Vụ Thượng tọa Thích Nhật Từ bị kiện: Góc nhìn của người nguyên là Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh
Trong xã hội hiện đại, khởi kiện để giải quyết quan hệ pháp luật dân sự là xử sự văn minh, còn tố cáo ra công an để hình sự hóa vấn đề dân sự mới đáng phê phán.
Bà Phạm Thị Yến - Phật tử chùa Ba Vàng kiện ông Trần Ngọc Thảo (Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam).
Bà Yến kiện ông Thảo với lý do ông Thảo phát ngôn sai sự thật trên mạng xã hội, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà Yến. Cụ thể, ngày 27/3/2020, ông Thảo phát ngôn: “Vào ngày 26/3/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh chính thức phạt bà Phạm Thị Yến 5 triệu đồng về tội truyền bá mê tín…”; “Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấm bà ấy (Phạm Thị Yến), không được quyền tạm trú trên toàn tỉnh Quảng Ninh…”.
Trong đơn khởi kiện, bà Yến đưa ra 5 yêu cầu: bác bỏ thông tin, gỡ bỏ thông tin, cải chính công khai, xin lỗi và bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, ngày 20/9/2022, TAND Quận 10 TP. Hồ Chí Minh đã ra Bản án sơ thẩm số 334/2022/DS không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà Yến. Không đồng tình với Bản án sơ thẩm, bà Yến đã kháng cáo phúc thẩm. Ngày 26/12/2022, TAND TP. Hồ Chí Minh tiến hành xét xử phúc thẩm nhưng chưa ra bản án, mà tạm ngừng phiên tòa để bổ sung chứng cứ.
Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà Yến với lý do: ông Thảo “phát ngôn chưa chính xác một số từ”; “chỉ là sự nhầm lẫn tên các cơ quan Nhà nước”; “nói nhầm về địa danh”; “việc ông Thảo nói chưa chính xác một số từ liên quan đến bà Yến là vô ý, ông Thảo không chủ ý xúc phạm, bôi nhọ bà Yến”; “Ông Thảo đưa thông tin về bà Yến lấy nguồn từ các bài báo đã đưa tin công khai” (trang 13, 14 Bản án sơ thẩm).
Điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định: Nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi “Thông tin sai sự thật… xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của… cá nhân khác”. Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015, “cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín” có quyền yêu cầu bác bỏ thông tin, gỡ bỏ thông tin, cải chính công khai, xin lỗi và bồi thường thiệt hại.
Theo những quy định trên, Tòa án phải làm sáng tỏ 2 vấn đề cần và đủ sau đây:
Thứ nhất, có hay không hành vi đưa thông tin trên mạng xã hội, thông tin đó đúng hay sai sự thật?
Pháp luật đòi hỏi Tòa án phải đánh giá thông tin đúng hay sai sự thật, chứ không phải là thông tin chính xác hay không chính xác, nhầm lẫn hay không nhầm lẫn.
Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, ông Thảo đã thừa nhận có hành vi phát ngôn trên mạng xã hội như bà Yến khởi kiện và sẵn sàng cải chính bằng cách nói lại cho đúng những gì báo chí đã đưa tin về bà Yến trước đây (trang 9, 14 Bản án sơ thẩm). Lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm phải đánh giá thông tin nói trên là sai sự thật thì lại sử dụng những thuật ngữ hoàn toàn không có tính pháp lý như “chưa chính xác”, “nhầm lẫn”.
Tòa án cấp sơ thẩm khẳng định: “Ông Thảo đưa thông tin về bà Yến lấy nguồn từ các bài báo đã đưa tin công khai” nhưng hoàn toàn không viện dẫn được báo nào đưa tin bà Yến bị phạt về “tội truyền bá mê tín” và bị “cấm tạm trú trên toàn tỉnh Quảng Ninh”. Giả sử, có báo đưa tin như vậy thì đó cũng không phải là sự thật nên không có giá trị chứng minh. Vì vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm sử dụng báo chí làm chứng cứ để đánh giá nội dung thông tin của ông Thảo (từ trang 10 đến 12 Bản án sơ thẩm) là không đúng.
Để xác định sự thật khách quan của vụ án, cần căn cứ vào 3 loại chứng cứ sau:
Một là: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 01/QĐ-XPVPHC ngày 26/3/2019 của Chủ tịch UBND phường Quang Trung. Quyết định này để chứng minh bà Yến không bị phạt về “tội truyền bá mê tín” như ông Thảo đưa tin. Quyết định này Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập được.
Hai là: Thông báo của Công an TP. Uông Bí không cho bà Yến tạm trú tại chùa Ba Vàng. Thông báo này để chứng minh bà Yến không bị “cấm tạm trú trên toàn tỉnh Quảng Ninh” như ông Thảo đưa tin. Tuy nhiên, bà Yến và Văn phòng chùa Ba Vàng cho biết chưa bao giờ nhận được Thông báo nói trên. Nếu trong thực tiễn không tồn tại Thông báo này thì phát ngôn của ông Thảo về việc bà Yến bị cấm tạm trú dù ở phạm vi chùa Ba Vàng hay toàn tỉnh Quảng Ninh cũng là sai sự thật.
Ba là: Quyết định thu hồi quyết định xử phạt hành chính số 28/QĐ-TH ngày 13/5/2022 của Chủ tịch UBND phường Quang Trung. Quyết định này để chứng minh bà Yến là công dân bình thường trong xã hội, không bị xử phạt hành chính, không chịu bất kỳ chế tài pháp luật nào nên không thể cải chính thông tin bằng cách để ông Thảo nói lại cho đúng những gì báo chí đã đưa tin về bà Yến trước đây. Nếu để ông Thảo cải chính thông tin như vậy thì một lần nữa lại xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà Yến.
Hiện tại, các đương sự chưa giao nộp, cung cấp cho Tòa án chứng cứ số 2 và số 3. Trường hợp các đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập.
Thứ hai, thông tin có hậu quả xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân hay không?
Hành vi thông tin sai sự thật của ông Thảo rằng bà Yến bị phạt về “tội truyền bá mê tín” và bị “cấm tạm trú trên toàn tỉnh Quảng Ninh” có hậu quả xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm uy tín của bà Yến vì nội dung thông tin của ông Thảo làm xấu hơn, trầm trọng hơn, bất lợi hơn tình trạng thông tin đã tồn tại đối với bà Yến – tình trạng thông tin mà bà Yến vốn đã không chấp nhận và đã phải khởi kiện nhiều vụ án để bác bỏ, như:
Ngày 26/12/2019, bà Yến khởi kiện một cơ quan báo chí vì đã đưa tin sai sự thật rằng “Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người đã tin vào những lời thỉnh vong của bà Yến để đối tượng này trục lợi hàng trăm tỷ đồng”, khiến báo này phải ra công văn thừa nhận sai phạm, mong bà Yến thông cảm và rút đơn khởi kiện.
Ngày 16/3/2020, bà Yến khởi kiện Chủ tịch UBND phường Quang Trung, Chủ tịch phường này đã ra Quyết định số 28/QĐ-TH ngày 13/5/2022 thu hồi toàn bộ Quyết định xử phạt hành chính đối với bà Yến.
Pháp luật chỉ đòi hỏi Tòa án làm sáng tỏ mặt khách quan, chứ không đòi hỏi xác định mặt chủ quan của hành vi. Nói cách khác, chỉ cần chứng minh ông Thảo có hành vi thông tin sai sự thật, thông tin đó có hậu quả xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà Yến là thỏa mãn tính vi phạm pháp luật của hành vi của ông Thảo, không phụ thuộc về mặt chủ quan, ông Thảo có lỗi cố ý hay lỗi vô ý. Vì vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá mặt chủ quan của hành vi và đưa ra nhận định “việc ông Thảo nói chưa chính xác một số từ liên quan đến bà Yến là vô ý, ông Thảo không chủ ý xúc phạm, bôi nhọ bà Yến” là không đúng pháp luật.
Từ những phân tích trên cho thấy, Tòa án cấp phúc thẩm có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Yến.
Vũ Thị Nguyệt
(Nguyên Thẩm phán TAND TP Hải Phòng)