Môi trường tiếp xúc có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu về hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng các nghiên cứu thực hiện với những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhưng họ tiếp xúc với nhau nhiều hơn có thể dẫn đến hiểu sai rằng vaccine không hiệu quả.
Nhà nghiên cứu Korryn Bodner thuộc Bệnh viện St. Michael ở Toronto (Canada) cho rằng một số nghiên cứu vốn chỉ ra rằng những người đã tiêm chủng có tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn những người chưa tiêm vaccine, có thể bị lỗi thống kê, nhất là khi những nghiên cứu đó không giải thích những mô hình tiếp xúc khác nhau giữa những người đã tiêm chủng và chưa tiêm.
Theo bà Bodner, việc sử dụng mô hình trên máy tính để mô phỏng sự lây lan của dịch bệnh với việc sử dụng một loại vaccine, nhóm nghiên cứu của bà đã phát hiện ra rằng môi trường tiếp xúc có thể là yếu tố khiến các nghiên cứu không nhìn thấy hiệu quả của vaccine ngay cả khi vaccine vẫn đang phát huy tác dụng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine đang có hiệu quả nhưng lại xuất hiện kết quả nghiên cứu không hiệu quả khi những người đã tiêm chủng tiếp xúc nhiều hơn với người khác so với những người chưa tiêm chủng, tức là hiệu quả của vaccine thấp hơn nhưng không biến mất (trong trường hợp xuất hiện các biến thể của virus SARS-CoV-2), hoặc đánh giá hiệu quả của vaccine trong khi một đợt dịch bệnh đang gia tăng (trong trường hợp một biến thể mới đang lây lan nhanh). Kết quả nghiên cứu này được đăng trên tạp chí medRxiv trước khi được giới chuyên gia đánh giá.
Mô hình trên không chỉ ra rằng sự sai lệch này có ảnh hưởng đến những nghiên cứu về hiệu quả của vaccine đối với biến thể Omicron hay không. Tuy nhiên, bà Bodner cho biết mô hình cho thấy ngay cả khi vaccine đang có hiệu quả, việc những người đã tiêm chủng mà tiếp xúc với nhau nhiều hơn so với những người chưa tiêm cũng có thể dẫn đến kết quả vaccine không hiệu quả.