Ứng Hòa: Có đúng không khi dùng quỹ dự phòng để trả lương cho giáo viên hợp đồng?
Mặc dù có hợp đồng lao động với huyện để đứng lớp giảng dạy hàng chục năm nhưng hàng trăm giáo viên của huyện Ứng Hòa chỉ nhận được 1.050.000 đồng mỗi tháng từ nguồn quỹ dự phòng mà không hề được đóng BHXH, BHYT.
Theo phản ánh của một số giáo viên đại diện cho hàng trăm giáo viên hợp đồng của huyện Ứng Hòa, hàng chục năm nay, huyện đã ký hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm với hàng trăm giáo viên nhưng không hề đóng BHXH, BHYT cho các giáo viên được kí hợp đồng. Việc này gây bức xúc trong dư luận và hàng trăm giáo viên đứng trước nguy cơ mất việc và mất cơ hội được tuyển dụng đặc cách do không được đóng BHXH bắt buộc.
Phóng viên chúng tôi có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Văn Ban, Trưởng phòng nội vụ huyện. Trao đổi với phóng viên, ông Ban cho biết: Việc huyện kí hợp đồng với giáo viên mà không đóng BHXH là không đúng và có thiệt thòi cho các thầy cô giáo. Nhưng do không có kinh phí phân bổ ngân sách để trả lương cho các giáo viên hợp đồng mà huyện phải dùng nguồn kinh khí dự phòng để trả lương nên không có kinh phí để đóng BHXH.
Ông Ban cũng cho biết thêm, hiện trạng tổng số giáo viên hợp đồng của huyện là 242 giáo viên trong đó có 93 giáo viên tiểu học và 149 giáo viên trung học cơ sở; tình trạng về các giáo viên hợp đồng mà không được đóng BHXH, huyện đã có báo cáo lên thành phố và chờ ý kiến chỉ đạo để đảm bảo quyền lợi cho các thầy cô.
Được hỏi về giải pháp cho quyền lợi của những giáo viện hợp đồng, Trưởng phòng nội vụ huyện cho biết là rất đồng cảm với các thầy cô và đã có báo cáo lên thành phố về tình trạng này và đang chờ ý kiến chỉ đạo. Không biết báo cáo về tình trạng nhiều giáo viên không được đóng BHXH đã được gửi chưa? UBND Thành phố có biết việc này hay không? Đây đều là mong mỏi của tất cả các giáo viên hợp đồng huyện Ứng Hòa để làm sao UBND thành phố và các sở ngành liên quan nắm rõ và có giải pháp đảm bảo quyền lợi cho họ sau rất nhiều năm giảng dạy.
Trực tiếp trao đổi với một số cô giáo, phóng viên chúng tôi nhận được rất nhiều những ý kiến cả tâm tư, nguyện vọng... Tất cả đều mong muốn UBND thành phố Hà Nội, các sở ngành liên quan, có giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho họ để không bị thiệt thòi sau nhiều năm đứng lớp.
Cô giáo T.T cho biết, cô đã đi dạy được gần 9 năm với mức lương năm 2012 là 1.050.000 đồng mỗi tháng và cho đến hiện tại là 1.490.000 đồng mỗi tháng mà vẫn chưa hề được đóng BHXH. Nhưng vì yêu nghề, yêu công việc mà vẫn cố gắng bám trụ với đồng lương ít ỏi mong có ngày được tuyển vào viên chức.
Trường hợp của các giáo viện khác cũng không có gì hơn, cô giáo T.H trải lòng: "Chúng tôi đã quá vất vả với đồng lương ít ỏi để trang trải cuộc sống, đã thế lại bị phân biệt ở nhà trường giữa những giáo viên hợp đồng và những giáo viên đã vào viên chức, nhưng cũng vì yêu nghề mà vẫn hoàn thành tốt công việc và mong muốn sao có ngày được tuyển vào viên chức cho đỡ vất vả, thiệt thòi...".
Với hàng chục năm cố gắng tâm huyết bám trụ với nghề và hy vọng có ngày được tuyển dụng vào viên chức, nhưng chỉ vì UBND huyện Ứng Hòa kí hợp đồng lao động mà không thực hiện đúng luật lao động, luật bảo hiểm xã hội với hàng trăm giáo viên hợp đồng. Nếu vì việc này mà đẩy họ đứng trước nguy cơ mất việc và mất cơ hội được tuyển dụng đặc cách viên chức năm nay, thì trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp nào để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viến đã tâm huyết cống hiến hàng chục năm cho sự nghiệp giáo duc?
Thiết nghĩ, UBND thành phố Hà Nội cần sớm có biện pháp chỉ đạo để đảm bảo quyền lợi cho những giáo viên hợp đồng của huyện Ứng Hòa có được công việc giảng dạy ổn định.