Thôn 'ế vợ' Trung Quốc: Con gái giống như 'nữ hoàng', mỗi ngày xem mắt hơn 30 người đàn ông vẫn chẳng ưng một ai
Bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ tồn tại suốt nhiều năm, dẫn đến tỷ lệ chênh lệch giới tính ngày càng trầm trọng, nên ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc có những thôn làng khan hiếm phụ nữ đến nỗi đàn ông xếp hàng xem mắt cả chục năm trời vẫn cứ là "ế vợ".
"Chợ người" từ lâu đã trở thành điểm đặc thù của thị trấn Tiêu Thôn, thành phố Khánh Dương, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Mỗi một phiên chợ, bà mối đều tụ tập lại với nhau, trao đổi thông tin nam nữ độc thân tại địa phương, phần lớn là nhóm nam thanh niên chưa lập gia đình. Dân bản xứ gọi việc nhà gái đòi sính lễ là "bán", gọi việc nhà trai đưa sính lễ là "mua", "chợ người" đảm nhận trách nhiệm cầu nối giữa hai bên, kết hôn hiện nay là vấn đề đau đầu nhất của các đấng mày râu, có người xem mắt suốt 18 năm mà vẫn "ế vợ".
Những phiên ngã giá tại "chợ người"
Mỗi lần "chợ người" họp phiên, Lã Phi Phi đều đến nhờ bà mối giúp mình tìm đối tượng xem mắt. "Xem mắt 7-8 lần, gặp qua hơn 10 cô gái vẫn không thành công, trong lòng uất ức không thôi." - Lã Phi Phi thở dài.
Còn 1 tháng nữa là Lã Phi Phi bước qua tuổi 24, bao nhiêu năm đi xem mắt, trong lòng anh chàng đã chán nản lắm rồi. Năm trước gặp 1 lượt mười mấy cô nhưng không có ai thích hợp, duy chỉ có một cô chấp nhận tiến vào giai đoạn "lễ hỏi" thì lại đưa ra yêu cầu sính lễ 180 nghìn tệ (tương đương 640 triệu đồng), vượt quá xa so với số tiền 120-130 nghìn tệ (tương đương 425-460 triệu đồng) mà Lã Phi Phi dự tính. Đám cưới vì thế mà thất bại, cô dâu chú rể hụt không còn gặp gỡ qua lại nữa.
Vì sao lại gọi là "chợ người"? Bởi phía sau "chợ người" là tiền bạc, chỉ cần có tiền lễ là có thể đàm phán, hai bên nam nữ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi hoàn thành quá trình gặp gỡ, đính hôn, kết hôn. "Chợ người" chỉ diễn ra trong vài tháng chính là cơ hội duy nhất trong năm để tìm đối tượng, do đó đám cưới chớp nhoáng trở thành một hiện tượng bình thường ở đây, nam nữ thanh niên kết hôn xong đều đến thành thị làm việc, thôn quê lại trở thành một vùng "rỗng ruột" không người.
Ở thị trấn Tiêu Thôn, sính lễ thường rơi vào khoảng 150-200 nghìn tệ (tương đương 530-710 triệu đồng), một bà mối mỗi năm giới thiệu mấy trăm đôi nam nữ với nhau, cuối cùng thành đôi thực sự cũng chỉ khoảng 10 cặp. Năm này qua năm khác, các chàng trai độc thân ôm tất cả tiền nhà tích lũy được, đứng chờ đợi trước cánh cửa hôn nhân ngày càng chật hẹp. Các cô gái trẻ giống như "nữ hoàng", mỗi ngày đều ở nhà gặp gỡ đánh giá hơn 30 người đàn ông.
Lã Phi Phi từ năm 19 tuổi đã bắt đầu đi xem mắt, nghĩ mình điều kiện không tệ, muốn tìm một cô vợ xinh đẹp một chút, không nghĩ đến bây giờ đừng nói đến đẹp, chỉ cần là nữ thôi đã thỏa lòng rồi. Trong "thị trường hôn nhân", sính lễ mỗi năm trung bình tăng 10-20 nghìn tệ (tương đương 35-70 triệu đồng), ảnh hưởng tới cả 2 bên nam nữ.
"Nhà người ta "bán" con gái được ngần ấy tiền, vì sao con gái nhà tôi lại chỉ "bán" được từng này thôi?" - Đây có lẽ là tâm sự chung của nhiều bậc cha mẹ có con gái lớn ở thôn quê. Bà mối Lý Hải Quân có kinh nghiệm 30 năm trong nghề làm mai chia sẻ: "Nếu sính lễ nhà gái chào giá thấp hơn "thị trường", không chỉ bị người ngoài đàm tiếu mà chính nhà trai cũng sẽ coi thường cô dâu mới."
Các cô gái đều là "nữ hoàng"
Lý Hải Quân thường xem tin tức, những năm gần đây tình yêu và hôn nhân đã trở thành "thị trường buôn bán", nhà gái nắm toàn bộ quyền lựa chọn trong tay, các cô gái chỉ cần ngồi trong nhà, chờ bà mối dẫn theo một đám nam thanh niên tới cửa, tùy ý lựa chọn.
Vương Vĩ cũng xếp hàng cùng với Lã Phi Phi thở dài: "Con gái bây giờ giống như "nữ hoàng" trong tivi, quý giá vô cùng!"
Lớp tiểu học của Vương Vĩ có 46 bạn, 18 nam, 26 nữ, hiện tại 26 nữ đều đã lấy chồng nhưng 18 nam lại chỉ có 1 người lấy được vợ. Nhà gái sở dĩ nắm trọn quyền hành trong tay, ở "thị trường hôn nhân" có địa vị cao là bởi vì tư tưởng trọng nam kinh nữ khiến cho tỷ lệ chênh lệnh giới tính ngày càng trầm trọng, hơn nữa các cô gái trẻ đều đến các thành phố lớn làm việc, không trở về nữa, từ đó khiến cho nữ giới trong độ tuổi kết hôn ở các vùng nông thôn trở nên vô cùng hiếm, nhà gái do vậy có quyền "mặc cả" tuyệt đối.
"170-180 nghìn tệ (tương đương 602-640 triệu đồng) sính lễ, anh không đưa thì có người khác đưa, phía sau luôn có người xếp hàng cả dãy dài." - Lý Phi Phi nói.
Cho dù xem mắt không thành công, nhà trai vẫn phải trả không ít tiền môi giới, ngoài ra mỗi lần gặp 1 cô gái, dựa theo phong tục đều phải đưa cho nhà gái 20-200 tệ (tương đương 70-700 nghìn đồng) để được nhìn dung nhan đối tượng xem mắt, bao tiền xe đi lại, mua quà tặng... Năm trước, đối tượng xem mắt của Lã Phi Phi "chào giá" 150 nghìn tệ (tương đương 530 triệu đồng), năm nay cậu ấy mang thêm 20 nghìn tệ (tương đương 71 triệu đồng) nhưng sính lễ đã tăng đến 170-180 nghìn tệ (tương đương 602-640 triệu đồng). Lã Phi Phi ngao ngán: "Làm việc một năm như là làm thuê không công cho mẹ vợ."
Cửa ải hôn nhân
Dương Duệ Khanh - một "ông chú" 42 tuổi có thâm niên 18 năm xem mắt, đau khổ chứng kiến sính lễ từ 3 nghìn tệ (tương đương 10 triệu đồng) tăng lên đến 200 nghìn tệ (tương đương 710 triệu đồng). Dương Duệ Khanh là con trai thứ 3 trong nhà, theo phong tục phải chờ các anh kết hôn xong thì em mới được lấy vợ. 2 anh cưới vợ đã dùng hết sạch tiền trong nhà, khiến cha mẹ và Dương Duệ Khanh bất đắc dĩ phải còng lưng ra trả nợ, trả hết nợ thì sính lễ đã tăng đến mức trở tay không kịp.
"Tôi đối với nhà gái không có yêu cầu gì, từng ly hôn có con riêng cũng được, chỉ cần vẫn có thể cùng tôi sinh thêm 1 đứa là được." - Dương Duệ Khanh chia sẻ. Nhưng dù là vậy, sinh lễ của các cô gái muốn tái giá cũng khiến anh ta toát mồ hôi hột. Hồi đầu năm có bà mối giới thiệu cho Dương Duệ Khanh một cô gái đã có con riêng, đối phương "chào giá" 200 nghìn tệ (tương đương 710 triệu đồng), Dương Duệ Khanh chỉ có thể chùn bước.
Đối với đàn ông ở đây, tìm được một cô vợ hiện nay được ví như "qua 5 cửa ải". Cửa đầu tiên là phải qua được sát hạch của bà mối, bà mối thấy hợp mới dẫn đi xem mắt. Cửa thứ 2 là ấn tượng của nhà gái lúc xem mắt, nếu nhà gái cho phương thức liên lạc thì mới tính đến cửa thứ 3. Cửa thứ 3 là hẹn hò nói chuyện yêu đương, đưa nhà gái đi ăn cơm, dạo phố, tặng quà. Cửa thứ 4 là xem nhà, nhà gái đến xem nhà cửa, của cải của nhà trai ra sao. Cuối cùng mới là cửa thứ 5 bàn sính lễ.
Dương Duệ Khanh không qua được cửa thứ 2, Lã Phi Phi không qua được cửa thứ 5. Việc vợ con của Lã Phi Phi khiến cho cả nhà lo lắng, bởi sau cậu ấy còn có 1 em trai nữa. Do đó, cả gia đình họ nhất trí: dù vay nợ cũng phải toàn lực giúp anh cả lấy được vợ, cha con cũng thỏa thuận chỉ cần không có tật xấu, cao thấp gầy béo xấu đẹp gì đều không quan trọng, còn sống là được.
Con gái nông thôn hiếm như vậy, sao không tìm ở địa phương khác? Lã Phi Phi cười khổ: "Khánh Dương - Cam Túc nghèo đến như vậy, tốn công tốn sức cưới vợ từ nơi khác về cũng không thể đảm bảo là họ không bỏ trốn mất."
Đầu năm, Lã Phi Phi và em trai rời quê đến Thượng Hải làm đầu bếp, mỗi tháng được nghỉ 2 ngày, mỗi ngày làm việc 15 tiếng, tiền lương 5 nghìn tệ (tương đương 18 triệu đồng)/tháng. Sau giờ làm, điện thoại di động chính là nguồn giải trí duy nhất của họ, 3 chàng trai 2 chiếc giường trong căn phòng rộng không đến 15m2.
"Tôi bây giờ không có yêu cầu gì khác, chỉ cần tôi đối xử tốt với cô ấy, cô ấy cũng đối xử tốt với tôi là được, đi làm thuê 1 năm, đến Tết lại về quê xem mắt." - Lã Phi Phi ngao ngán.
Năm mới cận kề, bên cạnh gánh nặng cơm áo gạo tiền, thì mối lo của những người đàn ông này còn thêm cả việc làm sao để lấy được vợ. Không ai biết họ sẽ phải đi xem mắt bao nhiêu lần trong bao nhiêu năm nữa mới có thể tìm được một cô vợ phù hợp với hoàn cảnh và nguyện vọng của mình...
Nguồn: Xinhuanet