Thủ tướng quyết định các khoản vay đặc biệt có lãi suất 0%
Theo dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 15/01/2024, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo đó, nội dung tiếp thu ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Thường vụ Quốc hội cho biết nhiều đại biểu có ý kiến đề nghị phải thường xuyên theo dõi, nếu phát hiện tổ chức tín dụng (TCTD) không đáp ứng được những yêu cầu, quy định của NHNN (NHNN) thì phải đề xuất kiểm tra, thanh tra và giám sát, thậm chí là kiểm soát đặc biệt.
Tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung giải pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của TCTD, tránh tình trạng có TCTD đang yếu kém vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động như thời gian qua, đến khi phát hiện thì đã muộn khiến cho việc xử lý càng trở nên khó khăn hơn và phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các tổ chức tín dụng yếu kém quy mô tăng lên rất nhanh do không bị kiểm soát về hoạt động và tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, gây nhiều tác động đối với hệ thống tín dụng do tăng trường nóng, mất cân đối tài chính.
Liên quan đến ý kiến về việc các TCTD được vay NHNN để chi trả cho người gửi tiền, để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc; các TCTD được vay đặc biệt các TCTD khác theo quy định của pháp luật; ngân hàng hợp tác xã được cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân. Có ý kiến cho rằng, nên quy định cho phép TCTD vay đặc biệt bảo hiểm tiền gửi, giúp giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý theo hướng Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt từ NHNN; vay đặc biệt từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; vay đặc biệt từ TCTD khác để phù hợp với các TCTD có nhận tiền gửi cá nhân bị rút tiền hàng loạt.
Bên cạnh đó, TCTD được vay đặc biệt từ NHNN, TCTD khác trong trường hợp để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền, để thực hiện phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc.
NHNN đề xuất để Thủ tướng quyết định việc cho vay không có tài sản bảo đảm và/hoặc cho vay có lãi suất 0% là cần thiết và hợp lý.
Liên quan đến ý kiến thống nhất với quy định về việc các khoản cho vay đặc biệt đều phải có tài sản bảo đảm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Luật Các TCTD hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định cho vay đặc biệt của NHNN với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Bên cạnh đó, các trường hợp đề nghị vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm là các trường hợp đặc biệt, quan trọng cần phải có sự phối hợp của các cơ quan liên quan (như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...). NHNN vừa có vai trò của ngân hàng Trung ương, vừa là thành viên Chính phủ, vì vậy việc NHNN đề xuất để Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay không có tài sản bảo đảm và/hoặc cho vay có lãi suất 0% là cần thiết và hợp lý.
Về nội dung Đại biểu Quốc hội có ý kiến đề nghị quy định rõ, cụ thể về quản trị ngân hàng và về cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, gắn với vấn đề xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng và cho vay đối với người có liên quan được quy định tại Luật này, để công tác thanh tra, giám sát ngân hàng đạt được tính khả thi, hiệu quả thực chất, không phải mang tính đối phó, hình thức khi có sự tác động khách quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết Thường vụ Quốc hội tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định "NHNN có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật NHNN Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan" tại khoản 1, Điều 207.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, NHNN, Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan (Bộ Tài chính) tiếp tục có giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm các TCTD hoạt động lành mạnh, tăng tính hiệu lực, hiệu quả của Luật khi ban hành.