Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 26/07/2022 13:35 (GMT+7)

TP.HCM: Nhà thuốc, bệnh viện gặp khó khăn khi tiếp nhận đơn thuốc điện tử

Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu các nhà thuốc và bệnh viện thực hiện tiếp nhận đơn thuốc điện tử và kết nối với dữ liệu dược quốc gia. Tuy nhiên, các đơn vị này vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp nhận và liên kết dữ liệu.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc tiếp nhận đơn thuốc bằng hình thức điện tử và khẩn trương liên thông dữ liệu bán thuốc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia.

Áp dụng đơn thuốc điện tử là xu hướng tất yếu

Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi đến phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức và các cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc) về việc quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử.

Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư 27/2021/TT-BYT về việc quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử trước ngày 30/6/2022. Riêng các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải hoàn thành trước ngày 31/12/2022.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải gửi danh sách thuốc mà bệnh nhân đã sử dụng trong quá trình điều trị và đơn thuốc điện tử lên hệ thống đơn thuốc quốc gia ngay sau khi kết thúc quy trình khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ngoại trú và trước khi người bệnh ra viện đối với người bệnh nội trú. Đồng thời, các cơ sở khám, chữa bệnh phải gửi đơn thuốc điện tử hoặc mã đơn thuốc điện tử cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh thông qua các phương tiện điện tử theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngày 22/7, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ban hành văn bản gửi các cơ sở bán thuốc trên địa bàn về việc kết nối dữ liệu dược quốc gia. Sau ngày 31/8, Sở Y tế sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý các cơ sở chưa có tài khoản liên thông, không thực hiện kết nối, cập nhật dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia.

TP.HCM: nhà thuốc, bệnh viện gặp khó khăn khi tiếp nhận đơn thuốc điện tử, kết nối dữ liệu quốc gia - Ảnh 1.
Nhiều nhà thuốc, bệnh viện vẫn chưa thể tiếp nhận đơn thuốc điện tử và liên kết với dữ liệu dược quốc gia.

Việc tiếp nhận đơn thuốc và liên thông dữ liệu bán thuốc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia giúp kiểm soát, chuẩn hóa được chất lượng toa thuốc; hạn chế lạm dụng kê đơn trong điều trị ngoại trú; giảm tình trạng một đơn thuốc kê lại cho nhiều người cùng dùng…

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà thuốc và bệnh viện trên địa bàn TP.HCM vẫn chậm trễ do gặp khó khăn trong quá trình thực hiện kết nối dữ liệu thuốc với hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia.

Gặp khó khăn khi triển khai đơn thuốc điện tử

Dược sĩ của một nhà thuốc trên đường Điện Biên Phủ, Quận 1, TP.HCM cho biết, cho tới nay anh vẫn chưa nắm được thông về việc thực hiện bán thuốc bằng đơn điện tử thay cho đơn thuốc giấy truyền thống. Bệnh nhân mua thuốc theo toa tại nhà thuốc chỉ cần đưa theo toa thuốc có chữ ký của bác sĩ. Nhà thuốc sẽ bán cho khách theo nhu cầu trên đơn thuốc. Sau đó, các thông tin của khách hàng sẽ được dược sĩ đánh máy để lưu lại trên hệ thống nhà thuốc.

Anh P.L., Chủ của nhà thuốc T.P tại quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, anh có được nghe qua về việc thực hiện bán thuốc theo đơn thuốc điện tử và liên kết với dữ liệu dược quốc gia gần đây. Tuy nhiên, theo anh L., dù đã nắm được thông tin nhưng cho tới nay nhà thuốc của anh vẫn chưa thể triển khai việc tiếp nhận đơn thuốc điện tử và liên kết với dữ liệu quốc gia vì còn gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật phần mềm và các vấn đề khác mà nhà thuốc đang gặp phải.

Không riêng gì các nhà thuốc gặp khó khăn mà có rất nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM cũng gặp các vướng mắc trong việc triển khai thực hiện và tiếp nhận đơn thuốc điện tử, liên kết với dữ liệu dược quốc gia.

Theo ghi nhận, dù đã có thông tư về việc triển khai đơn thuốc điện tử và liên kết với dữ liệu dược quốc gia nhưng cho tới hiện tại rất nhiều bệnh viện hạng 1,2,3 tại TP.HCM vẫn chưa thể triển khai. Hầu hết các bệnh viện vẫn đang sử dụng đơn thuốc giấy truyền thống và đơn thuốc điện tử chỉ lưu trữ trong dữ liệu của đơn vị chứ chưa được liên kết với dữ liệu dược của quốc gia.

Điển hình, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), bệnh nhân đến khám vẫn còn được cấp đơn thuốc giấy được đánh máy như trước đây. Một lãnh đạo của bệnh viện này cho biết, hiện đơn vị này vẫn chỉ dừng lại ở việc lưu thông tin đơn thuốc của bệnh nhân trên hệ thống nội bộ và chưa thể đồng bộ, liên thông với hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Bệnh viện đang trong quá trình đợi bộ phận kỹ thuật hoàn thiện hệ thống kết nối, đồng bộ dữ liệu dược quốc gia. Trong thời gian chờ đợi, bệnh viện vẫn sẽ tiếp tục sử dụng đơn thuốc giấy cho bệnh nhân. Các đơn thuốc được kê sẽ lưu lại trong hệ thống dữ liệu của bệnh viện để dễ dàng kiểm soát sau này.

Dù gặp khó khăn trong quá trình kết nối dữ liệu, nhưng vị lãnh đạo của Bệnh viện Nhân dân Gia Định đánh giá việc kê đơn thuốc điện tử đem lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh và nhân viên y tế. Các bác sĩ điều trị sẽ dễ dàng theo dõi được hiệu quả điều trị sau khi kê đơn, tra cứu những loại thuốc trong hồ sơ bệnh án mà bệnh nhân từng sử dụng để điều chỉnh, hạn chế tác dụng phụ của thuốc./.

Cùng chuyên mục

Bộ Y tế tiếp tục cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành hơn 1.000 loại thuốc
Cục Quản lý Dược vừa có quyết định ban hành danh mục 881 thuốc sản xuất trong nước được gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, bao gồm 595 thuốc sản xuất trong nước được gia hạn giấy đăng ký lưu hành trong thời gian 5 năm và 285 thuốc sản xuất trong nước được gia hạn giấy đăng ký lưu hành trong thời gian 3 năm.
Các mức độ men gan tăng cao cần biết
Men gan tăng cao thường là dấu hiệu của tổn thương tế bào gan, có thể xảy ra với nhiều bệnh lí có mức độ nghiêm trọng khác nhau. Vậy các mức độ men gan tăng nguy hiểm như thế nào?...
Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh dại
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Tin mới

Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; trường hợp cần thiết có thể xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đúng bản chất của hàng hóa, dịch vụ.