Phát triển kinh tế từ thế mạnh cây dược liệu tại Tu Mơ Rông – KonTum
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh, Quyết định số 1466 của UBND tỉnh về Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bước đầu việc đầu tư phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Tiềm năng lớn về cây dược liệu
Với 853 loài thực vật có khả năng sử dụng làm thuốc, tiềm năng dược liệu tại địa bàn tỉnh Kon Tum đã được khẳng định. Trong đó, phải kể đến nhiều loại cây thuốc quý, có giá trị như Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm (sâm dây), lan Kim tuyến, Đương quy, Ngũ vị tử, Sa nhân tím, Đinh lăng...
Đến nay, ngoài gần 500 ha Sâm Ngọc Linh chủ yếu của doanh nghiệp hình thành tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông, diện tích các loại cây dược liệu phổ biến như Sâm dây, Đương quy, Nghệ đỏ, Sa nhân tím...bước đầu đã được mở rộng trồng tại các địa phương trong tỉnh.
Huyện Tu Mơ Rông nằm ở phía đông bắc tỉnh KonTum có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây dược liệu.
Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp các ngành, cùng nhân dân phát huy thế mạnh cây dược liệu góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.
Theo bà Nguyễn Thị Liên - Bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông cho hay: “Nhiều diện tích cây dược liệu do doanh nghiệp và hộ dân trồng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Đem lại cho nhân dân và doanh nghiệp tại địa bàn có kinh tế ổn định và muốn đẩy mạnh phát triển. Đến nay, huyện Tu Mơ Rông đã thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư chế biến sâu tạo ra một số sản phẩm từ dược liệu quý. Điển hình là công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh KonTum đã bảo tồn gen giống thành công, khai thác sản xuất ra nhiều loại sản phẩm như: rượu Sâm, dịch chiết Sâm, trà lá Sâm, Sâm ngâm mật ong…Sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm tốt nhất trên thế giới mà thiên nhiên ban tặng cho núi rừng Tây Nguyên. Tuy nhiên Sâm Ngọc Linh rất khó trồng và đòi hỏi vốn đầu tư lớn”.
Bên cạnh Sâm Ngọc Linh còn có những dược liệu quý phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện Tu Mơ Rông như: Đảng Sâm (Sâm dây) , Lan kim tuyến, Trọng lâu, Bách hợp... Sâm dây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với khí hậu ở Tu Mơ Rông cũng như điều kiện kinh tế và năng lực của đồng bào, lại nhanh được thu và dễ bán.
Giải quyết bài toán khó khăn để phát triển vùng dược liệu
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, cũng thẳng thắn nhìn nhận trong việc phát triển Đảng Sâm (Sâm dây) trên địa bàn trong thời gian qua còn gặp không ít khó khăn.
Theo ông Đặng Quốc Dũng – Chủ tịch UBND xã Ngọk Lây: “Khó khăn đầu tiên phải kể đến là quy mô diện tích sản xuất Đảng Sâm của huyện còn nhỏ lẻ, chưa tạo ra cánh đồng lớn, nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Việc triển khai trồng dược liệu theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” - tiêu chuẩn GACP-WHO - một nguyên tắc, tiêu chuẩn quan trọng trong ngành dược liệu và là cơ sở để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm dược liệu nói chung và sản phẩm từ Đảng Sâm của tỉnh nói riêng.
Tiếp đến là quảng bá, xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm Đảng Sâm, việc quản lý, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán dược liệu trái phép, dược liệu giả và gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu chưa được quan tâm đúng mức”.
Việc liên kết trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa thật sự chặt chẽ; việc liên kết chủ yếu với hình thức hợp đồng miệng và có biên bản ghi nhớ bao tiêu sản phẩm mà chưa có hợp đồng tiêu thụ cụ thể của từng sản phẩm. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị trong chuỗi sản xuất chưa thật sự chủ động, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, chưa có định hướng, chiến lược phát triển sản phẩm cụ thể.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, liên kết, phát triển chuỗi giá trị Đảng Sâm bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án đầu tư phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030; Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, áp dụng hướng dẫn của tổ chức Y tế thế giới về thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc (GACP - WHO); Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển Đảng Sâm; Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, nhất là các dự án có thuê rừng để trồng các loại dược liệu dưới tán rừng; ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán dược liệu trái phép, dược liệu giả và gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu.
Huy động các nguồn lực từ nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Triển khai thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ - CP về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Quyết định số 2261/QĐ-TTg chính sách hỗ trợ hợp tác xã, để thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến sản phẩm Đảng Sâm trên địa bàn tỉnh.