Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 26/09/2019 04:26 (GMT+7)

Thương lượng trả tiền chưa xong thì bị bắt về tội danh chiếm đoạt tài sản

Vụ án Lê Thảo Nguyên "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có nhiều uẩn khúc, chưa được làm rõ nhưng vẫn đưa ra xét xử ngày 16/9/2019 và phải hoãn vì các nhân chứng vắng mặt.

Phiên xử ngày 16/9/2019 có hàng trăm người đến dự và bày tỏ sự quan tâm rất lớn về vụ án này vì dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu có phát sinh một vụ án oan sai ở vùng quê này hay không?

Luật sư Trần Đình Triển và Luật sư Nguyễn Văn Dũ tại phiên tòa.

Theo cáo buộc của Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, anh Lê Thảo Nguyên - nguyên là cán bộ Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông tin, truyền thông - Bộ Thông tin, truyền thông - đã dùng thủ đoạn gian dối, nói rằng mình có khả năng xin việc cho anh Hà Phương (có bằng về chuyên ngành Kế toán) vào làm việc ở Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Thông tin truyền thông và để chiếm đoạt số tiền ba trăm triệu đồng của gia đình anh Phương.

Anh Nguyên đã viết một biên nhận gọi là Giấy nhận tiền ngày 15/02/2014 với nội dung nhận ba trăm triệu của ông Hà Trọng Tân (thầy giáo cũ của anh Nguyên) để “lo công việc” cho anh Hà Phương (là con của ông Hà Trọng Tân và bà Mai Thị Tuyết). Một điều đáng chú ý là Giấy biên nhận này không xác định cụ thể nội dung “lo công việc” là gì như: xin cho anh Phương làm việc gì, làm ở cơ quan, tổ chức nào...  Và Giấy nhận tiền hoàn toàn không thể hiện thời gian sẽ hoàn thành “lo công việc” cho anh Phương.

Theo hồ sơ vụ án mà chúng tôi nắm được cũng như qua làm việc với luật sư Nguyễn Văn Dũ – Luật sư bào chữa cho bị cáo, chúng tôi được biết, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, anh Nguyên hoàn toàn phủ nhận việc hứa xin cho anh Phương làm việc tại Trường Đào tạo cán bộ truyền thông nơi anh Nguyên làm việc. Cơ quan điều tra cũng không thu thập được chứng cứ vật chất nào cho rằng anh Nguyên đã hứa xin việc cho anh Phương vào làm việc tại trường ngoài lời khai của các nhân chứng cũng như lời khai của ông Hà Trọng Tân và bà Mai Thị Tuyết.

Tuy nhiên, lời khai của các nhân chứng này vừa bất nhất với chính mình vừa có sự mâu thuẫn hay không khớp, không phù hợp với nhau. Ví dụ như lời khai của các nhân chứng về lời tự giới thiệu nơi làm việc của anh Phương, về công việc sẽ lo cho anh Phương, về quá trình diễn ra sự việc từ lần tiếp xúc ban đầu của anh Nguyên với gia đình anh Phương về nơi giao nhận tiền. Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ vụ án thì căn cứ buộc tội anh Nguyên chủ yếu dựa vào các lời khai như vậy.

Thỏa thuận giữa anh Nguyên và gia đình ông Hà Trọng Tân chỉ thể hiện trên tờ Giấy nhận tiền đó, ngoài ra không còn thể hiện trên bất cứ văn bản nào khác. Cơ quan điều tra cũng không thu thập thêm được văn bản, chứng cứ vật chất nào khác thể hiện rõ hơn nội dung thỏa thuận giữa các bên. Như vậy, các bên hoàn toàn không thỏa thuận về thời hạn anh Nguyên sẽ hoàn thành việc “lo công việc” cho anh Phương, cũng như  nghĩa vụ, trách nhiệm hoàn trả tiền như thế nào.

Trên thực tế (và cũng được thể hiện trong hồ sơ vụ án), các bên đã gặp nhau một số lần để thỏa thuận giải quyết việc hoàn trả lại tiền cho gia đình ông Hà Trọng Tân. Ngay trong Bút lục số 191 lập ngày 20/9/2018, ông Tân đã khai rằng khi ông Tân liên hệ anh Nguyên để đòi lại số tiền, Nguyên cũng như người đại diện cho anh Nguyên (hai em và bố Nguyên) tới gặp gia đình ông Tân để thương lượng vấn đề trả lại tiền. Những lần này, phía Nguyên và gia đình Nguyên không có đủ tiền để trả. Đây là vấn đề rất quan trọng thể hiện rằng Nguyên (trực tiếp bản thân hay thông qua người thân) hoàn toàn không có động cơ mục đích chiếm đoạt tiền của gia đình ông Hà Trọng Tân.

Có một tình tiết khá đặc biệt mà luật sư đã phát hiện ra trên cơ sở hồ sơ vụ án, đó là sau khi nhận tiền từ bà Tuyết, anh Nguyên đã tự nguyện viết Giấy nhận tiền nói trên. Như vậy, nếu có âm mưu lừa đào chiếm đoạt tiền của gia đình ông Hà Trọng Tân thì anh Nguyên có dại dột viết Giấy nhận tiền đó hay không?

Cũng cần nói thêm về điều kiện kinh tế trình độ học vấn của Tân để xem xét, đánh giá liệu Nguyên có động cơ mục đích chiếm đoạt tài sản của gia đình ông Tân hay không. Bản thân Nguyên đã tới tuổi tứ thập, trình độ tiến sỹ, công việc ổn định ở Trường Đào tạo Cán bộ Thông tin, Truyền thông. Vợ Nguyên cũng là một giảng viên đại học có công việc và thu nhập ổn định. Hai vợ chồng có nhà riêng ở Hà Nội, có thêm thửa đất ở huyện Tĩnh Gia, mỗi người có xe hơi riêng.

Về truyền thống gia đình, cha mẹ anh Nguyên cũng làm nghề giáo. Với xuất thân, điều kiện hoàn cảnh như vậy, liệu Nguyên có dại dột lừa gạt người đã từng là thầy giáo của mình để lấy chỉ ba trăm triệu hay không với cái giá phải trả vô cùng lớn cũng như mất hoàn toàn sự nghiệp và danh dự ở quê hương cũng như nơi làm việc, nơi sinh sống?

Dư luận thì cho rằng anh Nguyên dại dột. Tuy nhiên, đó là dại dột báo đáp lại công ơn của người đã dạy dỗ mình nhưng không may lại gặp rủi ro. Ách giữa đàng quàng vào cổ. Thỏa thuận giữa hai bên chỉ đơn thuần là một giao dịch dân sự. Phía ông Hà Trọng Tân hoàn toàn đủ điều kiện khởi kiện ra Tòa theo thủ tục tố tụng dân sự để đòi lại tiền. Do vậy, để trả lời được những câu hỏi trên một cách đầy đủ thì có lẽ cơ quan tố tụng cần thu thập thêm chứng cứ để làm rõ động cơ, mục đích, nguyên nhân, điều kiện phạm tội như quy định tại Điều 85 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015.

Như đã nói ở trên, anh Nguyên hoàn toàn không có ý định chiếm đoạt tài sản trước khi nhận tiền lẫn cả sau khi nhận tiền. Vậy thì liệu việc truy tố anh Nguyên về tội danh có mục đích chiếm đoạt tài sản (tội lừa đảo) có thỏa đáng?

Dư luận rất mong chờ các cơ quan tố tụng mà đặc biệt là Cơ quan Tòa án thể hiện được vai trò trung tâm trong công cuộc cải cách tư pháp, phụng công thủ pháp, chí công vô tư làm rõ được các khuất tất trong vụ án này. Dù rằng đạo nghĩa thầy trò không còn được như xưa nhưng người viết tin rằng, đạo đức xã hội không thể băng hoại đến mức trò đang tâm lừa thầy, biến thầy thành con mồi như vậy.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh về vụ án đang thu hút sự quan tâm dư luận này.

Cùng chuyên mục

Bí mật bên trong ổ “dùng người Việt lừa người Việt” tại Campuchia
Các ông chủ người Trung Quốc thuê những toà nhà trong khu đô thị thu nhỏ giữa rừng ở Campuchia, sát biên giới Thái Lan làm căn cứ. Dưới trướng có nhiều người Việt quản lý, tiến hành tuyển lao động phổ thông đưa sang Campuchia, lừa gia nhập đường dây lừa đảo công nghệ cao mà thị trường hướng đến là cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, nhất là các quốc gia có đồng tiền giá trị cao như Mỹ, Úc, Canada….
Ngày mai, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết hầu tòa
Sáng mai (22/7), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Tin mới