Thống nhất Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045
Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện.
HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa họp chuyên đề lần thứ 12, đã thống nhất cao đối với tờ trình liên quan đến Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 của UBND tỉnh.
Theo đó, đối với định hướng về hành chính đô thị, từ nay đến năm 2025 xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện.
Từ sau năm 2025 đến năm 2030 gồm 9 đơn vị hành chính với 3 quận, 2 thị xã và các huyện; xây dựng đô thị Chân Mây đạt tiêu chí đô thị loại III.
Từ sau năm 2030 đến năm 2045 gồm 10 đơn vị hành chính với 4 quận, 2 thành phố và các huyện; xây dựng huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu trở thành thị xã.
Từ sau năm 2045 đến năm 2065, ổn định và nâng cao chất lượng đô thị với mô hình đô thị trung tâm gồm 4 quận, 2 thành phố, 2 thị xã, các thị trấn, đô thị loại V thuộc huyện Phú Lộc - Nam Đông và huyện A Lưới.
HĐND tỉnh cũng thông qua Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp số 2, 3 tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tạo cơ sở để phê duyệt, từ đó ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, sạch, công nghiệp kỹ thuật cao và thân thiện môi trường.
Phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ,... và các dịch vụ hậu cần cảng phục vụ cảng Chân Mây, phù hợp không gian kiến trúc cảnh quan khu vực lân cận, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thông qua chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án: Cầu qua phá Tam Giang nối thị trấn Phú Đa đi xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang (tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng); trụ sở làm việc Công an các xã, thị trấn (tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng từ 104,105 tỷ đồng lên thành 122,891 tỷ đồng).
Điều chỉnh hạ tầng kỹ thuật khu xen ghép CTR10 thuộc khu E - khu đô thị mới An Vân Dương (tổng mức đầu tư điều chỉnh từ 43,268 tỷ đồng thành 63,787 tỷ đồng); hệ thống cây xanh cách ly theo quy hoạch tại các khu đất tiếp giáp đường nối Quốc lộ 1A ra cảng Chân Mây và đường giữa Khu công nghiệp số 2 và số 3 (tổng mức sau khi điều chỉnh là 122,530 tỷ đồng, tăng 63,251 tỷ đồng so với dự án được duyệt); điều chỉnh từ dự án nhóm C sang dự án nhóm B).
HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thống nhất điều chỉnh phương án sử dụng nguồn vượt thu ngân sách tỉnh năm 2022; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; giao bổ sung và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.