Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 06/09/2019 14:11 (GMT+7)

Thanh Hóa: Lê Thảo Nguyên có phạm tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' không?

Tương lai rộng mở của một tiến sỹ trẻ, một cán bộ giáo dục đang có nguy cơ bị dập tắt chỉ vì cách lựa chọn giải quyết sự việc của các bên liên quan…

Anh Lê Thảo Nguyên, học vị tiến sỹ, bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Tĩnh Gia khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày 04/12/2018. Theo Bản kết luận điều tra, năm 2014, anh Nguyên có nhận số tiền ba trăm triệu đồng để “lo công việc” (nguyên văn trong giấy nhận tiền) cho anh Hà Phương là con của ông Hà Trọng Tân và bà Mai Thị Tuyết, sống tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Theo tình tiết trong vụ việc này thì anh Nguyên là học trò cũ của ông Tân. Cũng theo Bản kết luận điều tra, sau khi nhận tiền, anh Nguyên đã không xin việc mà lừa dối để chiếm đoạt số tiền trên dù gia đình ông Hà Trọng Tân đòi mà vẫn không trả lại tiền.

Bản sao Bằng tốt nghiệp đại học mang tên Hà Phương, con của ông Hà Trọng Tân.

Sau khi Báo đăng bài "Vụ Lê Thảo Nguyên “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”: Luật sư nói gì?" nêu lên nhiều ý kiến rất đáng quan tâm của Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Nhiều bạn đọc quan tâm và có cùng chung ý kiến có một câu hỏi nhức nhối trong vụ việc này là có hay không việc một học trò cũ lại đang tâm lừa gạt thầy giáo của mình trong khi chính bản thân mình lại cũng đang làm việc trong môi trường giáo dục? Ở độ tuổi đã suy nghĩ chín chắn, có trình độ cao, công việc sự nghiệp đã có những cơ sở vững chắc, liệu anh Nguyên có dại dột đánh đổi tương lai, danh dự của bản thân cũng như gia đình để lấy chỉ ba trăm triệu đồng hay không?

Theo trình bày của phía gia đình ông Hà Trọng Tân, họ muốn nhờ anh Nguyên xin việc. Theo lẽ thường, khi không xin được việc thì họ muốn lấy lại tiền đã giao. Vấn đề đặt ra là tại sao khi anh Nguyên yêu cầu xuất trình bản gốc giấy giao nhận tiền thì sẽ trả tiền nhưng phía gia đình ông Tân, bà Tuyết không chấp nhận. Và sau khi phía bà Tuyết thực hiện hành vi tố giác anh Nguyên, anh Nguyên tiếp tục yêu cầu xuất trình bản gốc thì trả tiền và thậm chí sẵn sàng trả luôn một tỷ đồng chứ không chỉ ba trăm triệu đồng nhưng vẫn không được chấp nhận (Tình tiết này được Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư Tp Hà Nội nêu trong văn bản số 12/2019/ VPLSVD gửi các cơ quan tố tụng đề ngày 10/6/2019) dù ở giai đoạn xử lý tin tố giác tội phạm vợ ông Tân là bà Mai Thị Tuyết chỉ nộp bản phô tô để tố giác.

Bản hợp đồng lao động của ông Hà Trọng Tân với chức vụ Hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia 1 ký với con trai Hà Phương được ghi trình độ Đại học chuyên ngành Kế toán...

Trong khi đó, nếu chỉ theo Giấy nhận tiền ngày 15/02/2014 thì hoàn toàn không có thỏa thuận về thời điểm hoàn trả tiền hay thời điểm hoàn thành nghĩa vụ trách nhiệm “lo công việc” cho anh Hà Phương. Giao dịch được thể hiện trên Giấy nhận tiền đó không trái pháp luật. Rõ ràng, yêu cầu xuất trình bản gốc để trả tiền là một yêu cầu chính đáng, đúng pháp luật. Giao dịch giữa hai bên chỉ thể hiện bằng văn bản trong tờ Giấy nhận tiền đó, ngoài ra không thể hiện ở văn bản nào khác.

Vậy phía gia đình ông Hà Trọng Tân có nguyện vọng gì? Theo như đơn thư của anh Nguyên, nếu phía gia đình ông Tân, bà Tuyết muốn lấy tiền thì chỉ cần đáp ứng yêu cầu xuất trình bản chính giấy nhận tiền, anh Nguyên sẽ trả. Thông thường, trong những vụ việc như thế này, phía người đi tố cáo sẽ thông báo cho người bị tố rằng: Nếu không hoàn trả tiền thì sẽ tố cáo đến các cơ quan bảo vệ pháp luật vì mục đích của họ đều chỉ là thu hồi lại số tiền đã giao mà thôi.

Cũng theo như các đơn từ của anh Nguyên mà chúng tôi có được, khi vụ việc đang được thụ lý ở giai đoạn giải quyết tin tố giác tội phạm, anh Nguyên đã có ý kiến rằng anh sẵn sàng trả gấp nhiều lần số tiền phía gia đình ông Hà Trọng Tân đòi nếu như đưa ra được giấy nhận tiền bản gốc nhưng vẫn không được đáp ứng. Sự việc lẽ ra có thể giải quyết ổn thỏa bằng các thỏa thuận dân sự đúng với bản chất ban đầu giữa các bên nhưng hiện nay, việc dẫn tới phải xem xét trách nhiệm hình sự, tố cáo lẫn nhau là một điều vô cùng đáng tiếc.

Trong vụ việc này, có lẽ còn có những góc khuất (ví dụ như anh Nguyên có thật sự giới thiệu mình làm ở Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Thông tin Truyền Thông như gia đình ông Tân, bà Tuyết khai hay không? Anh Nguyên có hứa “lo công việc” cho anh Phương làm việc ở Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông hay không?,v.v…), thiết nghĩ các cơ quan tố tụng ở địa phương cần xem xét kỹ hơn để làm sáng tỏ bản chất thật của sự việc.

Hiện nay, chúng tôi được biết một số văn phòng luật sư tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và cả ở Thanh Hóa đã liên lạc với gia đình anh Nguyên để tiếp cận hồ sơ cùng vào cuộc làm rõ nội dung trên. Với dư luận hiện nay cho rằng vụ án này có nhiều vấn đề cần xem xét, nhằm đảm bảo khách quan, tránh oan sai. Báo sẽ tiếp tục cử phóng viên theo dõi diễn biến vụ việc để phản ánh tới bạn đọc 

Thái Quảng

Cùng chuyên mục

Bí mật bên trong ổ “dùng người Việt lừa người Việt” tại Campuchia
Các ông chủ người Trung Quốc thuê những toà nhà trong khu đô thị thu nhỏ giữa rừng ở Campuchia, sát biên giới Thái Lan làm căn cứ. Dưới trướng có nhiều người Việt quản lý, tiến hành tuyển lao động phổ thông đưa sang Campuchia, lừa gia nhập đường dây lừa đảo công nghệ cao mà thị trường hướng đến là cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, nhất là các quốc gia có đồng tiền giá trị cao như Mỹ, Úc, Canada….
Ngày mai, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết hầu tòa
Sáng mai (22/7), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Tin mới