Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ bảy, 10/07/2021 11:15 (GMT+7)

Vén màn ‘bí mật’ nhóm Gobig: Lộ diện 'ông, bà trùm' và các thành viên

Thời gian qua, nhóm Gobig được báo chí “xướng tên” với hàng loạt những vi phạm nghiêm trọng trong sản xuất, quảng cáo và bán TPBVSK cho người tiêu dùng. Vậy các thành viên trong nhóm Gobig bao gồm những ai và ai mới là người chi phối, điều hành thật sự?

Lý giải cho các nghi vấn này, chúng tôi đã có những cuộc tìm hiểu dài ngày với hàng loạt các phát hiện bất ngờ...

Loạt các công ty, sản phẩm của nhóm Gobig bị công khai xử phạt

Hàng loạt các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) của nhóm Gobig có tên gọi na ná nhau, được phân phối tại nhiều công ty thành viên khác nhau. Ví dụ như đều là thực phẩm hỗ trợ sinh lý nam giới nhưng 2 sản phẩm Zawa Plus, ZAWA PLATINUM lại được phân phối bởi Công ty Cổ phần công nghệ GOG Việt Nam, còn sản phẩm Zawa lại do Công ty Cổ phần dược phẩm Locifa công bố và phân phối.

Liên quan tới các sản phẩm của nhóm này, mới đây, sản phẩm TPBVSK Gen S Plus (hỗ trợ xương khớp) của Công ty GOG Việt Nam đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) “tuýt còi” do dính sai phạm.

Cụ thể, ngày 01/06/2021, thực phẩm Gen S Plus bị tước giấy tiếp nhận công bố sản phẩm 11 tháng và phải thu hồi toàn bộ số lô vi phạm đã tung ra thị trường trong vòng 10 ngày kể từ ngày 01/06/2021 (ngày ký quyết định).

Bên cạnh đó, hàng loạt các sản phẩm khác của nhóm này cũng bị xử phạt, rút giấy phép lưu hành, giấy phép quảng cáo, giấy phép sản xuất như:

tm-img-alt
Quyết định số 18/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đối với Công ty cổ phần nghiên cứu và phát triển dược phẩm Genphar do bà Nguyễn Thị Nhung làm Tổng Giám đốc.

Thu hồi Giấy phép sản xuất Công ty cổ phần nghiên cứu và phát triển dược phẩm Genphar do mắc các sai phạm nghiêm trọng;

Phạt vi phạm hành chính Công ty Cổ phần nghiên cứu và phát triển dược phẩm Genphar 70.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm  11 tháng kể từ ngày quyết định này có hiệu lực thi hành đối với Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 1505/2020/ĐKSP ngày 28/02/2020 do Cục An toàn thực phẩm cấp cho TPBVSK Ích khớp đan và Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 4025/2020/ĐKSP ngày 07/5/2020 do Cục An toàn thực phẩm cấp cho TPBVSK Gen S Plus. 

Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm buộc Công ty Cổ phần nghiên cứu và phát triển dược phẩm Genphar thu hồi các sản phẩm thực phẩm vi phạm trên trong thời 10 ngày kể từ ngày 01/06 (ngày ký quyết định).

Xử phạt Công ty cổ phần công nghệ cao GOB Quốc tế 150 triệu đồng về 03 hành vi vi phạm: Quảng cáo các sản phẩm TPBVSK GEN X GOLD, Gen S, GEN X PLUS, GEN X SILVER gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm TPBVSK GEN X GOLD; Quảng cáo sản phẩm TPBVSK GEN X GOLD có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Rút toàn bộ giấy phép sản phẩm TPBVSK ZAWA; phạt Công ty Cổ phần dược phẩm Lofica 162 triệu đồng về 04 hành vi vi phạm: Quảng cáo các sản phẩm TPBVSK Zawa và GMDIET gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm TPBVSK Zawa; Quảng cáo các sản phẩm TPBVSK Zawa và GMDIET có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; Lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa...

Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, mặc dù sản phẩm Zawa của Công ty Locifa bị thu hồi toàn bộ giấy phép (tức không được phép lưu hành sản phẩm trên thị trường) nhưng bên trong gian hàng điện tử Lazada có tên “lazada.vn/products/zawa-plus kèm ảnh nhận diện là sản phẩm Zawa Plus do Công ty GOG Việt Nam công bố và phân phối lại xuất hiện rất nhiều hình ảnh sản phẩm Zawa của Công ty Locifa có đính kèm giá bán.

tm-img-alt
Bên trong gian hàng điện tử Lazada.vn/products/zawa-plus lại xuất hiện sản phẩm Zawa của Công ty Locifa – sản phẩm đã bị thu hồi toàn bộ giấy phép.

Đáng nói, tại mục thông tin công ty của gian hàng này còn ghi rõ tên sản phẩm là Tăng cường sinh lý Zawa; thương hiệu Locifa; nhà sản xuất là Công ty cổ phần dược phẩm Syntech; đơn vị phân phối: Công ty cổ phần dược phẩm Locifa; SĐK: 1216/2020/XNQC-ATTP. Và số đăng ký 1216/2020/XNQC-ATTP lại chính là số Giấy xác nhận quảng cáo được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp cho sản phẩm Zawa (vừa bị thu hồi trong tháng 6) chứ không phải của sản phẩm Zawa Plus.

Trước sự “nhập nhèm” này, cần lắm sự vào cuộc của các cơ quan quản lý có liên quan để làm rõ, xử lý việc đăng bán sản phẩm TPBVSK vi phạm, đã bị rút giấy phép, nhằm đảm bảo an toàn về sức khỏe cũng như tài chính cho người tiêu dùng.

Lộ diện “ông, bà trùm” của nhóm Gobig

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, Công ty cổ phần công nghệ GOG Việt Nam được thành lập ngày 02/08/2019 do ông Vũ Văn Tứ sinh năm 1994, quê Nam Định làm Giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật.

Công ty này có địa chỉ tại số 14 phố Nam Đồng, phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội. Vốn điều lệ là 3.000.000.000 đồng với 5 cổ đông lần lượt là: Vũ Văn Tứ (Giám đốc) chiếm 15% cổ phần, Trần Tiến Sơn xấp xỉ 12,8% cổ phẩn, Nguyễn Đình Hảo trên 4,2%. Giữ cổ phần cao nhất tại công ty  này là 2 vợ chồng ông Nguyễn Đình Dương và bà Nguyễn Thị Nhung với 68% cổ phẩn (tức mỗi người nắm giữ 34%). Ngành nghề hoạt động chính là bán buôn thực phẩm (kinh doanh thực phẩm chức năng).

tm-img-alt
Một số thành viên của nhóm Gobig: Nguyễn Đình Dương, Nguyễn Đình Hảo, Trần Tiến Sơn, Vũ Văn Tứ, Nguyễn Hữu Hùng (tính từ phải qua trái).

Còn tại Công ty Locifa với số vốn điều lệ là 1.000.000.000 đồng, mặc dù là Giám đốc công ty nhưng ông Nguyễn Bách Phong cũng chỉ nắm trong tay 10% cổ phần. Bằng số cổ phần với ông Phong là ông Võ Việt Đức (10%) và ông Đoàn Minh Hiếu với 30%, riêng ông Nguyễn Đình Dương là người sở hữu số cổ phần nhiều nhất với 50% cổ phần. Công ty Locifa cũng có ngành nghề hoạt động chính là bán buôn thực phẩm chức năng.

Tiếp đến là Công ty cổ phần công nghệ cao GOB quốc tế có vốn điều lệ là 3.000.000.000 đồng với 3 cổ đông sáng lập lần lượt là: Ngưởi sở hữu nhiều cổ phần nhất vẫn là ông Nguyễn Đình Dương với 45% cổ phần, thứ hai là bà Nguyễn Thị Nhung (vợ ông Dương) với 40% cổ phần và cuối cùng là ông Trần Tiến Sơn 15% cổ phần.

Chưa hết, cũng theo tìm hiểu của PV, ngoài là cổ đông của Công ty GOG Việt Nam, Công ty GOB quốc tế, bà Nhung (Nguyễn Thị Nhung) còn làm Tổng Giám đốc đồng thời là đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần nghiên cứu và phát triển dược phẩm Genphar với 37% cổ phần (số cổ phần cao nhất công ty), đứng thứ 2 sau bà Nhung là ông Nguyễn Đình Dương (chồng bà Nhung) với 30% cổ phần, ông Nguyễn Văn Đạt (người thân bà Nhung) 29,5% cổ phần và cổ đông cuối cùng là ông Nguyễn Hữu Hùng với 3,5%. Được biết Công ty Genphar có số vốn điều lệ là 60 tỷ đồng, chuyên sản xuất, gia công các loại sản phẩm TPBVSK...

Như vậy, trong các công ty sản xuất, phân phối sản phẩm TPBVSK “chủ lực” của nhóm Gobig kể trên thì cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Đình Dương và Nguyễn Thị Nhung đều nắm cổ phần lớn nhất và chi phối, chính là “ông, bà trùm” của nhóm Gobig.

tm-img-alt
“Ông, bà trùm” của nhóm Gobig Nguyễn Đình Dương và Nguyễn Thị Nhung trong một lần quảng cáo cho sản phẩm TPBVSK.

Các “bí mật” phía sau ký hiệu nhóm Gobig như: Nhóm Gobig có bao nhiêu công ty thành viên, đã phân phối bao nhiêu sản phẩm ra thị trường? Hay những “chiêu trò” từ hoạt động sản xuất đến kinh doanh buôn bán TPCN, TPBVSK của nhóm này ra sao?... Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ hơn vào các kỳ tiếp theo.

Cùng chuyên mục

Từ 15/4, Hà Nội sẽ kiểm tra an toàn thực phẩm toàn thành phố
Hà Nội thành lập 4 Đoàn kiểm tra liên ngành công tác An toàn thực phẩm có nhiệm vụ kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 tại 30 quận, huyện, thị xã.
Những thông tin cơ bản để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
Dữ liệu truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bao gồm tối thiểu các thông tin như:  Tên sản phẩm, hàng hóa; Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh...

Tin mới