Quy trình hoàn thuế được thực hiện như thế nào?
Theo quy định pháp luật hiện hành, quy trình hoàn thuế được thực hiện như thế nào?
Về vấn đề này, khoản 1 Điều 27 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định cụ thể các trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế gồm:
- Hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật thuế giá trị gia tăng.
- Hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng sinh học.
- Hoàn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Điều ước quốc tế khác mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quy trình hoàn thuế mới nhất hiện hành sẽ được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 80/2021/TT-BTC với các bước cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị hoàn thuế
Hồ sơ đề nghị hoàn thuế sẽ bao gồm:
- Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước (hoặc Giấy đề nghị hoàn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Điều ước quốc tế khác đối với trường hợp đề nghị hoàn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Điều ước quốc tế khác).
- Các tài liệu liên quan đến hồ sơ hoàn thuế.
Bước 2: Nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế
Người nộp thuế nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế cho cơ quan thuế thông qua một trong hai phương thức sau đây:
- Phương thức 1: Thông qua phương thức điện tử
Người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua các Cổng thông tin điện tử khác theo quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
- Phương thức 2: Người nộp thuế nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế bằng giấy tại cơ quan thuế.
Bước 3: Cơ quan thuế tiến hành tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế và phân loại hồ sơ hoàn thuế theo quy định tại Điều 32 và Điều 33 Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Bước 4: Cơ quan thuế tiến hành giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định tại Điều 34 Thông tư 80/2021/TT-BTC với 2 nội dung cơ bản sau đây:
- Xác định số thuế được hoàn.
- Xác định số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác còn nợ ngân sách nhà nước được bù trừ với số thuế được hoàn.
Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế trong các trường hợp được hướng dẫn tại Điều 35 Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Bước 5: Quyết định hoàn thuế
Cơ quan thuế lập đề xuất hoàn thuế và dự thảo Quyết định hoàn thuế, các văn bản khác (nếu có) theo hướng dẫn tại Điều 36 Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Bước 6: Cơ quan thuế ban hành Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước hoặc Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước.
Bước 7: Cơ quan thuế trả kết quả giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế
Cơ quan thuế gửi Thông báo về việc không được hoàn thuế (đối với số thuế không được hoàn trả), Quyết định hoàn thuế hoặc Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước hoặc Quyết định thanh toán cho ngân hàng là đại lý hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế, cơ quan, tổ chức có liên quan qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế ngay trong ngày hoặc chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày ban hành Quyết định, Thông báo.
Trường hợp Cục Thuế ban hành Quyết định hoàn thuế hoặc Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước hoặc Quyết định thanh toán cho ngân hàng là đại lý hoàn thuế giá trị gia tăng đối với người nộp thuế do Chi cục Thuế quản lý thì Cục Thuế gửi Quyết định cho Chi cục Thuế để theo dõi nghĩa vụ của người nộp thuế.
Trường hợp người nộp thuế bù trừ số thuế được hoàn với số tiền thuế nợ của người nộp thuế khác hoặc bù trừ với số phải nộp tại cơ quan thuế khác thì cơ quan thuế ban hành Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước gửi Quyết định cho cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước, cơ quan thuế quản lý địa bàn nhận phân bổ được bù trừ để hạch toán thu ngân sách nhà nước.