Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên trở thành thương hiệu mạnh trong khu vực Tây Bắc
Đến năm 2025, xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên trở thành thương hiệu mạnh trong khu vực Tây Bắc và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; Quảng Ninh thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch; Hà Giang đón 2.987 lượt khách du lịch trong tháng 5 là những thông tin du lịch đáng chú ý.
Đến năm 2025, xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên trở thành thương hiệu mạnh trong khu vực Tây Bắc và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ
Đây là một trong những mục tiêu được đưa ra trong Kế hoạch số 1377/KH-UBND về việc thực hiện "Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Bên cạnh đó, tỉnh còn đề ra mục tiêu tổng quát là thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên, công tác quản lý và phát triển thương hiệu du lịch được triển khai theo hướng tập trung, chuyên nghiệp, đồng bộ.
Về kế hoạch thực hiện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh sẽ xây dựng hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên dựa trên các giá trị cốt lõi, những sản phẩm du lịch nổi trội, đặc thù: du lịch lịch sử, du lịch văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái.
Các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình phát triển du lịch và phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương; Tăng cường truyền thông, quảng bá thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên ở trong và ngoài nước, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động phát triển thương hiệu du lịch.
Tập trung nghiên cứu, lựa chọn và hỗ trợ một số địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù, hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao phù hợp với nhu cầu và xu hướng của thị trường; Xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống, hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP gắn với phát triển thương hiệu du lịch; Phổ biến và tuyên truyền về thương hiệu du lịch Điện Biên; hướng dẫn kỹ năng và xây dựng ý thức tham gia phát triển thương hiệu du lịch cho các bên liên quan, cộng đồng dân cư.
Triển khai đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực phát triển thương hiệu du lịch, xây dựng các tài liệu hướng dẫn phát triển thương hiệu cho sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ và tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện các chương trình về nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và xúc tiến thương hiệu du lịch.
Quảng Ninh: Thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch
UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 3224/UBND-DL1 về việc thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; kiểm soát chặt chẽ các nguồn có nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là người từ nước ngoài về. Riêng các cơ sở lưu trú phải thực hiện việc khai báo y tế đối với toàn bộ khách lưu trú; kịp thời phát hiện và báo cáo cơ quan chức năng các trường hợp tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người nhiễm, người nghi nhiễm Covid-19.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở lưu trú theo hình thức homestay, nhà trọ , nhà nghỉ.
UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Y tế, Sở Du lịch chỉ đạo các cơ sở lưu trú phục vụ người cách ly theo hình thức có thu phí tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống dịch theo quy định; tuyệt đối không đón khách khác khi đang phục vụ công tác cách ly (trừ trường hợp cơ sở lưu trú có các khu vực riêng đảm bảo an toàn được cơ quan y tế chấp nhận).
Hà Giang: Đón 2.987 lượt khách du lịch trong tháng 5
Theo Báo cáo Kết quả thực hiện công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch tháng 5; nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2020, trong tháng, khách du lịch đến Hà Giang là 2.987 lượt người, trong đó có 2.703 lượt khách quốc tế (bao gồm cả khách mang hộ chiếu và giấy thông hành), khách nội địa là 284 lượt; lũy kế đến tháng 5 là 246.016 lượt người; doanh thu du lịch trong tháng đạt 3,1 tỷ đồng.
Sở VHTTDL đã tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở lưu trú du lịch về điều kiện hoạt động kính doanh; thường xuyên cử cán bộ, duy trì đường dây nóng để phục vụ du khách; thường xuyên cập nhật báo cáo tỉnh hàng ngày về tình hình du khách đến Hà Giang; tác động ảnh hưởng của dịch bệnh đến các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Ngoài ra, Sở còn thực hiện quảng bá hình ảnh và mảnh đất con người Hà Giang đến với khách du lịch trong nước và quốc tế trên trang Web của ngành, tập gấp, tờ rơi...; Tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng du lịch Hà Giang tại Đại hội Đảng bộ Sở VHTTDL, lần thứ III nhiệm kỳ 2020 -2025; Xây dựng kế hoạch, thể lệ Cuộc thi ảnh đẹp du lịch Hà Giang năm 2020; Chuẩn bị các nội dung tham gia trong chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; Tổ chức đoàn khảo sát, thu thập dữ liệu du lịch và triển khai một số nội dung phối hợp phát triển du lịch với các huyện; Tiếp tục phối hợp và hướng dẫn các địa phương xây dựng các tiêu chí xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới;…