Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 08/01/2024 15:08 (GMT+7)

TP.HCM có thêm nhiều loại vaccine phục vụ Chương trình Tiêm chủng mở rộng​

Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, sau 8.100 liều vaccine 5 trong 1 được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận thêm hàng chục ngàn liều vaccine phòng lao, viêm gan B, sởi – rubella, viêm não Nhật Bản, uốn ván từ Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cung cấp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận thêm rất nhiều liều vaccine phục vụ trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, gồm: 55.000 liều vaccine phòng lao (BCG), 25.000 liều vaccine viêm gan B, 36.000 liều vaccin bại liệt uống (bOPV), 23.000 liều vaccine sởi, 18.000 liều vaccine sởi - rubella (MR), 9.700 liều vaccie viêm não Nhật Bản, 34.100 liều vaccine phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) và 30.300 liều vaccine uốn ván. Tất cả vaccine này được chuyển đến từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh do Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cung cấp.

Ngay sau khi nhận được vaccine bổ sung, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã lên kế hoạch tiêm cho trẻ. Theo đó, bắt đầu từ ngày 10/1, đồng loạt các trạm y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiến dịch tiêm bù vaccine sởi và vaccine sởi - rubella (MR) cho trẻ từ 9 tháng đến 24 tháng tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi sởi. Các vaccine khác sẽ được đưa vào tiêm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng thường xuyên. Lịch tiêm và đối tượng cụ thể được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cập nhật tại trang thông tin điện tử https://hcdc.vn.

Trước đó, ngày 28/12/2023, Thành phố Hồ Chí Minh được phân bổ 8.100 liều vaccine 5 trong 1 (SII). Ngay sau khi tiếp nhận, Ngành Y tế nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ từ đủ 2 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi. Tính đến hết ngày 6/1/2024 đã có 5.119 trẻ được phụ huynh đưa đến các trạm y tế để tiêm mũi 1 (2.831 trẻ), mũi 2 (1.759 trẻ) và mũi 3 (529 trẻ).

Tuy nhiên, do chiến dịch tiêm chủng được triển khai tiêm ngay sau dịp Tết Dương lịch nên nhiều trường hợp trẻ về quê cùng gia đình chưa kịp quay trở lại Thành phố hoặc phụ huynh chưa sắp xếp được thời gian để đưa trẻ đi tiêm. Bên cạnh đó, cũng có một số trẻ được phụ huynh đăng ký các gói tiêm chủng dịch vụ, hoặc trẻ phải hoãn tiêm do mắc các bệnh cấp tính dẫn đến tỷ lệ trẻ tiêm mũi 1 chưa cao. Thống kê cho thấy, Thành phố có 6.321 trẻ từ 2 đến 18 tháng tuổi chưa tiêm mũi 1, tuy nhiên trong 1 tuần triển khai chiến dịch, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi này đến tiêm mũi 1 chỉ đạt 44,79%.

Do đó, Ngành Y tế tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine 5 trong 1 (SII) cho trẻ trong hai ngày 8 và 9/1 cho các trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên chưa tiêm vaccine SII và trẻ tiêm chưa đủ mũi, sau đó chuyển vaccine này vào hoạt động tiêm chủng thường xuyên. Còn các loại vaccine khác bắt đầu được triển khai tiêm chủng từ 10/1.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, các cơ sở tiêm chủng sẽ tổ chức tăng cường triển khai hoạt động tiêm chủng thường xuyên theo lịch, chủ động tăng số buổi tiêm nhằm tiêm bù mũi cho những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian gián đoạn vaccine nhằm nâng cao miễn dịch cộng đồng, chủ động phòng chống dịch bệnh. Sở Y tế khuyến cáo, các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng hiện đang được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Để phòng tránh các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, các bậc cha mẹ, phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đến cơ sở tiêm chủng tiêm đầy đủ, đúng lịch hoặc để được tư vấn trong trường hợp trẻ đã qua lịch tiêm chủng.

Cùng chuyên mục

Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ bệnh bạch hầu
Chiều 8/7, Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên.
Nghệ An thông tin về trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An (CDC Nghệ An) thông tin, trường hợp bệnh nhân trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn tử vong do bệnh Bạch hầu, xác định có 199 người tiếp xúc, điều tra dịch tễ đây là ổ bạch hầu ngày thứ 10 và 1 người đã tử vong.

Tin mới

Dừng lưu thông và truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc
Đây là yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai về 5 trường hợp đang cấp cứu, điều trị tại Trung tâm do ngộ độc methanol, trong đó có một trường hợp từ Thái Nguyên và bốn trường hợp từ Thường Tín, Hà Nội cùng uống một loại rượu từ Thái Nguyên.