Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 29/06/2020 04:09 (GMT+7)

Sai phạm ở Trại Cau: Cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Để xảy ra nhiều sai phạm trên địa bàn như xây dựng trên đất công, xây dựng công trình không phép, ra văn bản trái thẩm quyền…, cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

Một số nội dung đã được phía địa phương thừa nhận còn thiếu sót, rút kinh nghiệm song đến nay theo ghi nhận những hành vi có dấu hiệu sai phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn vẫn chưa được khắc phục và có dấu hiệu tiếp diễn.

Xây dựng trái phép trên đất công

Đầu tiên phải kể đến hành vi lấn chiếm đất công trên địa bàn thị trấn Trại Cau, về bản chất đất công là đất thuộc quyền sử dụng của nhà nước, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân. Không một cá nhân, đơn vị, tổ chức nào được làm bất cứ việc gì trên mảnh đất đó trừ khi có văn bản hoặc quyết định của đơn vị nhà nước có thẩm quyền.

Công trình xây dựng trái phép Cầu Đợi Chờ thuộc địa bàn thị trấn Trại Cau dù đã bị phát hiện nhưng bằng cách nào đó công trình vẫn được hoàn thiện đưa vào sử dụng.

Theo số liệu thị trấn Trại Cau cung cấp, qua địa phận các tổ nhân dân số 3; 4; 6 đã phát hiện khoảng 20 trường hợp lấn chiếm, chiếm dụng để xây dựng các công trình kiên cố, lợp tôn làm nhà tạm, lều, xây dựng các công trình trái phép để kinh doanh… nhằm phục vụ mục đích ở, kinh doanh, buôn bán... và 70 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên địa bàn thị trấn Trại Cau tính đến tháng 07/2019.

Trước đó, năm 2017, chính quyền Trại Cau đã thành lập tổ công tác quản lý trật tự đô thị tuy nhiên tình trạng người dân lấn chiếm, xây dựng trên đất công vẫn tiếp tục diễn ra với số lượng nhiều trong nhiều năm sau đó.

“Ngại xử lý” được thị trấn Trại Cau đưa ra để lý giải tại sao không mạnh tay xử lý hành vi lấn chiếm đất công của người dân trên địa bàn. Những khu đất bị lấn chiếm sẽ không bị tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng thay vào đó sẽ là… hợp thức.

Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch thị trấn Trại Cau trả lời báo chí:“Tới đây quy hoạch thì sẽ cho đo đạc thì mới có thể xác định được số diện tích lấn chiếm. Sẽ bắt họ phải… hợp thức”.

Ra văn bản trái thẩm quyền

Khoản 3, Điều 11, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã nêu rõ thẩm quyền của cấp xã, thị trấn chỉ được phép ra văn bản công nhận người đại diện hoặc thành viên Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng. Tuy nhiên ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch thị trấn Trại Cau lại ban hành hai quyết định số 60; quyết định 303 với nội dung thành lập và kiện toàn Ban quản lý Đền Đá Thiên.

Hai Quyết định có dấu hiệu trái luật, vượt thẩm quyền của UBND thị trấn Trại Cau.

Người dân thị trấn đã khởi kiện nội dung hai quyết định trên ra tòa, ngày 24/6/2019, ông Vũ Đăng Khoa đã phải ra văn bản thu hồi hủy bỏ hai quyết định nêu trên bằng quyết định số 211.

Chủ tịch thị trấn Trại Cau ra quyết định thu hồi hai quyết định 60; 303 sau khi bị người dân kiện ra tòa.

Trao đổi với báo chí, ông Khoa – người trực tiếp ký hai văn bản trên đã thừa nhận sai sót, ông nói: “Thành phần bầu các thành viên trong Ban quản lý không phải người cộng đồng, câu từ trong Quyết định số 60 nêu “thành lập” là chưa đúng vì theo thẩm quyền chúng tôi chỉ được phép công nhận. Chúng tôi dự định sẽ ra Quyết định sửa đổi thay thế nhưng tôi nghĩ không đảm bảo vì dân lại tiếp tục kiện mình về thành phần bầu bởi thành phần bầu không phải người cộng đồng dân cư. Mình không thu hồi hai quyết định đó mà dân kiện thì mình cũng sai. Tôi thừa nhận là nội dung câu từ và thành phần bầu trong nội dung hai Quyết định 60 và 303 là chưa chuẩn”.

Liên quan đến số tiền công đức mà Ban quản lý Đền cũ đã thu được, ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cho biết: “Tiền công đức thu được đã được Ban quản lý trích 20% chi trả tiền công cho thành viên Ban quản lý, còn 80% được sử dụng để đầu tư, nâng cấp ngôi Đền Đá Thiên”.

Song người dân thị trấn lại phủ nhận cho biết không có bất kì hoạt động đầu tư, nâng cấp tu sửa ngôi đền như địa phương đã nêu.

Để rộng đường dư luận, PV đề nghị UBND thị trấn Trại Cau cung cấp hồ sơ tài liệu về tổng số tiền đã thu – chi; danh sách người quản lý tiền công đức; hồ sơ tài liệu thể hiện việc chi trả 20% tiền công; hóa đơn mua sắm thiết bị, vật tư (nếu có) của 80% số tiền dành cho việc tu sửa, đầu tư ngôi Đền Đá Thiên… Tuy nhiên phía UBND thị trấn Trại Cau chưa cung cấp được và chỉ đưa ra văn bản Quy chế hoạt động của Ban quản lý!?

Làm mất biên bản gốc, vu khống người dân?

Trước đó, năm 2013 đoàn cán bộ thị trấn Trại Cau đã tiến hành đo đạc, khảo sát và thành lập Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất số 1 (46). Biên bản có chữ ký xác nhận của Chủ tịch Vũ Đăng Khoa kèm con dấu của UBND thị trấn Trại Cau, chữ ký của cán bộ đo đạc, các chủ sử dụng đất liền kề và chủ sử dụng đất, bà H.T.L. Sau đó, Văn phòng công chứng Sông Cầu, do Công chứng viên Vũ Gia Điệt xác nhận công chứng nêu rõ: “Bản sao này đúng với bản chính”.

Tuy nhiên sau này, chính quyền địa phương lại phủ nhận biên bản vì cho rằng bị người dân làm sai lệch biên bản. Theo đại diện thị trấn Trại Cau, tại thời điểm biên bản được ký, đóng dấu xác nhận không có chữ ký của bà H.T.L!? Thậm chí, ông Khoa còn cho rằng để có được biên bản đo đạc như hiện tại thì người dân đã phải mất rất nhiều tiền để lo lót, chạy chọt cũng như nghi vấn có “ai đó” đã lấy biên bản gốc để tuồn ra ngoài “bán” cho hộ dân, sau đó ký thêm vào biên bản đem đi công chứng?

Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch thị trấn Trại Cau có đang vu khống người dân?

Tuy nhiên trước đề nghị của PV được đối chiếu biên bản gốc thì ông Khoa cho biết biên bản gốc địa phương không còn lưu giữ nên không thể đưa ra minh chứng.

Về phía người dân bức xúc đã làm đơn tố cáo đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những nghi vấn trong lời nói, phát ngôn của ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch thị trấn Trại Cau trong việc việc "cáo buộc" người dân làm sai lệch biên bản nhưng không đưa ra chứng cứ đã gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của công dân.

Để doanh nghiệp “gom” đất trái luật?

Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên do Công ty TNHH Xây dựng mỹ thuật Thiên Phúc (Phường Tân Thanh, Tp. Ninh Bình) làm Chủ đầu tư được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 20/6/2018, dự án có tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, quy mô trên 55ha, vành đai bảo vệ 244,4ha, chủ yếu là đất rừng và đất nông nghiệp.

Dự án quy mô gần 800 tỷ có dấu hiệu thu mua đất trái luật.

Theo phản ánh, trên địa phương có người đến tìm và đề nghị người dân có đất trên khu vực triển khai dự án Khu du lịch sinh thái Văn hóa đá thiên lên trụ sở Công ty Thiên Phúc để thỏa thuận giá cả.

Một số trường hợp được Công ty Thiên Phúc giao tiền dưới hình thức ký kết hợp đồng, trả trước 70% tổng số tiền, ngoài ra còn 30% thì chưa có thời hạn trả. Các hợp đồng chuyển nhượng đất đều có dấu xác nhận của chính quyền địa phương. Dựa trên số liệu thống kê của UBND thị trấn Trại Cau đến nay doanh nghiệp Thiên Phúc đã chi khoảng 40 tỷ đồng để đối ứng cho người dân, phục vụ công tác “gom” đất.

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, Luật sư Nguyễn Văn Nghi (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Điểm a, khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai 2013 quy định, đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa với diện tích từ 10 ha trở lên thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Việc chủ đầu tư ồ ạt mua đất lúa trước khi Thủ tướng cho phép là trái quy định của pháp luật”.

Trả lời báo chí, ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau xác nhận: “Đến thời điểm hiện tại, công ty Thiên Phúc đã thu mua được khoảng 16 ha đất của người dân. Hiện dự án đang chờ xin phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.”

Lý giải việc chính quyền thị trấn ký và xác nhận vào hợp đồng nêu trên, ông Vũ Đăng Khoa giải thích “Đấy chỉ là thỏa thuận dân sự chứ không phải hợp đồng. Tôi kí xác nhận là xác nhận có sự thỏa thuận của công ty và người dân để sau này dự án được triển khai thì hai bên sẽ tiến hành mua bán chính thức. Đó không phải là xác nhận để hai bên mua bán đất đai”. Song những bản hợp đồng người dân cung cấp lại thể hiện ngược lại, ghi rõ “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất”, trên hợp đồng có chữ ký, được đóng dấu xác nhận của UBND thị trấn Trại Cau.

Khi phát hiện sự việc, UBND thị trấn Trại Cau cần phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý việc doanh nghiệp đi thu mua đất để triển khai dự án khi vẫn chưa đủ thủ tục pháp lý. Nhưng thay vì làm như vậy, UBND thị trấn Trại Cau lại đi ký, dùng con dấu chính quyền để xác nhận vào bản hợp đồng chuyển nhượng của hai bên. Vì vậy người dân cho rằng chính quyền Trại Cau có dấu hiệu “bật đèn xanh”, “tiếp tay” cho sai phạm.

Đến nay, nhiều nội dung người dân phản ánh vẫn chưa được chính quyền địa phưởng trả lời, xử lý dứt điểm, như tình trạng lấn chiếm đất công trái phép, các công trình xây dựng trái phép, khiến người dân bức xúc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...