Nguyên ĐBQH: Cần phải công khai danh sách những cá nhân sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô
Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nhận định việc Trường Đại học Đông Đô cấp hơn 600 văn bằng 2 Tiếng anh giả trong một thời gian dài là hành vi đặc biệt nguy hiểm và mang đến nhiều hệ lụy nếu không được xử lý dứt điểm những cá nhân sai phạm. Đồng thời, Bà An khẳng định Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) sẽ phải chịu trách nhiệm tới cùng trước vụ việc này.
Trả lời Tạp chí Luật sư Việt Nam về việc Trường Đại học Đông Đô cấp hơn 600 văn bằng 2 Tiếng anh giả trong một thời gian dài mà không có sự cấp phép của Bộ GD&ĐT, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nhận định đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm và mang đến nhiều hệ lụy nếu không được xử lý dứt điểm những cá nhân sai phạm trong vụ việc này.
Liên quan đến việc một số đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT có hành vi tiếp tay cho Trường Đại học Đông Đô, bà An bày tỏ quan điểm phải nghiêm trị những cá nhân có thẩm quyền cố tình làm sai trong việc quản lý cấp văn bằng, chứng chỉ. Bên cạnh đó, cần thiết phải công khai danh sách những cá nhân sử dụng bằng giả để vừa có tính răn đe, vừa có tính giáo dục đối với những trường hợp khác.
Bà An đồng thời khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ phải chịu trách nhiệm tới cùng trước vụ việc này. Bởi lẽ, Bộ GD&ĐT quản lí hoàn toàn việc cấp phôi bằng cho các đại học. Các trường muốn được cấp phôi bằng phải cung cấp đủ số liệu cần thiết, quyết định mở ngành, chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh, số lượng sinh viên tốt nghiệp. Khi có đầy đủ các số liệu thì Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) sẽ cấp phôi bằng cho các trường. Chính vì vậy mà Bộ GD&ĐT phải có trách nhiệm kiểm soát được việc cấp phôi bằng và hoạt động đào tạo của các trường.
Theo Luật sư Võ Trung Tín, Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam, Đoàn Luật sư TP. HCM, hiện nay việc cấp văn bằng giả xảy ra ngày càng phổ biến và gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Có thể thấy rằng, hành vi của các cá nhân tổ chức việc cấp văn bằng giả là một hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, cần phải được xử lý nghiêm minh để đảm bảo sự công bằng cho xã hội. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xảy ra trên thực tế để có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo thông tin từ các đơn vị báo chí, truyền thông về vụ việc cấp văn bằng 2 giả của trường Đại học Đông Đô, Luật sư Võ Trung Tín cho rằng hành vi của các cá nhân đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn của nhà trường tổ chức việc cấp văn bằng 2 giả khi chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép có thể cấu thành tội được quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi làm, cấp giấy tờ giả sẽ bị phạt tù thấp nhất là 01 năm đến 05 năm. Trong trường hợp làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên, người phạm tội có thể chịu mức xử phạt cao nhất từ 12 đến 20 năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo bằng đại học thứ hai (văn bằng 2), do đó, có thể kết luận toàn bộ văn bằng 2 của trường đã cấp trong thời gian qua đều là giả. Trường hợp những cá nhân này biết mình được cấp bằng giả nhưng vẫn sử dụng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, việc có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì cần phải xem xét đến mục đích sử dụng văn bằng giả đó. Nếu sử dụng bằng giả nhằm mục đích để thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội. Mức xử phạt cao nhất đối với hành vi này lên đến 07 năm tù, ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Ngược lại, nếu không sử dụng bằng giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì hành vi đó không cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, người sử dụng văn bằng giả có thể bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng văn bằng giả với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (quy định tại Khoản 4 Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục). Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng là tịch thu văn bằng giả đã được cấp.
Đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức nếu sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ; áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức, viên chức sử dụng văn bằng giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị (quy định tại Điều 12, Điều 13, Điều 18 Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý, kỉ luật cán bộ, công chức, viên chức).
Vấn đề xác định trách nhiệm của các Vụ có liên quan trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đăng tải thông tin tuyển sinh văn bằng 2 chưa được cấp phép của Trường Đại học Đông Đô lên trang thông tin điện tử của Bộ đến đâu thì cần phải chờ kết luận điều tra của cơ quan điều tra. Luật sư Võ Trung Tín nhận định trong trường hợp xác định được hành vi vi phạm xảy ra do lỗi của các cá nhân nào thì căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi mà những cá nhân này có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 20/2012/TT-BGDĐT; Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ thì trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với việc xác định và công bố chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục bao gồm (i) yêu cầu cơ sở đào tạo cung cấp đầy đủ thông tin để xác minh chỉ tiêu đã đăng ký và (ii) tổ chức kiểm tra, thanh tra thực tế việc xác định chỉ tiêu và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo hằng năm. Thế nhưng, việc để xảy ra sai phạm của Trường Đại học Đông Đô trong thời gian qua đặt ra câu hỏi liệu rằng việc kiểm tra, thanh tra này có được thực hiện thường xuyên hoặc có mang lại hiệu quả trong công tác quản lý hay không khi để hành vi vi phạm kéo dài từ năm 2015 đến năm 2018. Đồng thời, thông tin tuyển sinh văn bằng 2 khi chưa được cấp phép vẫn được đăng công khai trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ. Đối với vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm và rà soát lại công tác quản lý của mình.