Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Chủ nhật, 28/04/2024 13:03 (GMT+7)

Một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT hưởng quyền lợi thế nào?

Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT hưởng quyền lợi thế nào?

Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian gần đây, nhiều người lao động quan tâm đến việc một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng nào, mức hưởng BHYT thế nào?

Về nội dung này BHXH Việt Nam cho biết, căn cứ quy định tại khoản 7, khoản 15, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014; khoản 5, Điều 12 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014), thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này.

Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT, thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất. Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước, trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng.

Ví dụ, trường hợp đồng thời vừa thuộc đối tượng tham gia BHYT theo nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, vừa thuộc đối tượng tham gia BHYT theo nhóm thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ, thì đóng BHYT theo nhóm 1 (do người lao động và người sử dụng lao động đóng), được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cao nhất (nhóm 3). Thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước để tính thời gian tham gia BHYT liên tục.

Bên cạnh đó, người lao động còn băn khoăn về việc thẻ BHYT không ghi hạn thẻ đến ngày bao nhiêu mà chỉ ghi ngày bắt đầu, như vậy thì khách không biết để gia hạn thẻ. Vậy người lao động để biết hết hạn thẻ thì tra ở đâu?

Trả lời nội dung này, BHXH Việt Nam cho hay để biết thời hạn sử dụng thẻ BHYT người tham gia có thể tra cứu bằng nhiều hình thức: Kiểm tra qua danh sách cấp thẻ BHYT lưu tại đơn vị; kiểm tra trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam (www.baohiemxahoi.gov.vn); Gọi Trung tâm Hỗ trợ khách hàng của BHXH Việt Nam qua tổng đài 19009068.

Ngoài ra, người dân có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH, tổ chức dịch vụ nơi tham gia BHXH, BHYT, cơ sở khám chữa bệnh BHYT để được giải đáp thỏa đáng. Khi tới hạn nộp tiền, cơ quan BHXH có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền và đôn đốc đơn vị, người tham gia tiếp tục đóng theo quy định (Biên lai thu tiền đã ghi rõ thời hạn sử dụng thẻ BHYT để người tham gia BHYT được biết).

Cùng chuyên mục

Chưa rút BHXH mà qua đời thì có bị mất tiền đã đóng?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, người lao động đang đóng BHXH, hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm 02 khoản: Mai táng phí và trợ cấp tuất (trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hàng tháng).

Tin mới

Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.