Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 13/02/2024 07:34 (GMT+7)

Tập trung nguồn lực đổi mới và phát triển giáo dục - đào tạo

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội. Cùng với huy động đa dạng nguồn lực đầu tư phát triển quy mô trường lớp, ngành giáo dục Thành phố đã tích cực trong việc đổi mới cả phương pháp dạy - học lẫn kiểm tra, đánh giá với mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

tm-img-alt

Đa dạng nguồn lực đầu tư

Từ việc tập trung chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp, Quận 7 là một trong những địa phương đã thực hiện hoàn thành và vượt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Hiện Quận đã đạt 331,45 phòng học/10.000 dân và dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt 351,09 phòng học. Theo ông Trần Chí Dũng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận 7, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quận được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Quận ủy đã chủ động đề xuất Thành phố chủ trương chuyển đổi 500 ha đất để phát triển y tế, giáo dục chất lượng cao; đảm bảo cân đối, hợp lý giữa quy mô và cơ cấu, giữa các loại hình và giữa các cấp học. Theo đó, giai đoạn từ năm 2013-2020, Quận 7 đã xây dựng hoàn thành 19 dự án trường học. Giai đoạn 2020-2025, Quận sẽ xây dựng mới 8 trường học bằng cả nguồn vốn ngân sách và các nguồn đầu tư khác.

Quận Gò Vấp là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, thu hút người dân đến sinh sống và làm việc, kéo theo đó cũng đặt ra những thách thức trong việc đảm bảo trường lớp cho học sinh. Giai đoạn 2009-2013 sĩ số học sinh của quận bình quân 50 em/lớp, cá biệt có lớp 59 em; đến nay, trung bình 40-45 em/lớp. Nhằm tăng dần tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày và từng bước kéo giảm sĩ số học sinh, Quận dành trung bình 42% tổng chi ngân sách hàng năm đầu tư xây dựng trường lớp, trang bị cơ sở vật chất. Giai đoạn 2015-2020, địa phương này đã xây mới được 5 trường học, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục phấn đấu xây mới 300 phòng học. Cùng với tăng đầu tư ngân sách, Quận cũng đẩy mạnh xã hội hóa gắn với chuẩn hóa, hiện địa hóa nhằm thu hút mọi nguồn lực để phát triển trường lớp.

Phát triển giáo dục là mục tiêu hàng đầu, vì thế Thành phố Hồ Chí Minh luôn dành nguồn lực đầu tư lớn từ ngân sách và tăng tỷ lệ chi theo từng năm để phát triển giáo dục và đào tạo. Giai đoạn 2013-2023, chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên tổng chi ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh hằng năm đạt từ 20-31%, bình quân đạt khoảng 24% (đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 20% theo chỉ tiêu đề ra). Trong 10 năm qua, thành phố đã đưa vào sử dụng hơn 10.000 phòng học, phấn đấu đến cuối 2025 đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.

Với hơn 2.730 cơ sở giáo dục và đào tạo, hơn 50.000 phòng học, mạng lưới trường lớp đã được phủ khắp các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Dù vậy, vẫn còn một số quận, huyện có nhiều trường bậc Trung học Cơ sở, Tiểu học có sĩ số cao hơn quy định, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện không đảm bảo theo chuẩn… Việc thực hiện chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học không đồng đều giữa các cấp học, cũng như giữa các địa phương.

Từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đề án xây dựng 4.500 phòng học mới từ nay đến 2025. Đây là một đề án trọng điểm hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lường trước được những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch... Sở đã có những nhóm giải pháp cụ thể cho các vấn đề như quy hoạch đô thị, quỹ đất, đầu tư công, xã hội hóa, cơ chế chính sách, quản lý... Đặc biệt, Sở cũng vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh để tham mưu trình UBND Thành phố ban hành kế hoạch cải tạo, sửa chữa trường học trên địa bàn. Sở phối hợp với các ngành, các cấp, các địa phương đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư về lĩnh vực giáo dục; tạo điều kiện kêu gọi và huy động sự đóng góp của các cá nhân, các tổ chức xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục tại địa phương.

Cùng đầu tư công, Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo. Giai đoạn từ nay đến 2025, Thành phố Hồ Chí Minh có 110 dự án kêu gọi đầu tư xây dựng trường học với hơn 2.600 phòng học theo phương thức kích cầu, xã hội hóa đầu tư và đối tác công tư PPP. Mỗi dự án có mức kêu gọi vốn đầu tư từ 100-500 tỷ đồng, tùy quy mô xây dựng.

Đổi mới đồng bộ

Đổi mới kiểm tra, đánh giá nhiều năm qua được ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh quyết liệt thực hiện nhằm thúc đẩy việc đổi mới phương thức dạy và học của giáo viên và cả học sinh. Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Thành phố với định hướng tăng cường các câu hỏi vận dụng kiến thức để giải quyết tình huống thực tế, đã thể rõ nét chủ trương đổi mới kiểm tra, đánh giá của Thành phố. Đề thi của kỳ thi này không chỉ dừng ở việc kiểm tra kiến thức của học sinh mà chú trọng kiểm tra năng lực vận dụng, đọc hiểu, tư duy logic. Từ đó, việc dạy và học ở các trường cũng được đổi mới, gắn việc học với giải quyết các vấn đề thực tiễn, tránh việc học, tủ, học vẹt.

Cùng với kỳ thi ở cấp Thành phố, việc kiểm tra, đánh giá học sinh định kỳ và thường xuyên học sinh ở các trường học cũng được đẩy mạnh và trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Kiểm tra, đánh giá được thực hiện bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau, thông qua các hoạt động trên lớp qua bài kiểm tra, qua hồ sơ học tập của học sinh, qua quan sát, vấn đáp, kiểm tra nhanh cuối giờ; đánh giá tổng kết giữa kỳ và cuối mỗi kỳ. Việc đánh giá không chỉ dựa vào điểm số mà còn bằng các nhận xét định tính trong quá trình dạy học giúp cho kết quả đánh giá chính xác hơn, có tác dụng thúc đẩy, khích lệ học sinh tích cực học tập.

Thực tế, hầu hết giáo viên ở các trường tại Thành phố Hồ Chí Minh đều thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá ở các mức độ khác nhau và nội dung này cũng được các trường tập trung với nhiều các làm sáng tạo. Tiếp cận chương trình Giáo dục phổ thông mới và các phương pháp dạy học tiên tiến, học sinh Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn có thể lựa chọn nhiều hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp với năng lực bản thân như làm bài kiểm tra truyền thống hoặc tham gia dự án, ngoại khoá, tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng STEM, STEAM… Giáo viên xây dựng tiêu chí chấm điểm và công khai trước khi học sinh tham gia làm bài. Từ năm học 2023-2024, các tổ bộ môn sẽ hoàn thiện thiết kế bảng kiểm để học sinh chủ động xác định, trau dồi và phát triển năng lực bản thân.

Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn chia sẻ, thực hiện mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhà trường chú trọng thiết kế sáng tạo hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá. Theo đó, giáo viên nhà trường đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, 100% các tiết học được ứng dụng công nghệ và sử dụng các phương pháp giáo dục hiện đại. Giáo viên triển khai tiết học tích cực với nhiều hình thức khác nhau như thao giảng liên môn, dạy học theo dự án, dạy học theo định hướng giáo dục STEM, tiết dạy theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh...

Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ngành Giáo dục Thành phố kiên quyết giảm tình trạng kiểm tra, thi cử với yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng mà thay vào đó là tăng cường các câu hỏi đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ, trả lời theo cách hiểu và vận dụng của riêng mình. Để giải quyết vấn đề này thì cùng với việc đổi mới về phương pháp dạy học phải có sự đổi mới thật sự ở nhận thức của người dạy và đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá. Cùng với việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, việc đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực cho việc dạy và học của cả giáo viên và học sinh.

Cùng chuyên mục

Tin mới

FDA Mỹ phát hiện thuốc điều trị hen suyễn Singulair có thể ảnh hưởng đến não bộ
Các nhà nghiên cứu của Chính phủ Mỹ đã phát hiện rằng thuốc hen suyễn phổ biến Singulair, do Merck sản xuất trước đây, có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng ở một số bệnh nhân. Thuốc này, với thành phần chính là montelukast, gắn vào nhiều thụ thể trong não có vai trò quan trọng đối với các chức năng tâm thần.
Cảnh giác với hình thức lừa đảo bằng mã QR thông qua các nền tảng kỹ thuật số
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi bắt gặp các tin nhắn, Email hoặc các bài đăng chứa đựng mã QR. Đồng thời, cẩn trọng xác minh thông tin của cá nhân, đơn vị hoặc tổ chức cung cấp mã QR thông qua số điện thoại hoặc các trang thông tin uy tín.