, Phan Huy Hà phổ nhạc thành bài hát được phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình.
Tập thơ "Hương xa" được chia thành 4 chương với 57 bài thơ ứng với số tuổi của tác giả khi xuất bản tập thơ. Chủ đề cảm hứng xuyên suốt của tập thơ là vọng về cố hương, nhà thơ luôn khắc khoải đau đáu về quá khứ một thời của quê hương về tuổi thơ dữ dội và thơ mộng của chính mình. Đây là tập thơ thứ hai rất tâm huyết của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ được nhà thơ Trần Anh Thái - Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam viết lời tựa.
Tập thơ "Hương xa" có nhiều bài thơ, nhiều câu thơ hay thể hiện được nét tài hoa, đa cảm và phóng khoáng của chính nhà thơ, chẳng hạn hai câu trong bài thơ "Ngông": "Nét mực như hoa cài bóng nguyệt / Câu thơ nắng sớm tỏa sắc hương!"
Dù đã ly hương nhiều năm, dù đã thành danh trên thương trường và sự nghiệp nhưng với nhà thơ Nguyễn Đăng Độ thì "Xóm nhỏ xa mờ", nơi mái tranh nghèo ngày xưa, "tóc mẹ rụng trắng chiều" hay "dáng cha còng trĩu nặng" luôn là hành trang, là nỗi nhớ trong tim để rồi cảm xúc thăng hoa thành thơ, thành nhạc:
"Đâu xóm nhỏ xa mờ ký ức
Quê hương da diết một câu hò
Tóc mẹ rụng trắng chiều lối ngõ
Dáng cha còng nặng trĩu xuống tháng năm.
Nếp nhà xưa phên liếp mái tranh
Ấm áp lời ru à ơi của mẹ
Cánh đồng làng mẹ gom từng hạt gạo
Cha dầm mình dưới nắng cháy lưng cong"
Trong nhiều bài thơ của Nguyễn Đăng Độ có những nỗi lo sợ mơ hồ nhưng đó là những nỗi sợ của một người con hiếu nghĩa lo lắng cho các bậc sinh thành:
"Con sợ mai rồi cha khuất núi
Thân gầy heo hắt bóng mẹ xa
Con sợ mai rồi hoa không thắm
Tiếng mưa buồn dứt thịt dứt da".
Trong dòng hoài niệm về cố hương, về tuổi thơ dữ dội, tác giả như lắng lòng tịnh tâm suy tư tìm về những hình ảnh thân thương nhất, ở đó ta nghe vọng về câu ví dặm trong lời ru của mẹ, có tiếng chim cuốc tái tê và cánh diều tuổi thơ giữa cánh đồng làng:
"Tìm khuya tiếng dế gọi đàn
Tìm câu hát ví nồng nàn hồn quê
Tìm xa tiếng cuốc tái tê
Niêu cơm gánh cả trăm bề con thơ
Ta về tìm lại giấc mơ
Cánh diều lá chuối tuổi thơ giữa đồng".
Cái chân quê cũng là hành trang không thể thiếu trong kí ức nhà thơ, nơi đó có hình bóng em gái quê đi về trên lối triền đê trong hoàng hôn ráng chiều làm nền cho cỏ xanh ngút ngát:
"Hoàng hôn dìu bước em về
Cỏ xanh ngút ngát chân đê mượt mà".
Trong cuộc viễn du để sống trọn kiếp người, Nguyễn Đăng Độ đã bôn ba trong cõi nhân gian, đã thấm bao nghiệt ngã nhưng vẫn có một miền quê để lưu dấu, để nhớ về:
- "Nửa đời tóc đã pha sương
Sao lòng con mãi vấn vương xóm nghèo"
- "Rơm khô làm tấm nệm mềm
Tơi chằm kết gối bện chăn qua ngày
Nắng hanh khô héo bàn tay
Đèn dầu leo lét loay hoay phận người".
-"Tháng mười đêm thức thái khoai
Đời như chong chóng vần xoay sớm chiều
Tuổi thơ tôi giấu bao điều
Tinh sương cuốc đất tối chiều tìm trâu".
- "Nhà mình vách đất giường tre
Ghim trong ký ức ùa về ấu thơ"
Cuốc kêu da diết ngoài bờ
Lối mòn lưu bóng tuổi thơ gọi về"
- "Tôi trở về Hà Tĩnh thân thương
Nơi câu ví cuối chiều ngân tha thiết
Về với sông La xanh trong nước xiết
Bát nước chè thỏa cơn khát ban trưa".
Bài thơ "Kiếp người" nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã có những chiêm nghiệm và linh cảm rất sâu sắc. Với anh kiếp sống trần gian chỉ là quán trọ, là "sống gửi, thác về", một mai rồi cũng tan thành cát bụi, con người chỉ như là giọt sương, là cánh bèo xuôi theo dòng nước trôi về nơi vô định:
"Một mai rời bỏ thế gian
Ta còn có chút hương tàn cõi dương
Tấm thân ngang dọc nẻo đường
Ghét ghen được mất giọt sương có gì
Một ngày bỏ hết sân si
Về miền thiên cổ còn gì mang theo
Xác thân như một cánh bèo
Xuôi theo dòng nước tan vèo hư vô
Ưu phiền theo gió gửi mưa
Tham sân si chỉ đánh lừa tấm thân
Trần gian bổng lộc mấy phần
Âm dương cách biệt phân vân cũng đành"
Bài thơ "Lãng quên" ở khổ thơ kết ta lại nhận ra sự chấp nhận dấn thân của tác giả và tư tưởng nhập thế vì nhà thơ biết rằng con người chỉ sống một lần duy nhất vậy nên phải sống trọn từng khoảnh khắc dù cho cuộc sống có đủ dư vị của buồn vui:
"Mọi vui buồn rồi sẽ qua thôi
Vầng trăng khuyết tròn mình ta cất giữ
Rồi sẽ hết những màu hoa rực lửa
Ta xin gửi ánh trăng tròn vào bóng thời gian".
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ tâm sự: Anh đến với thơ để trao gửi ký thác nỗi niềm của chính mình. Thơ như là cứu cánh, là người bạn tri âm tri kỷ để anh trút bầu tâm sự. Anh làm thơ không phải để cầu danh, vậy nên rất nhiều bài thơ anh viết xong lại cất vào ngăn tủ như một hành trang cho riêng mình. Gần đây, do sự động viên của gia đình và bạn bè văn chương nên anh đồng ý để các nhạc sĩ phổ nhạc thơ của mình và xuất bản hai tập thơ cho riêng mình.
Xuất bản thơ tuy hơi muộn nhưng có lẽ nhà thơ là một trong những người có thơ được phổ nhạc nhiều nhất với hàng trăm bài thơ được các nhạc sỹ phổ nhạc. Xuất thân là bộ đội, trải qua nhiều gian lao vất vả thời quân ngũ đã đưa đến cho anh nhiều trải nghiệm và cách nhìn nhận về trách nhiệm, nghĩa vụ của một người lính với Tổ quốc, với quê hương. Với cội nguồn quê hương là đất thơ Hà Tĩnh nên "gen" nghệ sĩ và chất thơ đã thấm vào máu thịt của đời anh.
Tập thơ "Hương xa" thể hiện tâm sự, nỗi lòng của người con xa xứ hướng về quê hương, hướng về tuổi thơ, về những ngày chăn trâu cắt cỏ trên cánh đồng quê mà ở đó những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc, đã chạm tới trái tim người đọc bởi câu từ chân chất, mộc mạc với thể thơ truyền thống quen thuộc như chuyển tải bức tranh quê hiện về mỗi khi đọc thơ hoặc nghe nhạc của anh.
Mỗi lần về quê hoặc khắc khoải nỗi nhớ quê, anh lại khoác lên mình hình ảnh một chiếc áo tơi "lão nông tri điền" và hình ảnh lão nông đó cũng được anh đưa vào thơ rất nhiều, rõ nhất trong bài thơ "Áo tơi" đã được nhạc sĩ Hoàng Anh phổ nhạc.
Nguyễn Đăng Độ làm thơ như một cuộc dạo chơi! Anh không lập nghiệp bằng văn chương, anh là người ngoại đạo với thơ nhưng chính những vần thơ lại tìm đến với anh một cách ngẫu nhiên. Chính vì không lập thân bằng văn chương mà anh lại có được những câu thơ như "trời ban" để vỗ về làm dịu vợi nỗi nhớ quê, hoài niệm tuổi thơ nơi đất khách quê người đã được các nhạc sĩ chấp cánh thành những ca khúc trữ tình sâu lắng.
Với các bài thơ viết về quê hương được phổ nhạc mà anh đã lựa chọn những bài hát hay nhất, dày công đầu tư để thực hiện Chương trình nghệ thuật "Nẻo về nguồn cội" để tri ân quê hương mình. Nguyễn Đăng Độ đến với thơ như là cứu cánh của tinh thần, đi từ "Tình quê" đến "Hương xa", từ doanh nhân đến thi nhân và hi vọng thời gian tới thơ anh sẽ còn lan tỏa hơn nữa trên mỗi bước đường anh qua. Xin chúc mừng tác giả và trân trọng giới thiệu tới bạn đọc tập thơ "Hương xa" của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ./.