Vĩnh Long: Chứng cứ cụ thể và rõ ràng, nhưng vụ việc hơn 30 vẫn vướng mắc?!
Khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 1987, giao kèo (có xã phường chứng kiến) rất rõ ràng nhưng từ năm 1988, khi tỉnh và thị xã - nay là TP. Vĩnh Long - can thiệp giải quyết, đến nay đã hơn 30 năm vụ việc vẫn “vướng mắc”,... Vì sao?
Khi đi sâu nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu vụ việc tranh chấp về mảnh đất 1.080m2 tọa lạc tại số 73 đường Phó Cơ Điều, phường 3, TP. Vĩnh Long, chúng tôi khó thuyết phục về niềm tin đối với cách hành xử của các cơ quan công quyền ở Vĩnh Long hơn 30 năm qua.
Bởi lẽ, theo “Giấy nhượng đất huê lợi” lập ngày 7/4/1987 của ông Thạch Hai (bên chuyển nhượng) và ông Hồ Văn Danh (bên nhận chuyển nhượng), ở phần phụ chú đã ghi: “Miếng đất anh Danh mua của tôi nằm phía sau nhà tôi, không có đường đi nên tôi đồng ý cho anh Danh đi đường bên hông nhà tôi từ ngoài lộ vào nhà anh Danh”. Ở phần sơ đồ, “Giấy nhượng đất huê lợi” mô tả tứ cận giáp ranh cũng rất cụ thể, rõ ràng.
Tuy nhiên, “khi bộ phận chuyên môn thuộc Phòng Nông nghiệp thị xã Vĩnh Long (nay là Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Vĩnh Long) tiến hành đo đạc (đã) nhập phần đường đi (là đất ông Thạch Hai cho ông Danh mượn là đường đi-PV) vào phần đất chuyển nhượng từ ông Thạch Hai sang ông Danh, nên đến ngày 1/6/1988, UBND thị xã Vĩnh Long ban hành Công văn chấp thuận số 236/CT.UBTX thống nhất cho ông Thạch Hai chuyển nhượng thành quả lao động và quyền sử dụng đất diện tích là 1.150m2 (có cả phần đất làm lối đi do ông Thạch Hai cho đi nhờ), loại đất Thổ quả” – Quyết định số 1525/QĐ.UBND ngày 24/8/2015 do Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long Phan Anh Vũ (ký), đã chỉ rõ sai sót và nguyên nhân sâu xa của sự vướng mắc kéo dài.
Quyết định 1525 vừa nêu còn tiếp tục chỉ ra sai sót của UBND phường 3 và UBND thị xã Vĩnh Long: “Hộ gia đình ông Danh sử dụng đến năm 1992 thì chuyển nhượng lại cho ông Đỗ Xuân Hiền. Theo “Tờ nhượng quyền sử đất” được UBND phường 3 xác nhận ngày 19/3/1992, kích thước: ngang 22,5m và 21,6m x dài 52m và 56,3m (phần đất phía trong) và 5,65m x 19,7 và 20m (phần đất tiếp giáp Quốc lộ 53) được UBND thị xã Vĩnh Long chấp thuận số 206/CT.UBTX ngày 13/4/1992, thuộc thửa 1314, loại đất Quả, diện tích là 1.300m2.
Theo đo đạc chương trình Đất của tỉnh, ông Hiền kê khai 2 thửa: Thửa 1463, diện tích 1.150m2, loại đất Quả và thửa 1465, diện tích 114m2, loại đất Quả. Tổng diện tích là 1.264m2. Thực hiện đo đạc theo Nghị định số 60/NĐ-CP của Chính phủ, hộ ông Hiền kê khai đăng ký quyền sử dụng gồm 2 thửa với tổng diện tích là 1.262,7m2.
Năm 2009, đường Phó Cơ Điều mở rộng, giải tỏa 6m2 phần đất tiếp giáp lộ của ông Thạch Hai cho ông Danh mượn làm lối đi. Hiện tại, hộ ông Đỗ Xuân Hiền đang sử dụng 1.256,7m2 đất, gồm 02 “giấy đỏ”, trong đó một giấy đỏ là phần đất được mượn từ năm 1987 của ông Thạch Hai.
“Nhọc nhằn” do đâu ?
Từ 1.080m2 đất giao dịch ban đầu, qua thời gian đã “nhảy múa” thành nhiều diện tích khác nhau. Trách nhiệm trước hết thuộc về vai trò quản lý nhà nước về đất đai của UBND phường 3, UBND thị xã, nay là thành phố Vĩnh Long và các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long. Để xảy ra những sơ suất, sai sót, laị thiếu sâu sát kiểm tra và xử lý kịp thời do chính sự chủ quan, tùy diện và tắc trách của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp… rất đáng tiếc, gây nên tốn kém nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, giấy mực (văn bản, quyết định) của Nhà nước.
Tiếp đó, phải kể đến việc giao dịch chuyển nhượng không rõ ràng giữa ông Danh và ông Hiền và sự “thỏa hiệp” của UBND thị xã Vĩnh Long đi đến “chấp thuận” và “biếu không” 150m2 cho ông Hiền, để rồi năm 2008, phải thu hồi chấp thuận 206/CT.UBTX.92 có nội dung tự làm khó mình. Đáng chê trách hơn là trường hợp ông Hiền, kê khai không trung thực về phần đất mượn làm đường đi khiến UBND thị xã bị “lèo lái” làm sai lạc bản chất thật của tình trạng sở hữu đất. Và “trớ trêu” thay, UBND thị xã Vĩnh Long còn bị ông Đỗ Xuân Hiền khiếu nại vì việc cấp “giấy đỏ” L665630 (năm 2005) cho phép ông ta chuyển mục đích sử dụng 61,9m2 đất vườn - thực chất đây là đất mượn của ông Thạch Hai làm đường đi - sang đất thổ cư. Việc làm sai, không căn cứ chứng cứ gốc và bản chất của giao dịch đất khiến thị xã Vĩnh Long nhiều lần bị khiếu nại bởi chính người được mình “giúp” hợp thức hóa việc lấn đất sai trái.
Mãi đến tháng 10/2010, UBND thành phố Vĩnh Long (quyết định 3415/QĐ-UBND) mới nhận thấy sự sai trái của ông Đỗ Xuân Hiền và bác bỏ quyết liệt những khiếu nại vô lý của ông này. Tại quyết định 3415/QĐ-UBND ngày 7/10/2010, UBND thành phố Vĩnh Long chỉ “Công nhận quyền sử dụng đất cho ông Đỗ Xuân Hiền theo “Giấy nhượng đất huê lợi” ngày 13/4/1987 (do ông Thạch Hai lập-PV), có kích thước rộng 20m, dài 54m được UBND phường 3 chứng thực cho ông Hai sang nhượng huê lợi cho ông Danh, được sử dụng phần đất trên”.
Đến lượt mình, UBND tỉnh Vĩnh Long, ngày 13/10/2011 đã ban hành quyết định 1931/QĐ-UBND với ngụ ý “chữa cháy” cho những việc “dĩ lỡ” của UBND thành phố Vĩnh Long trong giải quyết khiếu nại, cấp “giấy đỏ” và ban hành những văn bản “hớ”. Dù chỉ ra cái sai của cấp dưới: “Diện tích ghi tại Chấp nhận số 206/CT.UBTX.92, ngày 13/4/1992 tăng lên 150m2 (1.300m2/1.150m2) so với diện tích trong Chấp thuận 236/CT.UBTX.88, ngày 1/6/1988 của UBND thị xã Vĩnh Long (giữa ông Thạch Hai chuyển nhượng cho ông Danh)”.
Nhưng liền đó lại: “Giao UBND thành phố Vĩnh Long chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định diện tích 1.150m2 (trong đó có phần đất thuộc thửa số 67, tờ bản đồ số 18, diện tích 72,5m2 – tư liệu 60/CP do UBND thị xã Vĩnh Long cấp đổi GCN.QSDĐ cho ông Đỗ Xuân Hiền ngày 19/1/2009) theo quy định pháp luật. Đồng thời, tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm đối với bộ phận đo đạc thực hiện việc chấp thuận 206/CT.UBTX.92 trước đây”.
Các quyết định giải quyết khiếu nại của 2 cấp chính quyền (thành phố và tỉnh Vĩnh Long) dù chưa giải quyết “ngang bằng, sổ thẳng”, đúng bản chất giao dịch chuyển nhượng gốc nhưng ông Hiền với quyết tâm “biến đất của người khác thành đất của mình” nên đã kiện ra tòa án đòi hủy bỏ cả 2 quyết định của UBND thành phố và tỉnh Vĩnh Long…
(còn tiếp)