Bàn về quy định khiển trách đối với người chưa thành niên phạm tội

Biện pháp khiển trách là một trong những biện pháp xử lý chuyển hướng được quy định tại Luật Tư pháp người chưa thành niên, sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 01/01/2026. Khiển trách được áp dụng nhằm mục đích giúp người chưa thành niên phạm tội nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội, thể hiện rõ tính chất giáo dục chứ không đề cao tính chất trừng trị như hình phạt. Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định rất cụ thể về điều kiện, phạm vi áp dụng, trình tự thủ tục và nghĩa vụ của người bị khiển trách, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần nghiên cứu.

1. Điểm mới của Luật Tư pháp người chưa thành niên về áp dụng biện pháp khiển trách

1.1. Về đối tượng áp dụng

Hiện nay, quy định về biện pháp khiển trách tại Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) vẫn có hiệu lực pháp luật. Tại đây quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Thay vào đó sẽ áp dụng biện pháp khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội để họ sửa chữa sai lầm, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này; Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2026, Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ có hiệu lực pháp luật, trong đó toàn bộ quy định về áp dụng biện pháp khiển trách đối với người dưới 18 tuổi của BLHS, BLTTHS đều bị bãi bỏ, thay vào đó việc áp dụng biện pháp khiển trách được thưc hiện theo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Theo Luật này, khiển trách là một biện pháp xử lý chuyển hướng, nội dung là việc phê bình nghiêm khắc đối với người chưa thành niên phạm tội, trong đó giải thích về thiệt hại mà người chưa thành niên đã gây ra và hậu quả nếu tiếp tục vi phạm.

khien-trach-nguoi-chua-thanh-nien-1753545844.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Về đối tượng áp dụng, Luật Tư pháp người chưa thành niên có thay đổi đáng kể. Theo đó, khoản 2 Điều 40 Luật này quy định khiển trách được áp dụng với người chưa thành niên là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng. Như vậy, so với quy định hiện hành, Luật Tư pháp người chưa thành niên đã mở rộng đối tượng được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng khiển trách là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng do vô ý là tất cả các trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng (tất cả các tội phạm và không nhất thiết phải phạm tội lần đầu). Quy định này là phù hợp với xu hướng chung trong chính sách pháp luật đối với người chưa thành niên, đó là việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

1.2. Về điều kiện áp dụng

Tại Điều 39 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định nhiều thay đổi so với hiện nay. Trước tiên, tất cả các quy định tại các Điều 37, 38, 39, 40 Luật này đều sử dụng thuật ngữ “có thể áp dụng”, có nghĩa nếu người chưa thành niên phạm tội đáp ứng tất cả các điều kiện, thì việc xem xét quyết định có áp dụng hay không vẫn thuộc quyền của cơ quan tiến hành tố tụng mà không còn tính chất “bắt buộc áp dụng” như quy định của BLHS hiện nay. Thứ hai, Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng đã khắc phục bất cập của pháp luật hiện hành về sự đồng ý của người phạm tội, người đại diện của họ. Nếu như BLHS quy định việc áp dụng biện pháp khiển trách phải có sự đồng ý của người dưới 18 tuổi phạm tội và người đại diện của họ thì khoản 3 Điều 39 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định điều kiện phải có khi áp dụng biện pháp khiển trách là “người chưa thành niên đồng ý bằng văn bản về việc xử lý chuyển hướng”. Như vậy, ý chí của người đại diện sẽ không còn là điều kiện cần xem xét khi áp dụng biện pháp này, mà bắt buộc phải có ý chí đồng ý bằng văn bản của chính người phạm tội. Đây là quy định rất phù hợp, giải quyết trường hợp một trong hai người (người phạm tội và người đại diện) đồng ý hoặc không đồng ý, góp phần lớn vào việc bảo đảm hiệu quả giáo dục, cải tạo khi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng khiển trách.

1.3. Về thẩm quyền áp dụng

Theo quy định hiện hành, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử là các chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp khiển trách. Tại giai đoạn xét xử vụ án hình sự, trình tự thủ tục được quy định rất cụ thể, Chánh án là người ký thông báo thụ lý hồ sơ, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý, Chánh án phân công Thẩm phán phụ trách hồ sơ đó. Từ khi được phân công Thẩm phán đến khi thành lập Hội đồng xét xử là khoảng thời gian tương đối dài, có trường hợp gia hạn, kéo dài. Trong khi Chánh án là người có thẩm quyền tổ chức việc xét xử, Thẩm phán phụ trách nghiên cứu hồ sơ lại không được quy định cho thẩm quyền áp dụng biện pháp khiển trách. Điều này chưa phù hợp ở hai vấn đề, thứ nhất là chưa tương xứng với các giai đoạn tố tụng trước đó khi Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát được quyền áp dụng thì Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán - chủ tọa lại không có quyền này; thứ hai là không đảm bảo yêu cầu về tính kịp thời, nhanh chóng đưa người dưới 18 tuổi ra khỏi quy trình truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật Tư pháp người chưa thành niên đã bổ sung thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cho Thẩm phán tại khoản 2 Điều 52. Quy định này là phù hợp, giúp khắc phục hạn chế nêu trên. Mặc dù Chánh án, Phó Chánh án chưa được trao quyền này nhưng việc bổ sung Thẩm phán của Luật Tư pháp người chưa thành niên vẫn được đánh giá là tiến bộ và đã giải quyết được bất cập. Bởi lẽ sau khi thụ lý, Chánh án phải phân công Thẩm phán giải quyết vụ án trong thời hạn 03 ngày và Thẩm phán là người trực tiếp nghiên cứu, giải quyết vụ án nên hoàn toàn có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp khiển trách kịp thời và bảo đảm hiệu quả.

1.4. Về trách nhiệm giao quyết định áp dụng biện pháp khiển trách cho Ủy ban nhân dân

Khoản 3 Điều 427 BLTTHS 2015 quy định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải giao ngay quyết định áp dụng biện pháp khiển trách cho người bị khiển trách, cha mẹ hoặc người đại diện của họ”. Như vậy, chúng ta không thấy sự xuất hiện của chính quyền địa phương trong quy định này. Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự thì “ngay sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao cho Công an cùng cấp thực hiện…”. Đây chính là quy trình đầu tiên của việc thi hành quyết định khiển trách. Trong khi hiện nay không có quy định về thời hạn phải giao, gửi quyết định áp dụng biện pháp khiển trách cho UBND cấp xã. Điều này trong nhiều trường hợp sẽ làm kéo dài thời gian thi hành, ảnh hưởng đến người phải thi hành và chính quyền địa phương.

Từ ngày 01/01/2026, áp dụng khoản 3 Điều 56 Luật Tư pháp người chưa thành niên, Quyết định áp dụng biện pháp khiển trách sẽ phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chưa thành niên cư trú, điều này đã giải quyết bất cập nêu trên. Ngoài quyết định áp dụng biện pháp khiển trách, cơ quan ra quyết định còn phải gửi cho Ủy ban nhân dân bản sao Báo cáo điều tra xã hội. Những thay đổi này là hợp lý, hướng đến nâng cao chất lượng quản lý, giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân đối với người chưa thành niên phạm tội.

2. Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện

2.1. Về điều kiện áp dụng biện pháp khiển trách

Khoản 2 Điều 40 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định cho phép áp dụng biện pháp khiển trách đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng trong mọi trường hợp. Mục đích của quy định này nhằm mở rộng đối tượng được áp dụng biện pháp chuyển hướng. Điều này được cho là phù hợp với xu hướng nhân đạo, giáo dục người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, tác giả cho rằng quy định mới này là không phù hợp. Về bản chất, việc cho phép mọi trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng đều có thể áp dụng biện pháp khiển trách đang quá sa vào nội dung bảo vệ người chưa thành niên mà quên đi mất việc xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Trong khi thực tiễn cho thấy xu hướng trẻ hóa của tội phạm, số người chưa thành niên phạm tội ngày càng nhiều, hành vi ngày càng côn đồn, quyết liệt, manh động, nhiều tội phạm được thực hiện có tính nguy hiểm cao, gắn chặt với đạo đức xã hội.

Do đó, tác giả cho rằng cần kế thừa quy định của BLHS theo hướng loại trừ một số loại tội phạm theo điểm a khoản 2 Điều 91 BLHS ra khỏi phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng khiển trách.

2.2. Về sự có mặt của Ủy ban nhân dân khi khiển trách người chưa thành niên phạm tội

Về sự có mặt của Ủy ban nhân dân, cả quy định hiện hành và quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên đều bộc lộ bất cập. Tại khoản 2 Điều 93 BLHS 2015 quy định: “Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi”. Khi áp dụng biện pháp khiển trách, người phạm tội phải đi kèm với sự giám sát, giáo dục, thực hiện nghĩa vụ, việc này do chính quyền địa phương thực hiện. Nhưng việc thi hành khiển trách lại không có sự chứng kiến của chính quyền địa phương là chưa hợp lý. Đây phải là chủ thể bắt buộc tham gia khi tiến hành khiển trách, là cách để vừa thông báo, vừa để chính quyền nắm bắt tình hình liên quan… phục vụ cho việc giám sát, giáo dục.

Không khắc phục được bất cập này, khoản 3 Điều 59 Luật Tư pháp người chưa thành niên đã bổ sung thành phần tham gia phiên họp là người làm công tác xã hội, nhưng vẫn chưa rõ ràng trong việc tham gia phiên họp của đại diện Ủy ban nhân dân. Do đó, kiến nghị cần quy định rõ ràng thành phần tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng phải có “đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chưa thành niên cư trú”.

2.3. Về nghĩa vụ khi áp dụng biện pháp khiển trách

Luật Tư pháp người chưa thành niên tiếp tục kế thừa các nghĩa vụ như quy định hiện nay.

Nghĩa vụ thứ nhất, tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập và làm việc. Liệu có cần thiết phải quy định nghĩa vụ này hay không khi đây là nghĩa vụ chung của mọi công dân. Bất kỳ công dân nào cũng có nghĩa vụ phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ nội quy, quy chế. Có quan điểm cho rằng, mặc dù là nghĩa vụ chung, nhưng việc quy định trong BLHS là nhằm cụ thể, rõ ràng cũng như làm căn cứ để người phạm tội cam kết theo trình tự tại Nghị định số 37/2018/NĐ-CP. Nhưng nếu cần thiết phải quy định thì có đặt ra vấn đề thời hạn như đối với nghĩa vụ thứ hai, thứ ba hay không? Nếu có thời hạn, thì hiện nay BLHS cũng như Luật Tư pháp người chưa thành niên chưa quy định, không có căn cứ để đặt ra thời hạn. Nếu không có thời hạn, thì việc cam kết của người này sẽ kéo dài mãi mãi, điều này liệu có phù hợp không khi mà việc thi hành án khiển trách sẽ đến thời điểm kết thúc. Việc quy định nghĩa vụ này không chỉ không đem lại hiệu quả, mà còn làm phát sinh bất cập trong khi áp dụng. Do đó, kiến nghị quy định nghĩa vụ này tại điểm b khoản 2 Điều 23 Luật Tư pháp người chưa thành niên,chỉ quy định đây là tiêu chí để đánh giá hiệu quả giám sát, giáo dục.

Nghĩa vụ thứ hai, cả quy định tại BLHS hiện hành và Luật Tư pháp người chưa thành niên đều quy định nghĩa vụ của người được áp dụng biện pháp khiển trách là trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu. Quy định này chưa chỉ ra “cơ quan có thẩm quyền” là cơ quan nào? Đây chỉ là UBND nơi đang giám sát, giáo dục, hay các cơ quan nhà nước khác có được yêu cầu người này trình diện hay không? Tại Điều 18 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ trình diện của người bị khiển trách cũng chỉ chung chung như Chủ tịch UBND cấp xã yêu cầu người đó trình diện, từ yêu cầu này, người giám sát, giáo dục trực tiếp thông báo cho người đó về thời gian, địa điểm trình diện. Quy định này nhắc đến Chủ tịch UBND, nhưng lại không nhắc Chủ tịch UBND được quyền yêu cầu người bị khiển trách trình diện trước UBND hay các cơ quan nhà nước khác khi có yêu cầu. Thực tế, mặc dù UBND là cơ quan giám sát, giáo dục, nhưng quá trình thi hành khiển trách cũng có sự tham gia của các cơ quan khác nên các cơ quan nhà nước nếu cần có thể yêu cầu người này trình diện. Do đó, cần quy định rõ nghĩa vụ này là người bị khiển trách phải cam kết trình diện trước bất kỳ cơ quan nhà nước nào khi có yêu cầu.

Như vậy, quy định về áp dụng biện pháp khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội của Luật Tư pháp người chưa thành niên đã có rất nhiều điểm mới tiến bộ, khắc phục được nhiều bất cập của quy định hiện hành. Tuy nhiên, một số quy định của Luật này vẫn chưa thật sự hợp lý cần phải tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Luật Tư pháp người chưa thành niên cần chú trọng đồng thời hai mặt, vừa đảm bảo tính nhân văn, tạo điều kiện cho người phạm tội sửa chữa lỗi lầm, song mặt khác phải có tính giáo dục và răn đe nghiêm khắc, không quá thiên về một mặt sẽ dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng trong giáo dục người chưa thành niên.