TH true MILK cùng các 'ông lớn' bắt tay lập Liên minh Tái chế bao bì
Các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã bắt tay thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) vào tháng 6 vừa qua, với mục tiêu cải thiện môi trường.
Các công ty tiên phong sáng lập PRO Vietnam gồm: TH Group, Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestlé, NutiFood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation.
Việt Nam thải chục tỉ vỏ hộp sữa, TH true MILK cùng các "ông lớn" khác bắt tay lập Liên minh Tái chế bao bì |
Việt Nam thải ra 10-15 tỉ vỏ hộp sữa/năm
Phát biểu tại buổi ký kết, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội - cho rằng, một số nền kinh tế đang phát triển nhanh tại châu Á, trong đó có Việt Nam, được xác định là tác nhân chính xả rác thải nhựa gây ô nhiễm cho đại dương. Trong đó, riêng Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam, tăng 16-18% mỗi năm.
Không chỉ rác thải nhựa, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với vấn đề quản lý và tái chế rác thải nói chung, đặc biệt là rác thải bao bì đã làm gia tăng gánh nặng về môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng ngày càng lớn. Các loại bao bì sử dụng một lần được tìm thấy phổ biến nhất ở Việt Nam gồm chai, nắp chai nhựa, bao bì giấy, túi ni lông, vỏ hộp sữa, vỏ hộp các loại đồ uống...
Chỉ tính riêng các vỏ hộp sữa, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 10 -15 tỉ vỏ hộp. "Số lượng rác thải bao bì gia tăng nhanh chóng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của quốc gia" - ông Dũng khuyến cáo.
Việt Nam thải chục tỉ vỏ hộp sữa, TH true MILK cùng các "ông lớn" khác bắt tay lập Liên minh Tái chế bao bì |
Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Việt Nam vừa là tác nhân, vừa là nạn nhân khi trở thành 1 trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương lớn nhất thế giới.
Hai vấn đề thách thức với nền kinh tế VN là biến đổi khí hậu và rác thải, trong đó có rác thải nhựa. Do đó, việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ là một giải pháp để Việt Nam đương đầu với những thách thức.
Cùng hành động vì môi trường
Tại buổi lễ, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch PRO Vietnam - cho biết Việt Nam đang xếp thứ 4 trên toàn cầu về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương, trong khi vẫn phải nhập khẩu nhựa và giấy phế liệu cho công nghiệp tái chế.
"Việc hình thành một hệ sinh thái thu gom và tái chế bao bì trong nước vững mạnh, lan tỏa sâu rộng sẽ giúp tăng tỉ lệ tái chế, giảm thiểu số lượng bao bì thải ra môi trường và giảm nhập khẩu từ các nước" - ông Trai nhấn mạnh và cho biết tham vọng được các thành viên sáng lập của PRO Vietnam thống nhất là đến năm 2030, tất cả các loại vật liệu đóng gói do các công ty thành viên sản xuất ra thị trường sẽ được thu gom và tái chế.