Mẹ nữ công nhân vừa tử vong vì Covid-19: 'Cháu tôi không có cha, 6 tuổi mất mẹ, nó sẽ thế nào?'
Chị Đào Thị Minh - nữ công nhân Công ty Hosiden - qua đời do COVID-19 hôm 24/5, để lại người con 6 tuổi không biết mẹ đang nơi đâu...
5h sáng, cả gia đình bà Thơ bật dậy vì tiếng điện thoại rung. Nhấc máy lên, chưa nghe hết câu bà Thơ đã loạng choạng, đánh rơi vỡ cả điện thoại. Mới đêm qua cả nhà vẫn còn gọi video call cho nhau… Nhưng chỉ sau một giấc ngủ, hai mẹ con bà đã âm dương cách biệt.
"Buổi tối thằng bé thấy ông về, nó hỏi tôi: Bà ơi sao ông đi đón mẹ mà chỉ thấy ông về, không thấy mẹ đâu? Tôi làm mâm cơm gọi hồn con về cùng ăn thì thằng cu lại hỏi: Bà ơi sao bà lại gọi mẹ còn về ăn cơm, mẹ con làm gì có ở nhà…", bà Lý Thị Thơ (SN 1961, Vân Nham, Hữu Lũng, Lạng Sơn), mẹ ruột chị Đào Thị Minh (SN 1983, nữ công nhân Công ty Hosiden vừa qua đời do COVID-19) nói.
"Tôi nhìn vẻ lanh lẹ mọi ngày của nó mà không kìm nổi nước mắt".
"VỢ CHỒNG EM VÀ BỐ MẸ CHĂM SÓC CHÁU GIÚP CHỊ…"
Chiều 23/5, bác sĩ báo chị Minh phải thở máy sau 4 ngày nhập viện. Vừa nghe vậy, bà Thơ đã lo đến đau tim. Cứ ngỡ từ giờ, việc gọi điện cho con sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng ngay sau bữa cơm tối điện thoại đã rung lên. Từ trong phòng điều trị, chị Minh báo vừa ăn hết cốc cháo. Chị thấy trong người đã khá hơn rất nhiều.
Nói chuyện một hồi, chính chị Minh lại là người động viên ngược lại cho mọi người trong gia đình. Chị nói Covid chỉ "hạ" được người có bệnh nền hoặc già yếu. Chị năm nay mới 38 tuổi, sức khỏe lại rất tốt nên đoán chắc con virus cũng sớm phải chào thua. Ở phòng bệnh từ hôm đi cách ly điều trị, chị Minh vẫn là người khỏe nhất. Lúc nào bà Thơ gọi điện, chị cũng nói mình ổn.
Nghĩ vậy, bà Thơ ngồi nhẩm tính ngày con gái ra viện chắc cũng không còn xa. Bà hứa với chị Minh hôm nào chị ra viện sẽ chuẩn bị sẵn món thịt vịt mà chị thích ăn nhất. Nghe đến đó, chị Minh bật cười. Bà Thơ cũng yên tâm tắt điện thoại. Sau ngày dài lo lắng, bà thiếp đi rất sâu!
Nào ngờ đó lại là lần cuối cùng bà nhìn thấy con gái qua màn hình điện thoại. Sớm hôm sau, Công an xã gọi điện báo đêm qua chị Minh đột ngột trở nặng. Bác sĩ muốn chuyển chị lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhưng vừa tới nửa đường phải quay lại. Sức khỏe chị suy yếu theo từng giây. Chỉ vài tiếng sau chị đã không thể vượt qua.
"Nửa đêm họ gọi bà không biết bao nhiêu lần. Nhưng vợ chồng bà không nghe nên họ gọi cho tôi". Người công an xã vừa nói tới đó, bà Thơ vội vàng tắt điện thoại.
"Tôi điện lại ngay cho bác sĩ chỉ kịp hỏi đúng một câu là ‘bác sĩ ơi người ta nói thế có thật không hả bác’… Đầu giây bên kia im lặng. Lúc sau họ nói xin lỗi. Câu cuối cùng là ‘chúng cháu đã cố hết sức rồi bác à…’. Tôi nghe hình như âm thanh cứ nhỏ dần".
Choáng váng, bà Thơ buông tay. Chiếc điện thoại rơi xuống đất dập vỡ.
Cùng lúc ấy, người con dâu gọi cho chồng bà nói rằng trong hộp tin nhắn messenger của cô có tin nhắn chị Minh để lại lúc nửa đêm: "Vợ chồng em và bố mẹ chăm sóc cháu giúp chị".
"Đến lúc ấy, tôi suy sụp hoàn toàn. Nghĩ chắc lúc đó con mình đau đớn lắm rồi nên chỉ nhắn được vài chữ như thế. Chắc là nó không gọi được cho tôi nên mới nhắn tin cho em dâu. Tôi hận mình sao lại tắt chuông điện thoại đi. Cứ nghĩ chuyện lỡ mất cơ hội cuối cùng nói chuyện với con, tim tôi đau quặn lại…".
TÔI KHÔNG DÁM NHÌN THẲNG VÀO MẮT THẰNG CHÁU NGOẠI
Sáng hôm ấy, chồng bà Thơ tức tốc xuống nghĩa trang Văn Điển nhận tro cốt con gái. Thằng bé con chị Minh (6 tuổi) thấy ông ngoại chuẩn bị đi đâu thì chồm dậy đòi đi theo. Phải thuyết phục mãi rằng ông đi đón mẹ ở xa lắm, nó mới chịu thôi. Nguyên một ngày dài thật dài, nó chỉ hỏi bà đúng một câu: "Bà ơi, bao giờ ông với mẹ con về thế?"
Buổi tối thằng bé thấy ông về, nó hỏi tôi: ‘Bà ơi sao ông đi đón mẹ mà chỉ thấy ông về, không thấy mẹ đâu?’ Tôi làm mâm cơm gọi hồn con về cùng ăn thì thằng cu lại hỏi: Bà ơi sao bà lại gọi mẹ con về ăn cơm, mẹ con làm gì có ở nhà… Tôi nhìn vẻ lanh lẹ mọi ngày của nó mà không kìm nổi nước mắt.
Thấy tôi khóc, nó đứng ngây ra một hồi lâu. Sáng nay nó choàng tỉnh từ lúc nào. Khi tôi vừa chấm nước mắt quay lưng lại đã thấy nó nằm trên giường mở hai mắt thao láo. Hình như nó đoán ra điều gì….
Người nó rũ ra như quả bòng xì hơi. Mọi khi nó nghịch ngợm ghê lắm mà cả ngày nay nó không nói năng gì. Vợ chồng tôi cũng không dám nói gì, cũng không ai dám nhìn thẳng vào thằng bé. Chưa bao giờ, người trong nhà lại không dám nhìn nhau và im lặng như thế".
LẦN GẶP GỠ CUỐI CÙNG
9/5 là lần về thăm quê cuối cùng của chị Minh. Sáng mùng 10/5 trước khi trở lại công ty Hodisen, chị dặn bà Thơ:"Dịch bệnh dữ dội quá lần này con đi chắc lâu lắm mới về, ông bà ở nhà nhớ bảo cháu học hành".
"Ai biết đâu từ đấy không bao giờ nhìn thấy con về nữa… Cứ nghĩ con đi làm thôi nhưng giờ mới nghĩ có bao nhiêu tiền cũng đâu đổi lại được tính mạng".
Tiếng bà Thơ nức nở qua điện thoại. Lúc chị Minh khăn gói lên đường hay cho tới lúc chị nhập viện, bà Thơ chưa bao giờ nghĩ cuộc chia tay trước mắt lại là một cuộc chia tay thực sự.
"Từ hôm nó nhập viện cho đến lúc ra đi mới chỉ có mấy ngày thôi. Chưa có ai diễn tiến nhanh như thế. Không biết có phải là do số phận hay không".
Nói về số phận, bà Thơ bảo "cái số" chị Minh khổ từ lúc sinh ra cho tới tận lúc chết. Vì nhà nghèo nên chị chỉ được đi học tới cấp 2 thì phải bỏ. Năm 14-15 tuổi đã phải theo bố mẹ ra đồng làm quần quật.
Lớn lên, chị quen biết và kết hôn với một người đàn ông ở Yên Thế (Bắc Giang). Nhưng cuộc hôn nhân ấy chẳng hạnh phúc được lâu.
"Đau đớn quá em nó mới gọi bố lên đón về… Em nó bảo không thể nào chịu đựng được nữa". Từ đó tới giờ chị Minh và con trai sống cùng ông bà ngoại. Khi con vừa lên 2, chị đã giao lại cho ông bà chăm sóc để lên KCN Việt Yên tìm việc.
"Mấy lần nó về thăm thấy bố mẹ già ngoài 60 tuổi vẫn đi phải đi cấy thuê, em nó thương lắm bảo sẽ cố gắng kiếm tiền để bố mẹ chỉ ở nhà trông cháu thôi, không phải đi làm đồng vất vả nữa…. Nhưng bây giờ người còn chẳng thấy đâu…"
Thương con một nhưng bà Thơ thương cháu ngoại gấp 10. Thằng bé từ nhỏ không có cha, bây giờ lại mất mẹ.
"Nghĩ con mình cũng như con người ta có cưới hỏi đàng hoàng mà sao cái số phận trớ trêu. Chồng cũ của em nó còn chẳng buồn hỏi thăm con trai mình, cũng không hay biết gì vợ cũ mình đã mất".
Giờ đây, mọi gánh nặng kinh tế gia đình dồn lên vai người em trai chị Minh. Dịch bệnh khiến gia đình bà Thơ chia cắt mỗi người một nơi. Vợ chồng người con trai út của bà cách ly ở khu công nghiệp Việt Yên. Đứa con trai nhỏ 2 tuổi cũng đang phải nhờ ông bà chăm sóc. Vợ chồng người con gái thứ hai cũng đang bị cách ly tại nhà do địa phương bị phong tỏa.
Ngày chị Minh mất ở nơi xa, không một người thân thích nào ở bên. Cho đến khi nhận tro cốt chị về, anh chị em cũng không thể về thắp một nén hương.
Đến giờ tang ma của chị vẫn chưa thể thực hiện. "Ngày nào đó hết dịch mà được làm lễ gửi em nó lên chùa, tôi cũng không biết phải nói thế nào cho cháu mình hiểu nữa. Thằng bé sinh ra không có cha, 6 tuổi lại mất mẹ, không biết nó sẽ phải chấp nhận sự thật ấy thế nào".
Mọi sự ủng hộ giúp đỡ xin gửi về STK: 8414205221218, Ngân hàng: Agribank, Chủ TK: Chu Thị Đào (em dâu chị Minh) , SĐT mẹ ruột chị Minh: 0943570253.
Bệnh nhân mang mã số 4807 là Đào Thị Minh, 38 tuổi, quê ở xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Chị Minh là công nhân Công ty Hosiden, trong khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, rát họng, mệt mỏi, được làm xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng, Bắc Giang ngày 17/5. Tối 20/5, Bộ Y tế công bố ca bệnh 4807.
Trong quá trình điều trị, sức khỏe chị Minh chuyển biến xấu nhanh. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp. Tối 22/5, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng ho, tức ngực, khó thở, đau rát họng, phổi thông khí giảm hai bên. Chẩn đoán khi vào viện: Viêm phổi do Covid-19 biến chứng suy hô hấp.
Bệnh nhân được thở oxy qua mặt nạ, điều trị kháng sinh, kháng viêm. Khoảng 12h ngày 23/5, bệnh nhân diễn biến nặng hơn, tức ngực khó thở nhiều, chụp X-quang thấy phổi tổn thương lan tỏa hai bên, được cấp cứu thở oxy dòng cao không xâm nhập.
Đến 22h đêm 23/5, bệnh nhân suy hô hấp nặng hơn. Qua hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, tiếp tục hồi sức. Nhưng tình trạng của bệnh nhân diễn biến xấu hơn, ngừng tuần hoàn, cấp cứu ngừng tuần hoàn không có kết quả.
Rạng sáng 24/5, bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhưng đã tử vong trên đường lúc 4h30.