Trường trung cấp Saigontourist liên quan đến vụ kiện Công ty Phan Khang?
Tổng Công ty du lịch Sài Gòn TNHH MTV được UBND TP.HCM giao đất để kinh doanh nhà hàng khách sạn nhưng cho Công ty Phan Khang thuê trái mục đích sử dụng đất. Sau đó, đơn vị này đã khởi kiện bên thuê lại để đòi lại đất.
Vì sao bên thuê lại thanh toán cho Trường trung cấp Du lịch – Khách sạn Saigontourrist?
Cuối tháng 2/2024, TAND quận Tân Bình (TP.HCM) mở phiên xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (viết tắt: Tổng Công ty Du lịch) và bị đơn là Công ty TNHH Khu mua sắm Đệ nhất Phan Khang (viết tắt: Công ty Phan Khang).
Theo nội dung đơn khởi kiện, ngày 10/12/2001, UBND TP.HCM có Quyết định số 8291/QĐ-UB về việc cho Khách sạn Đệ Nhất thuộc Tổng Công ty Du lịch thuê để kinh doanh khách sạn nhà hàng đối với lô đất 2.575 m2 tại mặt bằng số 01 Hoàng Việt. Thời hạn thuê là 48 năm từ năm 1998 – 2046.
Ngày 26/01/2004, Khách sạn Đệ Nhất được cập nhật quyền sử dụng đất đối với lô đất 2.575 m2 tại mặt bằng số 01 Hoàng Việt theo Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất vào sổ số 121 QSDĐ/1996 ngày 02/08/1996 của Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM cấp.
Ngày 28/10/2004, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM ký kết với Khách sạn Đệ Nhất về việc thuê đất theo Hợp đồng thuê đất số 7024/HĐTĐ-ĐKKTĐ. Tại Điều 1 của hợp đồng có quy định: “Diện tích thuê đất là 2.575 m2 tại phường 4, quận Tân Bình để kinh doanh nhà hàng khách sạn”.
Trong các năm từ 2005, 2008, 2014 và 2016, Công ty Phan Khang đã ký hợp đồng thuê số 818, 895, 014 và 729 thanh toán tiền thuê với Tổng Công ty Du lịch, Khách sạn Đệ Nhất và Trường trung cấp Du lịch – Khách sạn Saigontourrist.
Tổng Công ty Du lịch cho rằng, trong quá trình sử dụng mặt bằng, Phan Khang đã tự ý cho Công ty TNHH MTV Marc thuê lại mặt bằng để mở siêu thị Auchan bán thực phẩm mà chưa có sự đồng ý của Tổng Công ty Du lịch là vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Tổng Công ty Du lịch.
Tổng Công ty Du lịch đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Phan Khang chấm dứt việc cho Công ty TNHH MTV Marc thuê mặt bằng mở siêu thị Auchan. Ngày 22/02/2019, Tổng Công ty Du lịch đã gửi thông báo về việc chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng số 01 Hoàng Việt với Phan Khang và yêu cầu phải trả lại mặt bằng.
Tháng 04/2019, Tổng Công ty Du lịch đã có đơn khởi kiện Công ty Phan Khang đến TAND quận Tân Bình. Tổng Công ty Du lịch xác định Công ty Phan Khang vi phạm các hợp đồng thuê mặt bằng tại số 01 Hoàng Việt nên yêu cầu tòa án giải quyết tuyên Công ty Phan Khang đã vi phạm các hợp đồng và phụ lục hợp đồng cho thuê mặt bằng. Tổng Công ty Du lịch yêu cầu tòa tuyên đơn phương chấm dứt các hợp đồng thuê mặt bằng là đúng quy định của pháp luật.
Tổng Công ty Du lịch yêu cầu tòa buộc Công ty Phan Khang phải bàn giao lại toàn bộ diện tích mặt bằng số 01 Hoàng Việt theo thỏa thuận hợp đồng và buộc Công ty Phan Khang phải trả tiền thuê mặt bằng còn nợ, tiền phạt, tiền lãi chậm thanh toán hơn 56 tỷ đồng.
Một số vấn đề cần làm rõ
Trong quá trình tòa án đang thụ lý giải quyết, Công ty Phan Khang tiếp tục cho các doanh nghiệp khác thuê lại mặt bằng để làm siêu thị và trụ sở công ty. Sau đó, TAND quận Tân Bình đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn việc cho thuê mặt bằng diễn ra tại địa chỉ nói trên.
Tại phiên tòa, Công ty Phan Khang lập luận, có 2 pháp nhân mặc dù không giao kết Hợp đồng cho thuê đất nhưng lại nhận tiền thanh toán cho thuê đất mà Công ty Phan Khang đã thanh toán là Khách sạn Đệ Nhất đối với Hợp đồng thuê số 895, và Trường Trung cấp Du lịch - Khách Sạn Saigontourrist đối với hai Hợp đồng thuê số 895 và Hợp đồng thuê số 014.
Vì sao Khách sạn Đệ Nhất và Trường Trung cấp Du lịch - Khách Sạn Saigontourrist nhận tiền cho thuê đất thì tòa án chưa triệu tập đến lấy lời khai? Đối với các khoản nợ còn phải thu theo Hợp đồng thuê số 895 và Hợp đồng thuê số 014 thì Khách sạn Đệ Nhất và Trường Trung cấp Du lịch - Khách Sạn Saigontourrist có ý kiến gì không?
Trường hợp Công ty Phan Khang thanh toán tiền thuê đất cho Khách sạn Đệ Nhất và Trường Trung cấp Du lịch - Khách Sạn Saigontourrist là không đúng “Bên Cho thuê” thì Công ty Phan Khang có quyền thu hồi các khoản tiền đã thanh toán bằng cách buộc Khách sạn Đệ Nhất và Trường Trung cấp Du lịch - Khách Sạn Saigontourrist hoàn trả lại những khoản tiền đã nhận do không đúng thẩm quyền.
Do đó cần phải hoãn phiên toà để tòa án đưa Khách sạn Đệ Nhất và Trường Trung cấp Du lịch - Khách Sạn Saigontourrist tham gia tố tụng với tư cách là “Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” để làm rõ vai trò của Khách sạn Đệ Nhất và Trường Trung cấp Du lịch - Khách Sạn Saigontourrist đối với các khoản tiền đã thu của Công ty Phan Khang.
Trong một diễn biến có liên quan, nguyên đơn và bị đơn liên tục đưa ra các chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện và phản bác yêu cầu khởi kiện. Trong phần hỏi đáp, Hội đồng xét xử đã tạm ngừng phiên tòa để xem xét tài liệu, chứng cứ do các đương sự xuất trình tại tòa.
Theo 1 luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM phân tích, ngày 10/12/2001, UBND TP.HCM có Quyết định số 8291/QĐ-UB về việc cho Khách sạn Đệ Nhất thuộc Tổng Công ty Du lịch thuê để kinh doanh khách sạn nhà hàng đối với lô đất 2.575 m2 tại mặt bằng số 01 Hoàng Việt.Hợp đồng thuê đất số 7024/HĐTĐ-ĐKKTĐ ngày 28/10/2004 giữa Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM ký kết với Khách sạn Đệ Nhất về việc thuê đất tại Điều 1: Diện tích thuê đất là 2.575 m2 tại phường 4, quận Tân Bình để kinh doanh nhà hàng khách sạn.
Thực tế, Tổng Công ty Du lịch cho thuê lại không sử dụng đúng mục đích đất thuê là để kinh doanh khách sạn nhà hàng như Quyết định của UBND TP.HCM và Hợp đồng thuê đất đã ký với Sở Tài nguyên và Môi trường.
Việc cho thuê đất không đúng chức năng sử dụng đất là vi phạm khoản 2 và 3 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013. Những hành vi bị nghiêm cấm: “2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố. 3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích”.
Đó là dấu hiệu vi phạm vô hiệu của các Hợp đồng cho thuê đất của Tổng Công ty Du lịch và Công ty Phan Khang theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 tại Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội: “Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”.