Vì sao bỏ đề xuất thay đổi phân hạng giấy phép lái xe?
Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông mới nhất, cơ quan soạn thảo (Bộ Công an) đã đề xuất không phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe mà chỉ quy định nguyên tắc phân hạng GPLX.
Cụ thể, theo Bộ Công an, quy định như trên nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Trước đó, tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (lần hai), Bộ đề xuất phân hạng GPLX mới. Theo đó, đề xuất bỏ GPLX hạng A1, A4, B1, B2, E, FE, FC như Luật Giao thông đường bộ hiện hành, thay vào đó sẽ là các hạng A, A3, B, C1, C.
Cũng theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông mới nhất, giấy phép lái xe được cấp cho người điều khiển xe môtô, xe ôtô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, phương tiện giao thông thông minh tham gia giao thông đường bộ.
Người khuyết tật điều khiển xe môtô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe môtô; người khuyết tật điều khiển xe ôtô có cơ cấu điều khiển phù hợp với tình trạng khuyết tật được cấp giấy phép lái xe ôtô.
Về thời hạn giấy phép lái xe, dự thảo Luật quy định, giấy phép lái xe môtô không thời hạn.
Giấy phép lái xe ôtô, máy kéo, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, phương tiện giao thông thông minh có thời hạn.
Trường hợp xe được thiết kế, cải tạo số chỗ ít hơn xe cùng kiểu loại, kích thước giới hạn tương đương thì hạng giấy phép lái xe được tính theo xe cùng kiểu loại, kích thước giới hạn tương đương.
Giấy phép lái xe có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, gồm: Giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; giấy phép lái xe quốc tế và giấy phép lái xe quốc gia phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia là thành viên của Công ước Viên cấp đối với người nước ngoài; giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển của nước hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký cam kết công nhận giấy phép lái xe của nhau; giấy phép lái xe nước ngoài phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia được công nhận theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Giấy phép lái xe quốc tế là giấy phép lái xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước Viên cấp theo một mẫu thống nhất; có thời hạn không quá 3 năm kể từ ngày cấp và phải phù hợp với thời hạn còn hiệu lực của giấy phép lái xe quốc gia.
Người có giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước Viên cấp khi lái xe tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo giấy phép lái xe quốc tế và giấy phép lái xe quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển, còn thời hạn sử dụng; phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của Việt Nam.
Như vậy, so với dự thảo Luật lần 2, dự thảo Luật mới nhất không phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe, chỉ quy định nguyên tắc phân hạng giấy phép lái xe để bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Chính phủ quy định chi tiết về hạng giấy phép lái xe, thời hạn giấy phép lái xe. Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chi tiết hình thức của giấy phép lái xe và giấy phép lái xe quốc tế; quy định trình tự thủ tục cấp và sử dụng giấy phép lái xe và giấy phép lái xe quốc tế.