Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý Tài nguyên khoáng sản
Ngày 12/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công văn số 12234/UBND-CN về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý, hoạt động tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Nội dung công văn nêu rõ: Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và từng bước đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu vật liệu cho các công trình, dự án, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; có nguyên nhân khách quan, song nguyên nhân chủ yếu là do sự chỉ đạo thiếu kiên quyết của một số ngành, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang triển khai thực hiện nhiều dự án trọng điểm của Quốc gia và của tỉnh; dự báo trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng vật liệu (đất, đá, cát) sẽ tăng cao, tiềm ẩn các nguy cơ trong quá trình khai thác, vận chuyển vật liệu sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn - xã hội.
Để đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung cấp vật liệu thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh) và tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản đối với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND tỉnh Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định có liên quan trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quy hoạch, thăm dò, khai thác và xử lý vi phạm khoáng sản theo Luật khoáng sản số 60/2010/QH12; Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030, Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quyết định số 1285/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh về việc “Phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động, tổ chức triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường theo quy định; nâng cao chất lượng thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật; kiên quyết tham mưu cho UBND tỉnh không cấp giấy phép, gia hạn giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật trong thăm dò, khai thác khoáng sản; dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Chủ trì, tham mưu thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ; cắt giảm thời gian thẩm định, xử lý hồ sơ (cấp phép mỏ mới) còn ít nhất 2/3 thời gian theo quy định đối với các thủ tục liên quan đến cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án đường cao tốc; cắt giảm thời gian xử lý hồ sơ nâng công suất khai thác còn ít nhất 1/2 thời gian theo quy định. Khi tham mưu trình UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác phải quy định trách nhiệm của đơn vị được cấp phép phải huy động toàn bộ công suất khai thác ghi trong giấy phép để cấp vật liệu cho Dự án đường cao tốc. Đối với trường hợp nâng công suất, chỉ tham mưu UBND tỉnh cho phép nâng công suất khai thác đảm bảo theo nội dung điểm b Mục 1, điểm a, d, e Mục 2 Nghị quyết số 60/NQ-CP; tham mưu, báo cáo UBND tỉnh quyết định dừng áp dụng “cơ chế đặc thù” trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đường bộ cao tốc sau khi nhà thầu thi công đã khai thác đủ khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đường cao tốc; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, trả lại mỏ và đất đai cho đại phương quản lý theo quy định. Và một số nhiệm vụ trọng tâm khác.
Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, dự báo nhu cầu về sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo UBND tỉnh bổ sung các mỏ khoáng sản mới vào quy hoạch theo quy định để đáp ứng nhu cầu vật liệu sử dụng cho các công trình trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 18/CT-UBND ngày 25/10/2017 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cát, sỏi trong thi công các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh….
Sở Công Thương, phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm việc không khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm điều kiện kinh doanh. Thực hiện cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo đúng quy định, bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản….
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, và các địa phương. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch kiểm tra trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện. Tham mưu đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản (khai thác khoáng sản trái phép, tình hình phức tạp, báo chí phản ánh, gây bức xúc dư luận mà không phát hiện, giải quyết, ngăn chặn xử lý kịp thời); kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm đối với tập thể, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định; báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30 của tháng cuối mỗi quý.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định…