TP Cần Thơ: Cồn Khương - Từ du lịch sinh thái thành khu đô thị thương mại
Cồn Khương là mảnh đất hẹp dài phía Đông Nam TP Cần Thơ. Hai mươi năm trước, nơi đây là vùng xanh đặc hữu, còn bây giờ Cồn Khương bị “chia” thành nhiều mảnh đô thị với sự góp mặt của các tên tuổi lớn trong ngành bất động sản.
Hoán đổi cư dân!
Cồn Khương có diện tích gần 400ha, thuộc 2 phường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy) và Cái Khế (quận Ninh Kiều). Vào đầu những năm 2000, Cồn Khương vẫn là vùng đất hoang sơ, cư dân sống bằng nghề canh nông và đánh bắt cá. Muốn qua Cồn Khương, lúc bấy giờ người ta phải ngồi đò ngang qua sông Khai Luông khoảng 10 phút. Toàn diện tích cồn là một màu xanh của cây cối, ruộng đồng.
Đô thị hóa lan dần, Cồn Khương cũng biến chuyển. Dự án bất động sản đầu tiên có mặt ở Cồn Khương là của Công ty TNHH Linh Thành vào năm 2003. Đó là dự án khu biệt thự ven sông khoảng 10ha với 36 nền biệt thự. Diện tích mỗi nền từ 1.000m2 - 1.500m2, người mua phải tuân thủ mật độ xây dựng tối đa không quá 30% diện tích đất. Kiến trúc xây dựng ở đây cũng thống nhất, mỗi căn xây dựng theo một nét riêng, nhằm mục đích tạo ra một không gian kiến trúc đa dạng, hội tụ nhiều trường phái kiến trúc khác nhau. Dự án làng biệt thự này trở thành nét độc đáo của đô thị thành phố Cần Thơ, thu hút nhiều đoàn du khách đến tham quan.
Giữa năm 2002, UBND thành phố Cần Thơ chủ trương xây cầu Cồn Khương nhưng mãi đến tháng 3/2005 mới khởi công được. Sau khi cầu Cồn Khương hoàn thành, đưa vào sử dụng, Cồn Khương bắt đầu chuyển mình. Hàng loạt dự án khu dân cư, du lịch nghỉ dưỡng đua nhau “xí phần” khai thác vùng đất này. Đất ruộng vườn thu hẹp, nhường chỗ cho các dự án đô thị nghìn tỉ.
Năm 2010, Cồn Khương có 936 hộ với khoảng 3.600 dân. Sau dự án làng biệt thự Linh Thành, hàng loạt nhà đầu tư bất động sản khác như: Vạn Phát, Hoàng Mỹ, Trí Việt…xuất hiện, lấn dần đất của dân. Nhiều cư dân cố cựu ngậm ngùi chia tay ruộng vườn chuẩn bị vào khu tái định cư hoặc rời Cồn Khương tìm nơi ở mới. Trong khi đó, làn sóng cư dân mới đổ bộ lên Cồn Khương với tư cách là chủ sở hữu những ngôi biệt thự hoặc người chủ đất, chủ căn hộ mới. Một sự hoán đổi cư dân kỳ lạ có nguyên nhân từ qui hoạch đã xảy ra trên dải đất hình con thuyền này!
Đô thị sinh thái…nửa vời?!
Ngày 28/8/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1515/QĐ-TTg điều chỉnh qui hoạch chung ghi rõ: Chức năng sử dụng đất theo bản đồ qui hoạch chung, Cồn Khương là đất phát triển du lịch sinh thái. Tại Tiết b, Khoản 7, Điều 7 của quyết định, định hướng phát triển không gian Cồn Khương là: “Dịch vụ du lịch, văn hóa truyền thống, du lịch sông nước, du lịch sinh thái vườn trái cây, nông nghiệp”.
Tuy nhiên, chỉ tính riêng 2 dự án khu đô thị lớn nhất Cồn Khương hiện nay là Khu đô thị mới của Công ty CP đầu tư xây dựng Vạn Phát Phát và Khi đô thị mới của liên danh Công ty CP đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP 216 thì cơ cấu sử dụng đất: Đất ở 28,47ha (40%), đất thương mại dịch vụ 5,04ha (7,1%), đất du lịch nghỉ dưỡng 1,66ha (2,3%), còn lại là đất hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật 32,65ha. Như vậy, việc điều chỉnh qui hoạch chi tiết và qui hoạch phân khu tại các dự án không phù hợp với qui hoạch chung về tính chất, chức năng sử dụng đất.
Giờ đây, gần 400ha diện tích đất Cồn Khương đã đô thị hóa toàn diện. Thậm chí, dự án Cồn Khương Diamond City – dự án chiếm 52,27ha đất có vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng - được quảng cáo “Là một nơi có môi trường sống xanh chất lượng, đỉnh cao hoàn hảo, một khu đô thị hiện đại phát triển bậc nhất Cần Thơ”
Ngoài ra, tại Cồn Khương, nhiều dự án đô thị thương mại đã hiện hữu như: Khu biệt thự ven sông EcoVillas, Khu biệt thự Hoàn Mỹ, Resort Cồn Khương 4 sao, Vạn Phát Riverside nâng cấp lên 5 sao, Làng biệt thự Linh Thành…Đó là chưa kể một số dự án đang triển khai: Khu đô thị và vui chơi giải trí 93ha, Khu biệt thự nhà vườn Vạn Phát…
Khó có thể hình dung một “đảo” nhỏ Cồn Khương với hàng chục dự án đô thị thương mại, biệt thự, nhà cao tầng… lại là khu vực được qui hoạch không gian là “Dịch vụ du lịch, văn hóa truyền thống, du lịch sông nước, du lịch sinh thái vườn trái cây, nông nghiệp”.
(Còn tiếp)