Moderna công bố kết quả thử nghiệm vắc-xin Covid-19: Hiệu quả đến 95%, chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường
Bloomberg đưa tin, Moderna Inc. cho biết vắc xin Covid-19 của họ có hiệu quả 94,5% trong một phân tích sơ bộ của một thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối.
Trong một phân tích sơ bộ của thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối, Moderna cho biết vắc-xin Covid-19 của họ đã có hiệu quả 94,5% trên người. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy "cuộc săn lùng" tìm ra vắc-xin của các nhà khoa học cùng công ty dược phẩm đang đạt được thành công, nhờ nhiều công cụ mới có thể giúp kiểm soát diễn biến của đại dịch.
Kết quả tích cực của Moderna được công bố chỉ 1 tuần sau thông báo tương tự của Pfizer cùng BioNTech với hiệu quả hơn 90%. Hiện tại, cả 2 loại vắc-xin đều được nghiên cứu dựa trên RNA. Theo đó, trong một khoảng thời gian sắp tới, hàng triệu người trên thế giới có thể khỏi bệnh nhờ bước đột phá này.
Theo Bloomberg, một phân tích dữ liệu sơ bộ thử nghiệm trên hơn 30.000 tình nguyện viên cho thấy vắc-xin của Moderna có thể ngăn ngừa hầu như toàn bộ triệu chứng của Covid-19 do virus SARS-CoV-2.
Khi vắc-xin được phép sử dụng, việc phân phối sẽ là một thách thức đáng kể. Hiện tại, việc xử lý mũi tiêm vẫn đang được nghiên cứu. Ví dụ, vắc-xin của Pfizer và BioNTech phải bảo quản ở nhiệt độ cực kỳ lạnh trước vài ngày sử dụng.
Trong khi đó, Moderna cho biết vắc-xin của họ có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh trong 30 ngày – lâu hơn nhiều so với ước tính trước đó là 7 ngày. Để bảo quản lâu hơn, vắc-xin có thể được giữ trong tủ đông, dù không cần đến các thiết bị đặc biệt như vắc-xin của Pfizer.
Theo đánh giá của một hội đồng giám sát an toàn dữ liệu được Viện Y tế Quốc gia Mỹ chỉ định, trong số 30.000 tình nguyện viên tham gia, có 15.000 người tiêm vắc-xin, trong đó 5 người nhiễm Covid-19 và không có ca nghiêm trọng; 15.000 người tiêm giả dược, với 90 người nhiễm Covid-19 và 11 ca nghiêm trọng. Kết quả cho thấy, vắc-xin đã tạo ra phản ứng miễn dịch bảo vệ nếu tiếp xúc với virus.
Ngoài ra, vắc-xin cũng có hiệu quả trong việc ngăn ngừa những triệu chứng nghiêm trọng nhất của Covid-19. Theo thông báo của Moderna, không có trường hợp tham gia thử nghiệm nào ghi nhận triệu chứng nặng sau khi tiêm vắc-xin, so với 11 trường hợp được tiêm giả dược.
Kết quả của Moderna được đưa ra vào thời điểm dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp. Số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt qua con số 11 triệu vào hôm 15/11, mức cao nhất kể từ tháng 7. Trong khi đó, số người chết và nhập viện cũng đang tăng lên. Tại châu Âu, số trường hợp nhiễm Covid-19 tăng cao khi hầu như cả thế giới đang chuẩn bị đối mặt với "mùa đông tồi tệ."
Dù kết quả này vẫn ở giai đoạn sơ bộ, nhưng cả Moderna và Pfizer sự kiến sẽ xin giấy phép khẩn từ FDA nếu những nghiên cứu sâu hơn cho thấy vắc-xin của họ là an toàn. Trong thông báo ngày hôm nay, Moderna cho biết họ có thể vận động các nhà quản lý trong những tuần tới.
Công ty dược phẩm cho biết, họ dự kiến có được giấy phép sử dụng vắc-xin khẩn cấp dựa trên phân tích cuối cùng trên 151 trường hợp nhiễm Covid-19, kết hợp với dữ liệu theo dõi an toàn trong 2 tháng như được yêu cầu. Dự kiến, dữ liệu cuối cùng này sẽ được công bố vào cuối tháng 11.
Cả vắc-xin của Moderna và Pfizer đều được điều chế dựa trên RNA, nhằm thay đổi tế bào của chính cơ thể người để trở sản xuất vắc-xin. Sau khi được tiêm, vắc-xin sẽ cho phép các tế bào tạo bản sao protein của coronavirus, kích thích tạo ra kháng thể bảo vệ.
Hiện tại, phân tích dữ liệu của Moderna không cho thấy mối lo ngại đáng kể nào về an toàn. Công ty cho biết một số tình nguyện viên đã bị mệt mỏi nghiêm trọng, đau nhức cơ, khớp, đau đầu sau khi tiêm vắc-xin, dù tác dụng phụ này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Trong quá trình thử nghiệm vắc-xin, một số lượng nhất định tình nguyện viên – một trong số đó sẽ tiêm giả dược, phải bị nhiễm Covid-19 để xem vắc-xin có hiệu quả hay không. Hiện tại, số ca nhiễm tại Mỹ đã cao đến mức họ có thể nhanh chóng phân tích dựa trên 95 trường hợp.
CEO của Moderna – Stephane Bancel cho biết, số ca nhiễm đang ngày càng tăng cao và Moderna sẽ có kết quả trên 151 trường hợp cuối cùng vào cuối tháng này, cho phép họ hoàn thành dữ liệu phân tích và nộp hồ sơ để cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Giai đoạn thử nghiệm của cùng của Moderna bắt đầu cùng ngày với Pfizer vào cuối tháng 7. Công ty này có phần chậm trễ hơn Pfizer phần lớn do sự khác biệt trong cấu trúc của các nghiên cứu. 2 liều vắc-xin của Moderna được tiêm cách nhau 4 tuần, trong khi 2 liều của Pfizer được tiêm trong 3 tuần.
Trước đó, Moderna đã tham gia chương trình Operation Warp Speed (OWS) - chương trình nhằm tìm kiếm thuốc và vắc-xin Covid-19 hiệu quả và an toàn của Mỹ, và nhận 995 triệu USD để phát triển vắc-xin. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng đồng ý trả tới 1,53 tỷ USD để mua nguồn cung cấp loại thuốc này. Trong khi đó, Pfizer cho biết họ không nhận được bất kỳ khoản tài trợ liên bang nào để phát triển vắc-xin, dù đã đạt được thỏa thuận cung cấp với chính phủ trị giá 2 tỷ USD.