Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 24/01/2020 07:52 (GMT+7)

Những điều còn chưa biết về Đại thắng Mùa xuân

Năm 1976, nhân kỷ niệm lần thứ nhất Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhà báo Hồng Hà đã đề nghị Đại tướng Văn Tiến Dũng kể lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975. Loạt bài ghi chép đó đăng trên báo Nhân dân bắt đầu từ 1/4/1976.

Một tháng sau, tháng 5/1976, theo đề nghị của đông đảo bạn đọc cả nước, loạt bài đó được Đại tướng Văn Tiến Dũng xem lại, bổ sung tư liệu và in thành sách “Đại thắng Mùa xuân”. Đây là cuốn hồi ức đầu tiên của một vị Đại tướng về Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 với những bí mật chiến tranh lần đầu được công bố…

Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975.

Khởi đầu từ đồi Lênin

Một ngày giáp Tết Bính Thìn năm 1976, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta lên đường đi dự Đại hội 22 Đảng Cộng sản Pháp. Chúng tôi sang sân bay Gia Lâm đã thấy anh Nguyễn Duy Trinh, Ủy viên Bộ Chính trị; anh Xuân Thủy, Bí thư Trung ương Đảng; anh Song Hào, Ủy viên Trung ương Đảng; cùng nhiều cán bộ cao cấp Ban Đối ngoại và Quân đội ra tiễn. Misen Xtrulovixi, phóng viên thường trú báo L’Humanité của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp tại Hà Nội, cũng đến tiễn, gặp tôi nói:

- Người Pháp còn đầy thán phục chiến công kỳ diệu của quân đội và nhân dân Việt Nam giải phóng Sài Gòn. Đại tướng Văn Tiến Dũng sẽ được chào mừng rất nồng nhiệt ở Paris.

Tôi từng có dịp được làm việc dưới quyền của anh Văn Tiến Dũng tại Hội nghị Trung Giã năm 1954, đàm phán với Bộ Chỉ huy quân đội Pháp về đình chiến ở Đông Dương. Nay lại được phục vụ anh trong một chuyến đi hoạt động đối ngoại thời bình.

Trên máy bay, anh nhớ lại chuyến đi năm trước, cũng dịp giáp Tết như hôm nay, vào chiến trường Tây Nguyên, thay mặt Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh, trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên. Nhằm đánh lạc hướng địch, anh cho ghi âm trước bài phát biểu của anh đến thăm và chúc Tết bộ đội hậu cần để cho phát thanh vào ngày 30 Tết, coi như ngày Tết anh vẫn ở Hà Nội.

Cơ quan Bộ Tổng tham mưu cho người sang Bộ Ngoại giao làm các thủ tục lấy hộ chiếu cho anh đi công tác ở Liên Xô. Quà và thư chúc Tết các gia đình cơ sở cách mạng của anh như mọi năm, anh để sẵn, dặn người nhà chờ anh lên đường rồi mới gửi đi. Trong những năm tháng này, bọn tình báo, gián điệp nước ngoài rất chú ý theo dõi, tìm hiểu nhất cử nhất động của cán bộ cơ quan tham mưu chiến lược của ta.

Ngày 25 Tết âm lịch, anh Dũng mặc bộ âu phục cùng đoàn cán bộ tháp tùng lên chiếc máy bay AN.24 cất cánh rời Gia Lâm như đi ra nước ngoài. Anh Liên lái chiếc chuyên cơ bay hai vòng quanh Hà Nội đầy hoa đón Tết để chào Hà Nội, rồi thẳng hướng phía Nam. Khi máy bay vào vùng trời Nghệ An, anh Dũng thay bộ âu phục, mặc bộ quần áo bộ đội. Máy bay hạ cánh sân bay Đồng Hới. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ra đón, đưa anh vào Quảng Trị. Anh đáp thuyền gắn máy ngược sông Bến Hải, đến Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 thuộc Tổng cục Hậu cần, ở phía Tây Gio Linh.

Đoàn của anh đi chiến trường từ đây mang bí danh “Đoàn A.75”. Biển xe được sơn lại, thêm chữ TS bà con số 50, nghĩa là xe ưu tiên số 1 của bộ đội Trường Sơn. Bộ Tổng tham mưu ở Hà Nội theo dõi rất sát sao hành trình từng ngày của đoàn nhưng không dùng điện đài liên lạc trực tiếp với đoàn để giữ bí mật, mà thông qua đài của Bộ Tư lệnh B3. Tâm trí của các lãnh đạo cấp cao Đảng ta và toàn bộ hoạt động của các cơ quan Bộ Quốc phòng đều hướng vào chiến trường chính Tây Nguyên, về Buôn Mê Thuột. Vừa đúng một năm đã trôi qua…

Trong hội trường lớn thị xã Ivri, ngại ô Paris, gần hai nghìn đại biểu dự Đại hội 22 Đảng Cộng sản Pháp đứng cả dậy hoan hô rất lâu Đại tướng Văn Tiến Dũng mặc quân phục, xuất hiện giữa Đại hội, trong ánh đèn rực sáng của hàng chục máy ảnh, quay phim.

Trên đường từ Paris về nước, anh Văn Tiến Dũng cùng chúng tôi dừng lại ở Moskva. Các bạn Liên Xô mời anh và đoàn nghỉ vài ngày tại một biệt thự trên đồi Lênin nhìn xuống sông Moskava. Đây là nhà ở vùng ngoại ô của Đại nguyên soái Stalin ngày trước.

Tầng một của biệt thự hai tầng có phòng khách, phòng ăn, phòng chiếu phim, phòng đọc sách. Tôi giới thiệu với anh Dũng một số sách quý bày trong tủ kính như tập hồi ức của Stalin, tập hồi ức của Nguyên soái Giucov, người đã chỉ huy trận đánh chiếm Berlin, sào huyệt của phát xít Đức, góp phần kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Tôi nói với anh Dũng:

- Thưa anh, nhân dân ta sắp kỷ niệm một năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Anh đã cùng các anh lãnh đạo cao cấp Đảng ta tham gia chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Xin kính đề nghị anh kể lại diễn biến những trận đánh lịch sử đó. Bạn đọc và nhân dân ta tha thiết mong đợi được biết.

Tôi thấy anh tỏ vẻ băn khoăn, ngần ngại, không muốn nói về mình, không muốn nêu cái “tôi” trên báo. Anh cho rằng trước hết phải kể đến công lao vĩ đại của Bác Hồ, sự chỉ đạo sáng suốt, tài thao lược, tính kiên quyết, tư tưởng cách mạng tiến công của tập thể Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, những hy sinh cao quý, những cố gắng phi thường của quân và dân ta trong cả nước. Do tầm cỡ to lớn của chiến thắng, một người không thể nhìn bao quát, và nếu kể lại không tránh khỏi có thiếu sót.

Tôi có thuyết phục anh theo góc độ nghề báo. Nhìn lên quyển lịch trong phòng, anh nói:

- Hà Nội lúc này chắc đang ăn Tết vui. Tết năm ngoái, tôi ăn Tết trên đỉnh Tây Nguyên.

Đấy là Sở Chỉ huy Đoàn Công binh 470 đóng tại Ia Đrăng. Anh Dũng và Đoàn A.37 tối 30 Tết nghỉ tại đây. Đêm giao thừa, mọi người quây quần dưới các bóng đèn điện có chụp phòng không. Thượng tá Nguyễn Tuyến, thư ký của anh Dũng, một người rất vui tính, đứng lên đọc mấy vần thơ:

Anh Tuấn năm nay Tết vắng nhà

Cũng vì việc lớn của quốc gia

Chiến trường mong đợi anh vào đấy

Góp phần viết tiếp bản hùng ca

Tết ở Trường Sơn giống Tết nhà

Hương chè, khói thuốc, rộn thơ ca

Trong cảnh vui Xuân đầm ấm ấy

Mong ngày thống nhất nước non ta…

Ngồi trong căn phòng ấm áp, anh Dũng tiếp tục nói chuyện. Qua cửa kính lớn, nhìn ra ngoài trời, chúng tôi thấy tuyết rơi đã phủ trắng rừng thông trên đồi Leenin…

Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Về tới Hà Nội, theo lời kể của anh Văn Tiến Dũng, tôi tìm đến số nhà 33 phố Phạm Ngũ Lão, Hà Nội và khu “Nhà Rồng” trong thành Hà Nội, Tổng hành dinh của ta. Tại hai địa điểm đó, trong hai năm 1974-1975 đã diễn ra những sự kiện cực kỳ quan trọng, những buổi nghiên cứu, bàn luận sâu sắc, mưu trí của Bộ Chính trị và các tướng lĩnh cao cấp, nơi phát ra quyết định giải phóng miền Nam trong hai năm 1974-1975, quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến thẳng về giải phóng Sài Gòn ngay trong năm 1975, thể hiện sự chỉ đạo chiến lược kỳ diệu của một Bộ Thống soái tối cao kỳ diệu.

Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975.

Anh Văn Tiến Dũng cho tôi đi cùng lên thăm thị xã Buôn Ma Thuột, chỉ cho tôi thấy các trận địa và chiến trường xưa. Trận đánh Buôn Ma Thuột làm rung chuyển toàn miền Nam, mang rõ dấu ấn cách đánh của tướng Dũng là thọc sâu, kết hợp với đột phá ở vòng ngoài, rồi đánh chặn diệt địch rút chạy. Sau đó, anh cho tôi về thành phố Hồ Chí Minh, ngồi làm việc với anh nhiều buổi tại một doanh trại bộ đội trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Anh nhớ nhiều việc và nhiều tên người. Anh là một vị Tướng nhưng có những cảm xúc hồn hậu, đôi khi lãng mạn, đối với cảnh vật và con người. Tôi hết sức hứng thú nghe anh tả rừng khoọc Tây Nguyên, “lá khô rụng phủ mặt đất như một thảm vàng, mỗi lần có người giẫm lên, giòn vỡ như tấm bánh đa, làm cả một khoảng rừng xào xạc”, cảnh quân đi như nước, xe, pháo lăn bánh hàng nghìn chiếc như trẩy hội về phía Nam; cảnh vật Nam Bộ, rừng cao su Lộc Ninh lần đầu anh được thấy và gặp các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam; Cảnh bộ Chỉ huy chiến dịch nghe tin Ngụy quyền ở Sài Gòn đã đầu hàng… Anh nhắc tôi thuộc các bí danh dùng trong chiến dịch, trong các điện và báo cáo, để biết khi đọc: Ba (Lê Duẩn), Chiến (Võ Nguyên Giáp), Bảy Cường (Phạm Hùng), Sáu (Lê Đức Thọ), Tuấn (Văn Tiến Dũng), Tư Nguyễn (Trần Văn Trà),…

Tôi được làm việc với Thượng tá Nguyễn Tuyến, thư ký của anh Văn Tiến Dũng, suốt chiến dịch. Anh là một cán bộ năng động, tháo vát, nhiệt tình, đã giúp tôi rất nhiều trong việc sưu tầm tài liệu như các nghị quyết, báo cáo, điện mật, bản đồ các trận đánh, thống kê số liệu. Trước khi anh rời Hà Nội vào chiến trường, Tổng cục II - Bộ Quốc phòng giao cho anh một máy ghi âm cỡ nhỏ. Anh đã ghi âm các cuộc họp ở Sở Chỉ huy chiến dịch từ Tây Nguyên đến Nam Bộ, kể cả cuộc liên hoan đón giao thừa ở Ia Đrăng; các lệnh chiến đấu và các cuộc trao đổi ý kiến của anh Văn Tiến Dũng với chỉ huy các đơn vị đang chiến đấu.

Được cấp trên cho phép, anh Tuyến đưa tôi 40 cuộn băng ghi âm qua 55 ngày đêm chiến đấu để kiểm tra, bảo đảm tính chính xác những câu chuyện kể trong tập “Đại thắng Mùa xuân”. Tôi cho gỡ băng, đánh máy thành một tập giấy dầy. Đây là những tư liệu quý, phản ánh trung thực và sinh động những ngày chiến đấu ác liệt.

Tổng cục II - Bộ Quốc phòng còn giao cho Thượng úy Võ Xuân Sáng, sỹ quan bảo vệ anh Văn Tiến Dũng, một chiếc máy ảnh hiệu Canon để chụp các hoạt độn của Đại tướng ở chiến trường, từ khi đến Đồng Hới ngày 5/2/1975, vào thị xã Buôn Ma Thuột ngày 11/3/1975, đến khi vào Sài Gòn ngày 1/5/1975.

Anh Sáng chụp được tất cả 38 cuộn phim và là người chụp được nhiều nhất về hoạt động của Sở Chỉ huy các chiến dịch, của các đồng chí lãnh đạo và tướng tá đã tham gia Đại thắng Mùa xuân. Anh đưa tất cả những ảnh đó cho tôi xem, đem lại cho tôi một cảm xúc rất mạnh, giúp tôi hình dung được không khí tuyệt vời của chiến dịch và thấy được khuôn mặt đẹp của các nhà lãnh đạo cấp cao ta, các tướng tá và chiến sỹ ta giữa khói lửa chiến tranh.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn. Ảnh: Mai Hương TTXVN.

Tôi được đọc tập điện mật liên lạc từng ngày giữa Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương ở Hà Nội và Bộ Chỉ huy ta ở chiến trường miền Nam Mùa xuân năm 1975. Có rất nhiều điện của anh Chiến (Võ Nguyên Giáp) gửi anh Tuấn (Văn Tiến Dũng) và ngược lại. Tổng hành dinh chỉ đạo sát chiến trường. Tôi chú ý đọc những bức điện ở những thời điểm cực kỳ quan trọng, rất quyết liệt, trong những tình huống hết sức phức tạp của các chiến dịch. Trong tôi dâng lên niềm tự hào lớn về Đảng, quân đội và nhân dân ta.

Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phát hiện thời cơ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa, đã điện vào cho anh Văn Tiến Dũng phải sẵn sàng cơ động, chuẩn bị đánh giải phóng Sài Gòn và thông báo đã cử anh lê Đức Thọ vào thẳng Nam Bộ để cùng anh Phạm Hùng, anh Văn Tiến Dũng lập Bộ Chỉ huy chiến dịch tổng công kích và nổi dậy giải phóng Sài Gòn. Hà Nội cũng đã ra lệnh cho Quân đoàn 1 từ Ninh Bình, Quân đoàn 2 từ Đà Nẵng, Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên hành quân thần tốc về phía Sài Gòn.

Trong rừng Lộc Ninh, Bộ Chỉ huy chiến dịch được thành lập, gồm anh Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch; anh Phạm Hùng, Chính ủy và anh Lê Đức Thọ.

19 giờ ngày 14/4/1975, Điện số 37/TK của Bộ Chính trị gửi đến mặt trận, toàn văn như sau: “Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Ít ngày sau, Bộ Chính trị điện vào mặt trận cho biết, Kissinger, Cố vấn An ninh của Tổng thống Mỹ, thông qua Liên Xô, gửi cho ta một công hàm yêu cầu được gặp ta bàn việc giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh, hòng ngăn cản ta đánh vào Sài Gòn.

Bộ Chính trị còn điện vào mặt trận cho biết Mỹ nhắn tin cho Đại sứ ta ở Paris biết là nếu quân ta đánh vào Sài Gòn thì Mỹ sẽ can thiệp.Bộ Chỉ huy chiến dịch, Ban Chỉ huy các quân đoàn, cán bộ, chiến sỹ ta trên toàn mặt trận sục sôi khí thế quyết thắng, sẵn sàng đánh cả Mỹ. 5 giờ sáng ngày 29/4/1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh nhận được điện của Bộ Chính trị gửi vào mặt trận: “Hãy nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch, giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn - Gia Định”. Đại thắng Mùa xuân là bản lĩnh và trí tuệ của Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đề nghị truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho quân nhân hy sinh khi làm nhiệm vụ phòng, chống bão số 3
Ngày 8/9, Ban Thanh niên Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) có Tờ trình đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Đại úy Nguyễn Đình Khiêm (sinh năm 1997), Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3, Bộ Quốc phòng.

Tin mới

Mai Trung Nguyên tiết lộ 5 yếu tố sống còn để doanh nghiệp luôn đứng vững thời kỳ kinh tế khó khăn
Thời kỳ kinh tế khó khăn là giai đoạn thử thách không chỉ đối với các doanh nghiệp lớn mà còn tác động sâu sắc đến mọi ngóc ngách của thị trường. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã phải vật lộn để tồn tại, thậm chí là dừng hoạt động. Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân và tổ chức không chỉ trụ vững mà còn phát triển vượt bậc như Muasim.vn - thuộc hệ thống Sim Đại Gia của Công ty TNHH MTV A Trúng Rồi đang được dẫn dắt bởi anh Mai Trung Nguyên.
Nệm nào tốt cho sức khỏe? Top 3 mẫu nệm đáng mua
Một giấc ngủ ngon không chỉ giúp bạn tỉnh táo, tràn đầy năng lượng mà còn là yếu tố quan trọng giúp cải thiện sức khỏe tổng thể. Việc đầu tư vào một chiếc nệm chất lượng là một quyết định thông minh để bảo vệ cột sống, giảm đau nhức và nâng cao chất lượng cuộc sống.