Trường hợp nào cán bộ, công chức bị miễn nhiệm?
Miễn nhiệm là gì? Theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp nào cán bộ, công chức bị miễn nhiệm? Bạn đọc T.P. hỏi.
Theo khoản 6 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.
Cán bộ bị miễn nhiệm trong trường hợp nào?
Theo đó, cán bộ có thể bị miễn nhiệm hoặc xin miễn nhiệm, cụ thể:
- Bị miễn nhiệm: Cán bộ có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm cán bộ đó (theo khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức).
- Xin miễn nhiệm: Cán bộ không đủ sức khỏe, không đủ năng lực, uy tín, theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc vì lý do khác (theo khoản 1 Điều 30 Luật Cán bộ, công chức).
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 2 Quy định số 260-QĐ/TW ngày 02/10/2009 của Bộ Chính trị về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ quy đinh: ''Miễn nhiệm'' là việc cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt chức vụ đối với cán bộ do vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức hoặc bãi nhiệm. Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên.
Điều 5 Quy định số 260-QĐ/TW ngày 02/10/2009 của Bộ Chính trị quy định chi tiết việc xem xét miễn nhiệm đối với cán bộ căn cứ vào một trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, cán bộ bị kỷ luật, cán bộ vi phạm pháp luật thuộc một trong các trường hợp:
- Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế.
- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức cách chức hoặc bãi nhiệm.
Thứ hai, cán bộ không đủ năng lực, uy tín để làm việc thuộc một trong các trường hợp:
+ Trong 2 năm liên tiếp của nhiệm kỳ giữ chức vụ không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
+ Trong một nhiệm kỳ hoặc hai nhiệm kỳ giữ chức vụ liên tiếp, bị hai lần xử lý kỷ luật liên quan đến chức trách được giao.
+ Để đơn vị mất đoàn kết hoặc làm đơn vị mất đoàn kết theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
+ Bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về vi phạm tư cách đạo đức của người cán bộ.
+ Bị cơ quan kiểm tra, thanh tra có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định về những việc đảng viên, cán bộ, công chức không được làm.
Thứ ba, cán bộ bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Bộ Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ.
Như vậy, cán bộ có thể bị miễn nhiệm công tác trong các trường hợp nêu trên. Đặc biệt, đây không phải một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ bởi cán bộ chỉ bị kỷ luật bằng một trong các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bãi nhiệm.
Trường hợp nào công chức bị miễn nhiệm?
Thao khoản 1 Điều 54 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, công chức bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:
- Không đủ sức khỏe;
- Không đủ năng lực, uy tín;
- Theo yêu cầu nhiệm vụ;
- Vì lý do khác.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 66 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định rõ việc xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;
- Bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế;
- Bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo hai lần trong cùng một thời hạn bổ nhiệm;
- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ;
- Các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật.