Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Chủ nhật, 08/12/2019 02:43 (GMT+7)

Ứng Hòa (Hà Nội): Hàng trăm giáo viên hợp đồng không được đóng BHXH?

Mặc dù có hợp đồng lao động với UBND huyện Ứng Hoà để tham gia công việc đứng lớp giảng dạy nhưng nhiều giáo viên hợp đồng đã đứng lớp gần 10 năm vẫn không được đóng BHXH, BHYT.

Hàng trăm giáo viên không được xét tuyển đặc cách vì không có BHXH

Theo trình bày thì những giáo viên này đã có nhiều năm công tác, cống hiến cho các đơn vị trường học trên địa bàn. Có những giáo viên đã công tác liên tục suốt 5 năm, 7 năm và cũng có những giáo viên bước qua năm thứ 9 được ký hợp đồng với UBND huyện có thời hạn 01 năm, lương hơn 1 triệu đồng/tháng, không hề có bất kỳ chế độ đãi ngộ nào cũng như không được tham gia đóng BHXH, BHYT theo Bộ luật Lao động.

Trao đổi với PV, cô giáo N.T.H cho biết, cô là giáo viên hợp đồng từ đầu năm 2012 tại một trường Tiểu học trên địa bàn huyện nhưng cho đến nay vẫn không được đóng BHXH. Cô đã đi dạy được gần 9 năm với mức lương năm 2012 là: 1.050.000 đồng mỗi tháng và cho đến hiện tại là 1.490.000 đồng mỗi tháng. Nhưng vì yêu nghề, yêu công việc mà vẫn cố gắng bám trụ với đồng lương ít ỏi mong có ngày được tuyển vào viên chức.

Các quyết định tuyển dụng được UBND huyện Ứng Hòa kí trong nhiều năm

Trường hợp của các giáo viên khác cũng không có gì hơn, cô giáo L.T.M trải lòng: "Chúng tôi đã quá vất vả với đồng lương ít ỏi để trang trải cuộc sống, đã thế lại bị phân biệt ở nhà trường giữa những giáo viên hợp đồng và những giáo viên đã vào viên chức, nhưng cũng vì yêu nghề mà vẫn hoàn thành tốt công việc và mong muốn sao có ngày được tuyển vào viên chức cho đỡ vất vả, thiệt thòi...".

Việc kí hợp đồng giảng dạy với hàng trăm giáo viên hợp đồng của huyện Ứng Hòa hàng chục năm nay, nhưng không hề đóng BHXH, BHYT cho các giáo viên được kí hợp đồng. Việc này gây bức xúc trong dư luận và hàng trăm giáo viên đứng trước nguy cơ mất việc và mất cơ hội được tuyển dụng đặc cách do không được đóng BHXH bắt buộc. Qua trao đổi với một số thầy, cô giáo, phóng viên chúng tôi nhận được rất nhiều những ý kiến cả tâm tư, nguyện vọng... Tất cả đều mong muốn UBND thành phố Hà Nội, các sở ngành liên quan, có giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho họ để không bị thiệt thòi sau nhiều năm đứng lớp. Do đó, những giáo viên này băn khoăn không biết "số phận" họ sẽ ra sao, bởi nếu chiếu theo quy định giáo viên hợp đồng được đóng bảo hiểm xã hội mới thuộc diện xét tuyển đặc cách.

Lãnh đạo huyện Ứng Hoà "né" trách nhiệm?

Nhận được phản ánh của bạn đọc, phóng viên có liên hệ điện thoại trao đổi với ông Lê Hồng Hà, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa về việc có phản ánh hàng trăm giáo viên có hợp đồng hàng chục năm nay vẫn không được đóng BHXH thì được ông Chủ tịch huyện trả lời là huyện không kí hợp đồng với giáo viên nào. Khi phóng viên đưa bằng chứng về hợp đồng mà ông Lê Hồng Hà kí năm 2015 thì ông Hà lại cho biết là từ năm 2017 huyện không kí hợp đồng với giáo viên. Đến khi phóng viên gửi bản hợp đồng do chính ông Hà kí năm 2017 thì nhận được câu trả lời là từ năm 2018 huyện không kí hợp đồng với giáo viên. Phải chăng, vị Chủ tịch huyện cố tình không cho phóng viên biết hay ông không hề biết về hàng trăm giáo viên trong huyện không được đóng BHXH, BHYT bắt buộc trong nhiều năm giảng dạy.

Để được khách quan, phóng viên chúng tôi có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Văn Ban, Trưởng phòng Nội vụ huyện. Trao đổi với phóng viên, ông Ban cho biết: "Việc huyện kí hợp đồng với giáo viên mà không đóng BHXH là không được phù hợp cho lắm và có thiệt thòi cho các thầy cô giáo. Nhưng do không có kinh phí phân bổ ngân sách để trả lương cho các giáo viên hợp đồng mà huyện phải dùng nguồn kinh khí dự phòng để trả lương nên không có kinh phí để đóng BHXH". Ông Ban cũng cho biết thêm hiện nay tổng số giáo viên hợp đồng của huyện không được đóng BHXH là 242 giáo viên; trong đó có 93 giáo viên tiểu học và 149 giáo viên THCS; tình trạng về các giáo viên hợp đồng mà không được đóng BHXH,  huyện đã có báo cáo lên thành phố và chờ ý kiến chỉ đạo để đảm bảo quyền lợi cho các thầy cô.

Được hỏi về giải pháp cho quyền lợi của những giáo viên hợp đồng, ông Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết là rất đồng cảm với các thầy cô và đã có báo cáo lên thành phố về tình trạng này và đang chờ ý kiến chỉ đạo. Không biết báo cáo về tình trạng nhiều giáo viên không được đóng BHXH đã được gửi chưa? UBND thành phố có biết việc này hay không? Đây đều là mong mỏi của tất cả các giáo viên hợp đồng huyện Ứng Hòa để làm sao UBND thành phố và các sở ngành liên quan nắm rõ và có giải pháp đảm bảo quyền lợi cho họ sau rất nhiều năm giảng dạy.

Với hàng chục năm cố gắng tâm huyết bám trụ với nghề và hy vọng có ngày được tuyển dụng vào viên chức, nhưng chỉ vì UBND huyện Ứng Hòa kí hợp đồng lao động mà không thực hiện đúng luật lao động, luật bảo hiểm xã hội với hàng trăm giáo viên hợp đồng. Nếu vì việc này mà đẩy họ đứng trước nguy cơ mất việc và mất cơ hội được tuyển dụng đặc cách viên chức, thì trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp nào để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên đã tâm huyết cống hiến hàng chục năm cho sự nghiệp giáo dục. Thiết nghĩ, UBND thành phố cần sớm có biện pháp chỉ đạo để đảm bảo quyền lợi cho những giáo viên hợp đồng của huyện Ứng Hòa có được công việc giảng dạy ổn định trong năm nay.

Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục có bài phản ánh về những nguyện vọng của giáo viên cũng như phương án xử lý của các cơ quan chức năng.

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới