Hotline: 0969 332 828 Email: bbt.phapluat@gmail.com
Thứ năm, 30/03/2023 09:12 (GMT+7)

WHO cân nhắc đưa thuốc béo phì vào danh mục thuốc thiết yếu

Lần đầu tiên trong lịch sử, các loại thuốc béo phì có thể được đưa vào danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một danh sách được sử dụng để hướng dẫn các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đưa ra các quyết định mua thuốc.

Hãng tin Reuters trích dẫn nguồn tin từ Tổ chức Y tế Thế giới cho biết nhóm cố vấn của WHO sẽ tiến hành xem xét các yêu cầu mới về các loại thuốc được đưa vào danh sách trong tháng 4 tới. Trong khi đó, danh mục thuốc thiết yếu sẽ được cập nhật chính thức vào tháng 9.

Yêu cầu đưa thuốc béo phì vào danh sách được đệ trình bởi 3 bác sĩ và một nhà nghiên cứu tại Mỹ. Theo các chuyên gia Mỹ đưa ra yêu cầu là Tiến sĩ Sanjana Garimella từ Yale New Haven Health và Tiến sĩ Sandeep Kishore từ Đại học California, hiện chưa có bất kỳ loại thuốc nào nhắm mục tiêu cụ thể vào việc giảm cân và giảm bớt gánh nặng béo phì toàn cầu được đưa vào danh mục thuốc thiết yếu.

Các chuyên gia này lập luận rằng danh sách chỉ bao gồm các phương pháp bổ sung chất khoáng cho tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng mà lại thiếu các phương pháp điều trị giảm cân. Việc này dẫn tới sự “thiếu nhất quán”, đặc biệt là khi số ca tử vong vì các bệnh liên quan tới cân nặng như tim và tiểu đường ngày càng tăng ở các quốc gia thu nhập thấp hơn.

Cụ thể, các loại thuốc này sẽ bao gồm nhiều thành phần, trong đó có hoạt chất liraglutide trong thuốc giảm béo Saxenda của nhà sản xuất thuốc Đan Mạch Novo Nordisk. Saxenda được tiêm mỗi ngày một lần, đã được chứng minh là giúp người sử dụng giảm 5% -10% trọng lượng cơ thể. Nó có giá dao động ở mức 450 USD/tháng ở Mỹ và 150 USD/tháng ở châu Âu.

Novo Nordisk cũng có một loại thuốc tiêm hàng tuần khác có hiệu quả hơn tên là Wegovy. Loại thuốc này có giá khoảng 1.300 USD/tháng tại Mỹ và được ghi nhận giúp người sử dụng giảm tới 15% trọng lượng cơ thể.

Cả 2 loại thuốc này đều thuộc nhóm thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 đã được sử dụng trong nhiều năm để điều trị bệnh tiểu đường. Chúng gây ảnh hưởng đến các tín hiệu đói bụng gửi đến não và khiến người uống thuốc cảm thấy no lâu hơn. Tuy nhiên, hiện cả Saxenda và Wegovy đều đang thiếu dữ liệu về hiệu quả và an toàn lâu dài đối với bệnh béo phì. Các nghiên cứu cho thấy người uống có thể sẽ phải dùng thuốc trong suốt quãng đời còn lại để giảm cân.

Trước mắt, các chuyên gia WHO có thể từ chối yêu cầu này hoặc chờ thêm bằng chứng. Tuy nhiên, nếu WHO đồng ý với yêu cầu đưa Saxenda và các loại thuốc generic chống béo phì vào danh sách thuốc thiết yếu, nó sẽ đánh dấu một cách tiếp cận mới đối với bệnh béo phì trên toàn cầu của tổ chức này.

Theo WHO, hơn 650 triệu người trưởng thành trên toàn thế giới bị béo phì, tăng gấp 3 lần tỷ lệ vào năm 1975 trong khi khoảng 1,3 tỷ người khác bị thừa cân. Phần lớn trong số những người này, tương đương 70%, sống tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Một khi Saxenda được cấp bằng sáng chế, nó sẽ giúp nhà sản xuất tạo ra các phiên bản thuốc generic. Thuốc generic là thuốc được dùng thay thế cho thuốc gốc và được đưa ra thị trường sau khi bản quyền của thuốc gốc hết hạn. Loại thuốc này có cùng dạng bào chế, độ an toàn, hiệu lực, đường dùng hay chất lượng và có thể coi như một bản sao của thuốc gốc nhưng giá thành rẻ hơn nhiều. Do đó, nó phù hợp để sử dụng cho các thị trường có thu nhập thấp và trung bình.

Tuy nhiên, động thái này nhận được các phản ứng trái chiều từ các chuyên gia. Một số chuyên gia y tế công cộng cảnh báo không nên giới thiệu quá rộng rãi các loại thuốc béo phì như giải pháp cho một tình trạng phức tạp vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn.

Về phía WHO, tổ chức này nhận định béo phì là một vấn đề sức khỏe ngày càng quan trọng ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, các loại thuốc điều trị béo phì chỉ là một khía cạnh và việc phòng ngừa cũng đóng vai trò quan trọng.

Do đó trong những tháng tới, WHO cho biết hội đồng chuyên gia của mình sẽ xem xét bằng chứng về liraglutide và đồng thời cũng có thể tìm kiếm một đánh giá rộng hơn về các loại phương pháp điều trị giảm cân khác trong tương lai.

Cùng chuyên mục

Tạm ngừng kinh doanh thuốc có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc và thu hồi, xử lý thuốc vi phạm. Trong đó đề xuất quy định tạm ngừng kinh doanh, sử dụng và niêm phong bảo quản thuốc có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng.
Số ca mắc sốt rét giảm trên 20%
Năm 2024, Bộ Y tế ghi nhận 353 ca sốt rét, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 1/3 ca sốt rét là “nhập cảnh” và không có trường hợp tử vong, không có dịch.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống bệnh cúm, sởi
Để chủ động công tác phòng, chống bệnh cúm mùa, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan quán triệt việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai hiệu quả tiêm chủng chống dịch sởi, nhằm đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng, để nhanh chóng kiểm soát tình hình.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm mùa
Hầu hết những người bị cúm mùa sẽ hồi phục sau vài ngày đến dưới hai tuần, nhưng một số người sẽ bị biến chứng do cúm. Những biến chứng này có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tử vong.

Tin mới

Người dân cần nâng cao cảnh giác với tình trạng lừa đảo kêu gọi ủng hộ từ thiện qua mạng xã hội
Theo đại diện Bộ Công an, việc cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ những trường hợp khó khăn, gặp bệnh hiểm nghèo là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, đúng với truyền thống dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cần phải tuân thủ theo đúng quy định pháp luật.