OCHA: Cảnh báo nạn đói nghiêm trọng nhất thế giới tại Sudan
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 20/3 cảnh báo tình trạng bạo lực ngày càng diễn biến phức tạp tại Sudan đang gây ra nạn đói nghiêm trọng ở nước này.
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), bà Edem Wosornu, Giám đốc Bộ phận Hoạt động và Vận động tại OCHA, nêu rõ các các mức độ bạo lực khủng khiếp hiện nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân ở Sudan và quốc gia châu Phi này đang bên bờ vực của nạn đói tồi tệ nhất thế giới.
Hiện tại, khoảng 18 triệu người, chiếm hơn 1/3 dân số của Sudan, đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Trong 11 tháng qua, Sudan đã phải hứng chịu những hậu quả của cuộc xung đột bùng phát từ ngày 15/4/2023 giữa quân đội và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF).
Bà Wosornu cho biết Khartoum, Darfur và Kordofan - những vùng có 90% dân số đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ khẩn cấp - đã phải chứng kiến các cuộc giao tranh khốc liệt trong 340 ngày qua.
Theo LHQ, gần 28 triệu người trên toàn khu vực đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng, bao gồm 18 triệu người ở Sudan, 7 triệu người ở Nam Sudan và gần 3 triệu người ở Chad.
LHQ lưu ý khoảng 730.000 trẻ em ở Sudan, trong đó có hơn 240.000 trẻ ở Darfur, đối mặt với suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.
Phó Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), ông Carl Skau cho hay tại Sudan, cơ quan này đang nỗ lực hết sức để giải quyết các nhu cầu nhân đạo, song các hoạt động cứu trợ bị cản trở do thiếu khả năng tiếp cận cũng như các nguồn lực. Ông Skau kêu gọi mở lại các cửa khẩu biên giới để tạo điều kiện cho hoạt động cung cấp viện trợ cho vùng Darfur mở rộng, nơi đang chứng kiến nạn đói và mức độ suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất.
Đầu tháng 3 này, HĐBA LHQ đã kêu gọi các bên xung đột ở Sudan ngừng bắn ngay lập tức trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động viện trợ nhân đạo.