Như Thanh (Thanh Hoá): Bất thường trong công tác đấu thầu xây dựng (2)
Tất cả đều có giá trúng thầu rất sát so với giá dự toán công trình, lý do trượt thầu của các nhà thầu này cũng rất giống nhau.
Công tác đấu thầu do Huyện uỷ, UBND huyện Như Thanh, Thanh Hóa có nhiều dấu hiệu bất thường đó là chỉ có vài đơn vị “thay nhau trúng thầu”. Tất cả đều có giá trúng thầu rất sát so với giá dự toán công trình, lý do trượt thầu của các nhà thầu này cũng rất giống nhau.
Trong đó phải được kể đến, Công ty TNHH MTV 172 trúng 6 gói; Công ty CP xây dựng LKT trúng 4 gói; Công ty TNHH Dũng Tuấn trúng 5 gói; Công ty TNHH Chinh Nga trúng 3 gói; Công ty TNHH Nam Dương trúng 5 gói.
Cụ thể, tại quyết định số 626/QĐ-UBND của UBND huyện Như Thanh ngày 15/3/2019 và thông báo số 07-TB/BQLDA ngày 18 tháng 03 năm 2019 của Huyện ủy Như Thanh về kết quả lựa chọn nhà thầu thuộc gói thầu số 05 “Thi công xây dựng công trình, cải tạo, nâng cấp hồ Cây Thị, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh”. Theo đó, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH MTV 172 với giá trúng thầu trị giá 4.480.046.000 đồng, thời gian thực hiện gói thầu trọn gói này trong 06 tháng, đơn vị trượt thầu là Công ty TNHH Dũng Tuấn.
Chưa đầy một tháng sau đó tức ngày 02/04/2019 tại quyết định số 578-QĐ/HU và thông báo số 04-TB/BQLDA của Huyện ủy Như Thanh đưa ra kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu số 04 “ Thi công xây dựng công trình Xây dựng nhà làm việc huyện ủy Như Thanh”.
Lần này, đơn vị trúng thầu vẫn là Công ty TNHH MTV 172 với giá trúng thầu trị giá 10.524.683.000, thấp hơn giá dự toán ban đầu chỉ khoảng 8,4 triệu đồng. Thời gian thực hiện gói thầu trọn gói này trong 18 tháng. Đơn vị trượt thầu là Công ty TNHH Nam Dương.
Đến cuối năm đó được tính từ ngày 05/09/2019 đến ngày 13/12/2019 Công ty TNHH Nam Dương lại trúng thầu (trước đó đã trượt thầu ) liên tiếp với 02 gói thầu đều mang số 03 theo quyết định số 62/QĐ-UBND xã Yên Lạc, gói thầu mang tên “Thi công xây dựng công trình đường giao thông nông thôn Ao Mè – Đồng Yên” và quyết định số 135/QĐ-UBND của UBND xã Xuân Phúc, gói thầu “Thi công xây dựng công trình Kênh mương nội đồng thôn 5- thôn 8”, giá trúng lần lượt là 3.898.591.000 đồng và 3.429.345.000 đồng. Cả 02 gói thầu đều là hợp đồng trọn gói, thời gian thực hiện cùng trong 06 tháng.
Cũng trong tháng 12/2019, Công ty TNHH Dũng Tuấn (trước đó đã trượt thầu) lại được trúng thầu theo quyết định số 95/QĐ-UBND, trúng thầu gói số 03 “Thi công xây dựng công trình đường giao thông nông thôn Tiền Tiến – Vườn Dâu” thuộc xã Thanh Tân, huyện Như Thanh với giá là 3.912.635.837 đồng. Hình thức trọn gói và được thực hiện trong 09 tháng.
Điều đáng nói ở đây, các đơn vị thay nhau trúng thầu là Công ty TNHH MTV 172, Công ty TNHH Dũng Tuấn, Công ty TNHH Nam Dương đều trúng với giá rất sát, thấp hơn giá dự toán ban đầu cũng như việc tiết kiệm cho ngân sách là không đáng kể.
Cũng như vậy, Việc các công ty này thay nhau trượt thầu với cùng lý do, các nội dung cũng chủ yếu xoay quanh về năng lực tài chính, kinh nghiệm và năng lực kỹ thuật. Về năng lực tài chính, thường là không có xác nhận của cơ quan thuế về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước năm 2018, không kê khai và chứng minh được tài sản các khoản tín dụng hoặc các nguồn tài chính để thực hiện gói thầu.
Về kinh nghiệm không có đủ số lượng hợp đồng tương tự theo yêu cầu tối thiểu để chứng minh năng lực kinh nghiệm hoặc 03 hợp đồng thi công công trình trong 05 năm trở lại đây. Về năng lực kỹ thuật cũng thiếu hoàn toàn hoặc không đáp ứng yêu cầu về nhân sự chủ chốt, chỉ huy trưởng công trường, giám sát, chứng chỉ hành nghề, cán bộ kĩ thuật hay công nhân kỹ thuật có thể đảm nhận các công việc để tham gia trong quá trình thi công.
Cái vòng luẩn quẩn trúng thầu rồi lại trượt thầu khiến dư luận phải đặt ra câu hỏi: có hay không có sự thông thầu giữa chủ đầu tư và các đơn vị tham gia thầu? việc ăn khớp nhịp nhàng, thuần thục như được sắp đặt từ trước khiến dư luận hoài nghi về tính minh bạch tại các gói thầu của huyện Như Thanh?
Theo luật sư Đỗ Khắc Hiệp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, căn cứ theo khoản 31, Điều 4, luật đấu thầu số 43/2013/QH13 “Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất là toàn bộ tài liệu do nhà thầu, nhà đầu tư lập và nộp cho bên mời thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu” . Như vậy, việc các nhà thầu tham gia đấu thầu nếu thực sự minh bạch thì nhà thầu nào cũng muốn được trúng thầu vì vậy các yêu cầu cơ bản từ hồ sơ, thủ tục để tham gia thầu không thể có chuyện thiếu sót một cách cơ bản như vậy.
Cũng theo Luật sư Đỗ Khắc Hiệp tại điều 18 nghị định 63/2014/NĐ-CP nêu rất rõ, chi tiết để đánh giá hồ sơ dự thầu. Tại khoản 1 Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu, khoản 2 Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu, Khoản 3 Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, Khoản 4 Đánh giá về kỹ thuật và giá…Như vậy việc chủ đầu tư hay đơn vị mời thầu đủ điều kiện, căn cứ để loại bỏ những đơn vị tham gia thầu không hợp lệ ngay từ ban đầu chứ không cần nói đến việc có thể tham gia thầu để trúng hoặc trượt thầu ở các gói thầu?
Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và Thanh tra Bộ Xây dựng sớm vào cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin để đảm bảo tính minh bạch tại các dự án tại UBND huyện Như Thanh.
Mới đây, tại quyết định số 419- QĐ/UBND ngày 03 tháng 02 năm 2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa do Phó Chủ Tịch Mai Xuân Liêm ký về việc phê duyệt chi phí khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án khắc phục khẩn cấp đường Xuân Phúc – Xuân Thái – Đường Nghi Sơn – Bãi Trành thuộc huyện Như thanh với dự toán chi phí 758.050.000 triệu đồng.
Điểm đầu, tại Km0+00 giao với đường tỉnh 520 tại Km27+050 thuộc xã Xuân Phúc và điểm cuối tại Km24+500 giao với đường Nghi Sơn - Bãi Trành tại Km43+600 thuộc xã Xuân Thái.
Theo đó, công trình thuộc nhóm C, công trình giao thông cấp IV với tổng chiều dài tuyến L = 24,5km. Trong đó, nâng cấp 8,5km đường đất hiện trạng đảm bảo quy mô đường cấp A ( Theo TCVN 10380:2014); sửa chữa 13,4km đường nhựa đã xuống cấp. Địa điểm xây dựng được thực hiện tại các xã Xuân Phúc, xã Xuân Thái thuộc huyện Như Thanh. Được áp dụng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn do Sở Giao thông vận tải thẩm định tại công văn số 214/SGTVT – TĐKHKT ngày 15/01/2020.
Được biết, nguồn vốn đầu tư cho dự án này lấy từ ngân sách Trung ương hỗ trợ 35 tỷ đồng, phần còn lại khoảng 5,5 tỷ đồng huyện Như Thanh phải bố trí ngân sách của huyện và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện.