Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 14/07/2023 15:49 (GMT+7)

“Truyền hình Đời sống & Luật pháp” thuộc cơ quan nào?

Vừa qua, một số chiến sĩ tuần tra giao thông thuộc lực lượng Công an thành phố Cần Thơ cho biết trên địa bàn xuất hiện một số xe ô tô biển số trắng (xe cá nhân) nhưng lại có in logo của báo, tạp chí,…

Mới đây là xe ô tô nhãn hiệu Suzuki 7 chỗ biển kiểm soát 69A-… dán hàng chữ lớn, in đậm, ghi là: “Tư vấn pháp luật Truyền hình Đời sống & Luật pháp”, kèm theo 2 số điện thoại di động. Nhiều người nhìn thoáng qua sẽ nghĩ ngay đó là xe của phóng viên, nhà báo nhưng xem kỹ lại nội dung thì không rõ có phải là xe truyền hình của cơ quan tạp chí, báo hay không.

truyen-hinh-doi-song-va-luat-phap-1-1689324262.jpg
Xe ô tô dán hàng chữ “Tư vấn pháp luật Truyền hình Đời sống & Luật pháp”.

Để hiểu rõ hoạt động của xe ô tô dán hàng chữ “Tư vấn pháp luật Truyền hình Đời sống & Luật pháp”, PV gọi vào 2 số điện thoại dán trên xe, điện thoại đổ chuông nhưng lại không có người nghe máy. Liên hệ với lãnh đạo phía Nam của cơ quan đại diện Tạp chí Đời sống và Pháp luật, PV được cho biết, Tạp chí không có chuyên trang hoặc kênh truyền hình nào là “Truyền hình Đời sống & Luật pháp”, PV của Tạp chí cũng không ai có 2 số điện thoại nêu trên.

Luật sư Trần Công Ly Tao- nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: “Việc xe ô tô sử dụng hàng chữ nói trên nhìn vào là biết ngay không phải xe của đài truyền hình, và bản thân tôi cũng chưa nghe nói đến báo hoặc tạp chí nào có tên gọi “Đời sống & Luật pháp”. Hành vi nói trên chắc chắn có mục đích, vì thế cơ quan chức năng cần có biện pháp làm rõ, xử lý theo quy định…”.

Đầu năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo lực lượng phối hợp để phát hiện, xác minh và xử lý hành vi sử dụng trái phép hoặc giả mạo phù hiệu của cơ quan báo chí dán trên phương tiện giao thông. Bởi vì hành vi này đã làm ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp của Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí.

Cùng chuyên mục

Tin mới