Người đàn ông nhập viện cấp cứu khẩn sau khi ăn canh loại củ nhiều người coi là đặc sản
Bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng tê miệng, lưỡi, tay, chân, nóng rát vùng cổ, cảm giác loạn nhịp tim.
Thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết nơi đây đã cấp cứu cho bệnh nhân nam 65 tuổi (ở TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị ngộ độc sau khi ăn củ ấu tẩu (tên gọi khác là ấu tàu).
Loại củ này thường được gọi là ấu tẩu, một vị thuốc sau khi được bào chế nhưng cũng chứa chất aconitin kịch độc, có thể gây tử vong.
Theo bệnh viện, bệnh nhân ăn canh có chứa khoảng 3-4 củ ấu tẩu, được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng tê miệng, lưỡi, tay, chân, nóng rát vùng cổ, cảm giác loạn nhịp tim.
Qua thăm khám, khai thác thông tin từ gia đình người bệnh, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị ngộ độc củ ấu tẩu.
Ngay sau đó, bác sĩ thực hiện các biện pháp cấp cứu, thải độc bằng than hoạt tính, rửa dạ dày, truyền dịch, hồi sức tích cực theo phác đồ. Sau 24 giờ điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Bác sĩ CKI Trần Công Cẩn, khoa Hồi sức tích cực chống độc, cho biết trong củ ấu tẩu có thành phần aconitin có độc tính rất cao, có thể gây tử vong chỉ với một hàm lượng nhỏ.
Do đó, khi bị ngộ độc củ ấu tẩu, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng: Nôn, buồn nôn, tê môi, lưỡi, tay, chân hoặc toàn thân, cảm giác tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim.
Nếu bị nặng, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như co giật, ngừng thở, suy hô hấp, thậm chí ngừng tim, tử vong.
Thực tế, không ít người dân sử dụng củ ấu tẩu như một loại đặc sản, bài thuốc quý để chế biến món ăn hoặc ngâm rượu nhưng tiềm ẩn nguy cơ bị ngộ độc.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy, người dân không nên tự chế biến củ ấu tẩu làm thức ăn hoặc ngâm rượu để uống nếu không biết cách loại bỏ độc tố.
Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí, tuyệt đối không ở nhà để tự theo dõi hoặc điều trị theo các biện pháp dân gian.