Những thủ đoạn trắng trợn thu tiền tỉ của cặp vợ chồng Dương Đường
Sau khi vợ chồng đại gia bất động sản Đường “Nhuệ” bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình bắt tạm giam vì tội “Cố ý gây thương tích”, nhiều đơn tiếp tục tố cáo Đường “Nhuệ” có hành vi liên quan đến việc tham gia các cuộc đấu giá đất, bảo kê dịch vụ mai táng, huỷ hoại tài sản,… với những thủ đoạn “ăn chặn” trắng trợn.
Thủ đoạn thâu tóm giá đất trong các cuộc đấu giá
Cơ quan CSĐT, công an tỉnh Thái Bình đang điều tra các hành vi liên quan đến việc tham gia các cuộc đấu giá đất tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh Thái Bình của cặp vợ chồng này. Theo đó, với thủ đoạn dùng nhiều cách thức để trúng đấu giá với số lượng lớn, sau đó bán sang tay. Tại mỗi một cuộc đấu giá thành công, vợ chồng Nguyễn Thị Dương thu lời hàng trăm triệu đồng.
Một số người dân tại Thái Bình cho biết, Đường “Nhuệ” thường trúng đấu giá đất tại Thái Bình bằng cách gây sức ép với người mua khác. Một số đơn vị tổ chức đấu giá trong tỉnh xác nhận, công an kinh tế hiện đã làm việc với họ, đồng thời thu thập hồ sơ liên quan hoạt động của Nguyễn Xuân Đường.
Trong các cuộc đấu giá đất, vợ chồng Đường “Nhuệ” huy động đàn em tới tham gia và thường mua được, dù có lần họ chỉ trả giá cao hơn mức khởi điểm 10.000 đồng. Thông tin được biết, Đường “Nhuệ” không chỉ đấu giá cho mình mà còn “đấu thuê” cho người có nhu cầu.
Được hỏi về quá trình đấu giá đất của Đường “Nhuệ”, ông Vũ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hưng cho biết, “giang hồ” này tham gia đấu giá tại Đông Hưng từ nhiều năm nay và cũng hay trúng đấu giá. Vợ chồng Đường, Dương khi tới các cuộc đấu giá luôn ăn mặc chỉn chu, nhẹ nhàng nhưng đàn em đi theo toàn kẻ “đầu xanh đầu đỏ”, ăn mặc phản cảm. Cặp vợ chồng này cũng chỉ chọn những khu đất đẹp để mua; lô nhỏ, xấu họ không quan tâm.
Ông Tuấn cung cấp tài liệu thể hiện tháng 01/2019, huyện tổ chức đấu giá 24 lô đất thuộc xã Lô Giang, kết quả Nguyễn Xuân Đường mua được tới 20 lô. Các tài liệu còn thể hiện vợ chồng Đường không hề bỏ giá quá cao. Thậm chí, năm 2018, huyện Đông Hưng tổ chức đấu giá khu đất xã Đông Phương với giá khởi điểm 1,5 triệu đồng và lần này, vợ Đường là Nguyễn Thị Dương trúng 3 lô với giá bỏ thầu chỉ cao hơn khởi điểm 10 nghìn đồng.
Ðe dọa cán bộ, đánh người dân
Theo ông Tuấn cho biết, nhiều lần Nguyễn Thị Dương trúng đấu giá nhưng không nộp tiền mua đất, họ phải “nịnh” người phụ nữ này nộp tiền để tránh trường hợp hủy kết quả đấu giá. “Ngoài ra, chúng tôi rất lo lắng, nếu chúng thông giá hoặc bàn bạc, mình phải đề nghị dừng đấu giá như vậy mình sẽ nguy hiểm và sợ rằng có người đến tận nhà lập tức. Từ hôm bắt Đường – Dương, anh em chúng tôi rất thoải mái tư tưởng, tổ chức đấu giá sẽ không phải lo nữa”, ông Tuấn nói.
Trong lĩnh vực đấu giá đất đai, một lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình cho biết, Nguyễn Thị Dương từng gây rối khi tham gia đấu giá đất tại huyện Vũ Thư rồi cùng nhiều đối tượng lên Sở Tư pháp Thái Bình chửi bới.
Một cán bộ khác hoạt động trong lĩnh vực đấu giá cũng chia sẻ, ông và gia đình đã bị Đường “Nhuệ” trực tiếp hoặc cho đàn em đe dọa, bắt làm theo ý mình, việc này ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới gia đình ông. Ông đã trình báo vụ việc tới công an địa phương nhưng không nhận được câu trả lời.
Ông T. (ở Thái Bình) chia sẻ, ông là người kinh doanh và từng đi đấu giá đất nhưng sau một lần “va” phải Đường “Nhuệ” nên đã phải rút khỏi lĩnh vực này. Cụ thể, năm 2018, ông tham gia đấu giá tại huyện Đông Hưng và mua được 1 lô đất nhưng ra ngoài, ông bị Đường “Nhuệ” ép bán lại với giá vênh 20 triệu đồng. Bị đe dọa, ông T. đòi vênh 50 triệu đồng so với giá ông đã mua nhưng bị đánh ngay tại sân ủy ban. Vợ chồng Đường một mặt vẫn đưa 50 triệu đồng cho ông T. nhưng ký giấy tờ xong và ra ngoài, ông đã bị chính Đường “lấy lại” số tiền này.
Năm 2017, Đường Dương dẫn theo khoảng 7 đàn em xăm trổ đầy mình tới cuộc đấu giá ở xã Đông Các. “Việc chúng tác động với người mua ở ngoài phòng đấu giá chắc chắn là có nhưng tôi không nắm đươc cụ thể, chỉ thấy người dân và các đơn vị lo lắng trong khi bọn xăm trổ ra vào liên tục, cố va vào người dân. Dưới xã từng báo lên, một người sau khi trúng đã bị Đường đánh. Sau đó, huyện tăng cường thêm công an, máy quay đài truyền hình về bảo vệ các cuộc đấu giá. Có những cuộc, công an huy động đến 40 chiến sĩ giữ an ninh từ ngoài cổng và ngồi xen kẽ với người đấu giá nhằm tránh việc đe dọa hoặc họ thông thầu với nhau”, ông Tuấn nói.
Thủ đoạn “làm luật” với cả người chết
Liên quan đến việc “làm luật” các công ty dịch vụ làm tang lễ, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình cho biết, CQĐT Công an tỉnh đang yêu cầu rà soát tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình từ năm 2017 đến nay, thống kê hơn 5.000 trường hợp. Với số tiền 500.000 đồng/ca hỏa táng, Công ty Dương Đường thu phế hàng tỷ đồng.
Khoảng bốn năm trước, băng nhóm Đường “Nhuệ” bắt đầu nhảy vào lĩnh vực bảo kê hoạt động mai táng.
Được biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Bình có khoảng 25 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mai táng, nhưng chưa có dịch vụ hỏa táng. Trong khi đó, mỗi một tháng, trung bình Thái Bình có 300 – 400 ca hỏa táng. Các trường hợp gia đình có người chết tại Thái Bình sẽ lựa chọn việc đưa người thân đi hỏa thiêu tại Đài hóa thân ở tỉnh Nam Định hoặc Hải Phòng. Tuy nhiên, dù đưa đi hỏa thiêu tại đâu thì các doanh nghiệp mai táng cũng phải nộp khoản tiền “phế” là 500.000 đồng/người cho băng nhóm Đường “Nhuệ”, nếu muốn yên ổn để làm ăn.
Nếu các văn phòng làm dịch vụ mai táng không hợp tác, nhóm này sẽ hành hung, đe dọa không cho tồn tại. Vì lo sợ, các công ty dịch vụ mai táng phải tự động tìm tới nộp tiền cho nhóm Đường “Nhuệ”.
Theo anh C. (nhân viên Công ty Vĩnh Hằng hoạt động tại Nam Định có văn phòng tại Thái Bình), với mỗi công ty như anh, trung bình mỗi tháng, phải nộp cho Đường 45 – 50 triệu tiền “phế”. Với những trường hợp chống đối, bất hợp tác, ngoài việc không cho xe tang lễ chở về Đài hỏa táng ở Nam Định, Nguyễn Xuân Đường bắt phải đưa sang hỏa táng tại Hải Phòng, với những trường hợp chống đối thì những “sự cố” như đập vỡ cửa kính xe, đập phá văn phòng…đã từng xảy ra.