Vụ Thanh Hằng tố cáo Hoàng Thuỳ: Luật sư lên tiếng
"Theo đơn tố cáo của Thanh Hằng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ vào cuộc để điều tra, xác minh về các hành vi của Hoàng Thùy vừa qua để xác định được mức độ vi phạm để có thể đưa ra mức xử lý phù hợp", luật sư nói.
Liên quan đến vụ việc Thanh Hằng tố cáo Hoàng Thùy lên sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình cho biết, theo đơn tố cáo của Thanh Hằng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ vào cuộc để điều tra, xác minh về các hành vi của Hoàng Thùy vừa qua để xác định được mức độ vi phạm để có thể đưa ra mức xử lý phù hợp. Tùy theo mức độ vi phạm, người vi phạm có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Nếu xác định được hành vi đăng tải thông tin trên các trang mạng xã hội của Hoàng Thùy là sai sự thật, bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP), Hoàng Thùy có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”", luật sư Hùng cho biết.
Cũng theo luật sư Hùng, trường hợp có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, Hoàng Thùy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội Vu khống, tội Làm nhục người khác hoặc tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Ngoài ra, tùy tính chất hành vi, hậu quả nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại về vật chất và tinh thần, Hoàng Thuỳ còn phải bồi thường về mặt dân sự theo Quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, cụ thể:
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
"Theo đó, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định", luật sư Hùng nói.