Mua xe nhưng không sang tên bị xử lý thế nào?
Pháp luật quy định như thế nào về việc sang tên khi mua bán xe. Việc mua xe nhưng không sang tên sẽ bị xử lý thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
(i) Đăng ký xe;
(ii) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008;
(iii) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008;
(iv) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Trong trường hợp người mua xe cũ, khi tham gia giao thông bị cảnh sát giao thông dừng xe, xử lý các lỗi vi phạm như vượt đèn đỏ, lấn làn... thì sẽ bị xử phạt hành vi vi phạm đó. Bên cạnh đó, người mua xe ôtô cũ chưa sang tên sẽ bị xử lý hành vi không sang tên xe trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông. Trong quá trình điều tra tai nạn, cơ quan công an sẽ xác minh chủ phương tiện, chứng minh người gây tai nạn đã mua xe và chưa làm thủ tục sang tên.
Ngoài các lỗi vi phạm liên quan đến tai nạn giao thông, người mua xe sẽ bị xử phạt thêm hành vi mua bán xe chưa làm thủ tục sang tên. Cụ thể, theo quy định tại điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.