Người dân cần làm gì khi bị sử dụng trái phép danh tính điện tử?
Khi bị mất phương tiện xác thực hoặc phát hiện có người sử dụng trái phép danh tính điện tử của mình, chủ tài khoản cần thông báo ngay tới cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Ngày 05/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực từ 20/10/2022.
Theo đó, tại Điều 32, Nghị định 59/2022/NĐ-CP này, danh tính điện tử, định danh điện tử, xác thực điện tử, cá nhân hay tổ chức được quy định là chủ thể danh tính điện tử phải bảo vệ thông tin danh tính điện tử, an toàn yếu tố xác thực.
Đáng chú ý, cũng theo khoản 3, Điều 32, Nghị định 59/2022/NĐ-CP, khi mất kiểm soát phương tiện xác thực hoặc phát hiện có người sử dụng trái phép danh tính điện tử của mình, chủ tài khoản cần thông báo ngay cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử để hỗ trợ giải quyết kịp thời.
Còn đối với chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử, họ cần tuân thủ các quy định tại Điều 6, Nghị định 59/2022/NĐ-CP về điều khoản sử dụng tài khoản định danh điện tử.
Cụ thể, không được sử dụng tài khoản định danh điện tử vào hoạt động, giao dịch trái quy định của pháp luật; xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không được can thiệp trái phép vào hoạt động của hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Ngoài ra, tại Điều 33, Nghị định 59/2022/NĐ-CP về trách nhiệm của bên sử dụng dịch vụ cũng nêu rõ, bên sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện phải có trách nhiệm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về định danh và xác thực điện tử; quản lý, bảo mật thông tin tài khoản định danh điện tử, bảo đảm sử dụng tài khoản định danh điện tử an toàn.
Bên sử dụng cũng phải chịu trách nhiệm về các giao dịch đã thực hiện và quy định của các bên có liên quan đối với các giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, tại Điều 34, Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử và cơ quan, tổ chức, cá nhân tự tạo lập tài khoản cũng nêu rõ, tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử và cơ quan, tổ chức, cá nhân tự tạo lập tài khoản như cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho tổ chức, cá nhân trên cơ sở thỏa thuận bằng hợp đồng cung cấp dịch vụ.
Phía cung cấp dịch vụ phải bảo đảm kênh tiếp nhận thông tin và việc sử dụng dịch vụ liên tục 24 giờ trong ngày và 07 ngày trong tuần; tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tự tạo lập tài khoản của mình phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của tài khoản đó; bảo vệ dữ liệu cá nhân do mình thu thập, quản lý theo. Trường hợp có yêu cầu của chủ thể dữ liệu, cơ quan, tổ chức cá nhân phải xóa dữ liệu đã thu thập và quản lý.
Về đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử, tại Điều 11, Nghị định 59/2022/NĐ-CP đã quy định, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam, đều được cấp tài khoản định danh điện tử. Người chưa đủ 14 tuổi thì được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Bộ Công an khẳng định tài khoản định danh điện tử có thể sử dụng để thay thế nhiều loại giấy tờ như CCCD gắn chip, thẻ BHYT, đăng ký xe, giấy phép lái xe, thông tin người phụ thuộc, người giám hộ, thực hiện thông báo lưu trú hoặc chức năng tố giác tội phạm.
Cách đăng ký tài khoản định danh:
1. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 qua ứng dụng VNElD đối với người đã có CCCD gắn chip:
- Bước 1: Sử dụng thiết bị di động cài ứng dụng VNElD.
- Bước 2: Truy cập VNElD, nhập số định danh cá nhân, số điện thoại hoặc thư điện tử; cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng; thu nhận ảnh chân dung và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản.
- Bước 3: Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua VNElD, tin nhắn SMS hoặc thư điện tử.
2. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2:
+ Đối với công dân đã có CCCD gắn chip
- Bước 1: Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp CCCD để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử; thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ Công an.
- Bước 2: Cán bộ chức năng nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, lấy mẫu vân tay của công dân để xác thực với cơ sở dữ liệu CCCD và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo tài khoản định danh.
- Bước 3: Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua VNElD, tin nhắn SMS hoặc thư điện tử.
Trường hợp công dân chưa có thẻ CCCD gắn chip, cơ quan Công an sẽ tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ CCCD.