Vụ nhà thơ tố cáo bị cưỡng hiếp 23 năm trước: Hết thời hiệu truy cứu, xử lý thế nào?
Khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, đương nhiên cá nhân thực hiện hành vi vi phạm sẽ không bị điều tra, truy tố và xét xử đối với hành vi phạm tội của mình.
Một nhà thơ tố cáo bị cưỡng hiếp 23 năm trước
Vừa qua, tài khoản xã hội mang tên Dạ Thảo Phương đã đăng tải nội dung đơn tố cáo "Bị cưỡng hiếp" nhiều lần từ tháng 7/1999 đến tháng 4/2000. Trong đó, có lần bị cưỡng hiếp xảy ra vào trưa 14/4/2000 đã được nhiều người chứng kiến.
Cụ thể, thư ngỏ tố cáo hành vi cưỡng hiếp của một lãnh đạo cơ quan báo chí được gửi đến các cơ quan quản lý của tờ báo. Trong đơn, chị Dạ Thảo Phương cũng cho biết, chị đã tố cáo sự việc đến lãnh đạo tờ báo nhưng kết luận của cơ quan chỉ là sự “xô xát” giữa hai bên. Nội dung thư ngỏ cũng trình bày, chị đã phải chịu tủi nhục và bị ám ảnh tâm lý, thậm chí nhiều lần muốn tự tử.
Hiện tại, nội dung tố cáo vẫn chưa được cơ quan chức năng kết luận.
Vấn đề thời hiệu xử lý
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, Luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rõ: "Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Theo đó, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định từ 05 đến 20 năm tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Nếu không thuộc các trường hợp đặc biệt (như tội "Xâm phạm an ninh quốc gia", tội "Phá hoại hoà bình, chống loài người", tội "Phạm chiến tranh",…) thì sau 20 năm, người phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Luật sư, mục đích đặt ra thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng phải đẩy nhanh việc điều tra, truy tố tội phạm trong một khoảng thời gian nhất định, đảm bảo trật tự trị an và sự ổn định của xã hội.
Sau một khoảng thời gian nhất định, mà cơ quan tiến hành tố tụng không thể xác định được hành vi vi phạm thì không được truy cứu trách nhiệm hình sự nữa, để công dân có cuộc sống bình thường mới, thể hiện tính nhân văn của pháp luật.
Như vậy, vụ việc này đã qua hơn 20 năm nên đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Hết thời hiệu, xử lý thế nào?
Theo Luật sư Trang, khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì đương nhiên, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm sẽ không bị điều tra, truy tố và xét xử đối với hành vi phạm tội của mình. Trong trường hợp này, cá nhân bị thiệt hại có thể xem xét để khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (nếu có).
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định về thời hiệu để khởi kiện. Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là 03 năm kể từ ngày cá nhân biết quyền lợi của mình bị xâm phạm. Toà án không đương nhiên áp dụng thời hiệu khi xét xử. Toà án chỉ áp dụng khi có một bên yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện. Do đó, trường hợp bên bị kiện không yêu cầu áp dụng thời hiệu thì vụ án vẫn được diễn ra bình thường.
Chia sẻ thêm, Luật sư Trang cho biết, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể không phải chịu chế tài của pháp luật vì hết thời hiệu xử lý nhưng bản án lương tâm, áp lực từ gia đình, từ ngôn luận xã hội cũng là một trong những hình phạt tinh thần mà người phạm tội phải chịu đựng. Do đó, mỗi công dân cần có ý thức thượng tôn pháp luật, tu dưỡng đạo đức để có một cuộc sống bình yên, văn minh và hạnh phúc.