Rút BHXH một lần, sau này có tham gia trở lại được không?
Theo Luật BHXH hiện hành, sau 12 tháng người lao động (NLĐ) không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần. Quy định này cho phép NLĐ dễ dàng rời khỏi hệ thống BHXH và tham gia đóng BHXH lại từ đầu.
Theo BHXH Việt Nam, tại thời điểm người lao động (NLĐ) đề nghị cơ quan BHXH giải quyết hưởng BHXH một lần họ chưa có việc làm và không tiếp tục đóng BHXH, do đó việc giải quyết hưởng BHXH một lần là đúng quy định.
Theo Luật BHXH sửa đổi, có hiệu lực từ 01/7/2025: NLĐ có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành sẽ không được rút BHXH một lần nữa.
Tuy nhiên, có trường hợp sau khi nhận BHXH một lần, trong cùng tháng đó họ tìm được việc làm, có giao kết hợp đồng lao động và được đóng BHXH cho cả tháng do có số ngày làm việc hưởng tiền lương trên 14 ngày trong tháng.
Như vậy, xét về thời điểm phát sinh sự kiện (đề nghị hưởng BHXH một lần và giải quyết hưởng BHXH một lần), thì hồ sơ không vi phạm điều kiện hưởng BHXH một lần. Việc cơ quan BHXH giải quyết hưởng BHXH một lần đối với NLĐ cũng đúng quy định…
Cũng theo BHXH Việt Nam, có một thực tế khi gia đình khó khăn về kinh tế khiến một số NLĐ chọn rút BHXH một lần để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống. Đồng thời, một bộ phận nhỏ NLĐ vì lợi ích trước mắt, muốn rút BHXH một lần để có được một khoản “tiền tươi”.
Với nhiều người, số tiền rút BHXH một lần có thể “ra tấm, ra món” nhưng rồi cũng chỉ đủ trang trải trong vài tháng ngắn ngủi và lại tiếp tục lo mưu sinh. Thực trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của NLĐ mà còn gây hệ lụy cho an sinh xã hội khi dân số nước ta đang bắt đầu già hóa.
Theo BHXH Việt Nam, trong trường hợp có khó khăn trước mắt (thất nghiệp, thu nhập giảm sút), NLĐ có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện.
Người tham gia BHXH tự nguyện đều được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, với các mức hỗ trợ 10%-25%-30% tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn với 03 nhóm đối tượng khác nhau.
Thêm vào đó, trong giai đoạn bảo lưu thời gian đóng BHXH, nếu NLĐ không may qua đời, gia đình được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở.
Cạnh đó, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi qua đời (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở).
Trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như BHXH một lần.
Theo số liệu thống kê mới đây của BHXH Việt Nam, từ ngày 01/01/2016 đến 31/8/2024, cả nước có trên 1,285 triệu người hưởng BHXH một lần nhưng sau đó quay lại tham gia BHXH.
Đối với những trường hợp trên, NLĐ không được bảo lưu số năm tham gia trước đó mà tính lại từ đầu do họ đã rút.
Luật BHXH sửa đổi chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: Người đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hoặc đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS hoặc người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng.