Thái Bình: Chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý vi phạm đối với các tổ chức chậm đưa đất vào sử dụng
Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 19/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý vi phạm đối với các tổ chức chậm đưa đất vào sử dụng.
Theo Chỉ thị, trong những năm qua công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc quản lý sử dụng đất đai ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, từng bước đi vào nề nếp, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay vẫn còn một số trường hợp các công trình, dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất mà không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng nhưng chưa được rà soát, kiểm tra, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong nhân dân.
Để chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh và khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, Sở Xây dựng, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thành phố rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý đối với các tổ chức đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đánh giá nguyên nhân (khách quan, chủ quan) của việc không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng của các dự án đầu tư.
Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất; xử lý nghiêm, triệt để, đúng pháp luật đối với các công trình, dự án có vi phạm; kiên quyết thu hồi đất đối với các công trình, dự án đã chấm dứt dự án đầu tư, đã hết thời hạn cho gia hạn sử dụng đất nhưng vẫn chưa hoàn thành đầu tư, đưa đất vào sử dụng.
Ngoài ra, tổng hợp, lập danh sách các dự án, công trình có vi phạm để đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và gửi thông tin để đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/11 hàng năm.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh thực hiện điều chỉnh tiến độ đầu tư dự án đảm bảo đúng quy định của pháp luật, lập danh sách và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đánh giá nguyên nhân (khách quan, chủ quan) của các dự án chậm tiến độ đầu tư; tham mưu, báo cáo UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các dự án đầu tư triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ; hạn chế việc gia hạn tiến độ đầu tư.
Bên cạnh đó, kiểm tra, giám sát đánh giá các dự án đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đối với các dự án có vi phạm theo quy định của pháp luật đầu tư.
Theo Chỉ thị, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu Cục thuế tỉnh thực hiện đôn đốc và áp dụng đầy đủ các biện pháp xử lý cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đối với các dự án không hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định; cung cấp kịp thời thông tin, danh sách các dự án không hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp tham mưu biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Xây dựng có nhiệm vụ hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện nghiêm túc Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Bình; thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm minh, kịp thời, dứt điểm các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý đất đai theo quy định của pháp luật.
UBND huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn; thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát tiến độ sử dụng đất của các dự án trên địa bàn, kịp thời phát hiện các dự án chậm tiến độ đầu tư, không triển khai dự án, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xử lý theo quy định của pháp luật.