Nhà máy thủy điện Thượng Nhật 'phớt lờ' chỉ đạo của Trung ương
Chiều 17/11, đoàn công tác Bộ Công Thương do ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp dẫn đầu đã đến kiểm tra tại thủy điện Thượng Nhật.
Chiều 17/11, đoàn công tác Bộ Công Thương do ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp dẫn đầu đã đến kiểm tra tại thủy điện Thượng Nhật (đóng tại xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Làm việc với đoàn công tác, ông Lê Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam thừa nhận, thời gian vừa qua chủ đầu tư đã có sự chậm trễ, sai sót trong điều hành. Công ty xin rút kinh nghiệm và sẽ khắc phục, mong được tạo điều kiện để sớm phát điện, có nguồn thu để bù kinh phí đầu tư, nộp ngân sách.
Theo ông Khoa, thời gian vừa qua, kể từ cơn bão số 5 tới nay, đặc biệt là 2 cơn bão lớn là bão số 5 và 13, về mặt điều hành, quản lý công ty "luôn tuân thủ" mọi vấn đề, công điện chỉ đạo của tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Ông Lê Văn Khoa (bìa phải), Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật báo cáo với đoàn công tác Bộ Công thương. (Ảnh: Đại Đoàn Kết). |
Tuy nhiên, trong một số thời điểm đơn vị phải "đóng cửa van một phần" để khắc phục sự cố, khơi thông dòng chảy.
Trao đổi với đoàn công tác, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, dù chưa dọn dẹp lòng hồ nhưng chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã tích nước, phát điện khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Ở vai phải đập thuỷ điện Thượng Nhật, núi ở khu nhà điều hành có nguy cơ sạt lở rất lớn, cần khắc phục; chưa cắm cảnh báo ở hạ du đập.
"Bây giờ họ đã vậy rồi thì sau khi được tích nước không biết có phối hợp với huyện hay không", ông Trần Quốc Phụng bày tỏ lo ngại.
Qua kiểm tra trực tiếp và làm việc với các bên liên quan, ông Tô Xuân Bảo yêu cầu chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam phải bổ sung thêm 2 máy phát điện ở đập để xử lý khi sự cố đập xảy ra trong trường hợp mất điện.
Ông Tô Xuân Bảo khẳng định, chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã không tuân thủ hoặc chưa tuân thủ các quy trình, quy định. Trong đó rõ nhất là việc không tuân thủ các quy định của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, quy trình vận hành.
"Theo Nghị định 114/2018 của Chính phủ về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thì chúng tôi đã có thể xử phạt hành chính ngay. Còn về giấy phép hoạt động điện lực, các anh nếu không duy trì các điều kiện theo quy định thì chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Công Thương thu hồi", ông Tô Xuân Bảo khẳng định.
Kết thúc buổi kiểm tra, ông Tô Xuân Bảo yêu cầu chủ đầu tư, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị các văn bản liên quan để ngày 18/11, đoàn sẽ tiếp tục có cuộc họp tại Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trước đó vào cuối tháng 10, khi cơn bão số 9 được dự báo là gây mưa lớn cho vùng miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế thì chính quyền huyện Nam Đông đã phát hiện hồ thủy điện Thượng Nhật đóng kín các cửa van để tích nước đầy hồ và vận hành phát điện khi chưa được phép.
Nhà máy thủy điện Thượng Nhật đã nhiều lần "phớt lờ" chỉ đạo của các cơ quan chức năng để tích nước trái phép. (Ảnh: Internet). |
Mưa lớn dồn dập, hồ thủy điện tích nước sẽ gây hậu quả khôn lường, khi mà các điều kiện về an toàn hồ đập chưa đảm bảo. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã gửi công điện yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật không được tự ý tích nước, tránh nguy cơ mất an toàn. Thế nhưng, chủ đầu tư thủy điện này không tuân thủ chỉ đạo. Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế phải phát công văn đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung không mua điện của thủy điện Thượng Nhật, cho đến khi nào được phép tích nước, vận hành.
Tiếp đến ngày 14/11, khi bão số 13 đang ảnh hưởng đến tỉnh Thừa Thiên Huế, chính quyền địa phương tiếp tục có công điện khẩn yêu cầu mở các cửa xả, không tích nước nhưng thủy điện Thượng Nhật, một lần nữa vẫn không tuân thủ, tự ý tích nước ở cao trình 115m. Chính quyền buộc phải điều động công an đến lập biên bản và túc trực 24/24 giờ để giám sát. Trong lúc đó, phía dưới thủy điện Thượng Nhật có thôn 2 gồm 78 hộ dân đang sinh sống, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của bà con.