Xử lý chia nợ ngân hàng khi ly hôn
Khi ly hôn, có rất nhiều quan hệ giữa vợ chồng cần được giải quyết, trong đó có vấn đề về nợ chung. Vậy pháp luật quy định xử lý chia nợ ngân hàng khi ly hôn thế nào?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc chia nợ ngân hàng khi ly hôn còn phụ thuộc vào việc khoản nợ đó là khoản nợ chung hay riêng của vợ chồng.
Nếu khoản nợ ngân hàng đó là giao dịch được vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập nhằm đáp ứng cho nhu cầu thiết yếu của gia đình thì cơ vợ và chồng đều phải có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác với ngân hàng về việc quyết định ai là người trả nợ thì sẽ được thực hiện theo thỏa thuận đó.
Trong trường hợp vợ chồng không thoả thuận được về việc chia nợ ngân hàng chung thì Toà án sẽ giải quyết theo quy định pháp luật.
Về các khoản nợ chung, nợ riêng, căn cứ theo Điều 37, Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 có quy định vợ chồng có nghĩa vụ chung về tài sản đối với:
- Nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch được vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ về việc bồi thường thiệt hại mà vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
- Nghĩa vụ do vợ/chồng thực hiện nhằm mục đích đáp ứng cho nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu/sử dụng/định đoạt tài sản chung của vợ, chồng;
- Nghĩa vụ phát sinh khi sử dụng tài sản riêng vợ, chồng để duy trì/phát triển khối tài sản chung/tạo ra thu nhập chủ yếu cho gia đình;
- Nghĩa vụ bồi thường các thiệt hại do con gây ra mà theo quy định thì cha mẹ có trách nhiệm phải bồi thường và các nghĩa vụ khác được pháp luật quy định.
Đồng thời, tại Điều 45, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định vợ chồng có nghĩa vụ riêng về tài sản sau:
- Nghĩa vụ mà mỗi bên có trách nhiệm trước khi kết hôn;
- Nghĩa vụ của mỗi bên phát sinh từ việc chiếm hữu/sử dụng/định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng;
- Nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch do một bên xác lập và thực hiện mà không vì mục đích đáp ứng nhu cầu của gia đình;
- Nghĩa vụ phát sinh từ các hành vi vi phạm pháp luật của mỗi bên.
Mặt khác, căn cứ theo Điều 60, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn sẽ có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thoả thuận khác về nghĩa vụ tài sản này.
Vợ chồng có được ly hôn khi chưa trả hết nợ chung?
Việc vợ chồng chưa trả hết nợ chung không phải là điều kiện để Toà án được hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của vợ, chồng, đồng thời cũng không phải là căn cứ để Toà án làm cơ sở không giải quyết việc ly hôn.
Bởi căn cứ Điều 51, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu ly hôn của vợ, chồng. Theo đó, vợ/chồng hoặc cả hai vợ chồng đều có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn.
Ngoài ra, trường hợp vợ, chồng bị tâm thần/mắc bệnh không thể nhận thức hay làm chủ hành vi và là nạn nhân bạo lực gia đình khiến sức khoẻ và tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì cha, mẹ hoặc người thân thích của người đó có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Bên cạnh đó, Điều luật này cũng chỉ hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của chồng khi vợ đang mang thai, sinh con/đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Điều luật này không đề cập đến việc yêu cầu vợ chồng phải trả hết nợ chung trước khi ly hôn.
Vợ chồng rút yêu cầu ly hôn nhưng ngân hàng vẫn yêu cầu Tòa giải quyết nợ chung thì xử lý ra sao?
Trong vụ án giải quyết việc ly hôn, khi các đương sự rút đơn hoặc hoà giải thành thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 217, Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13.
Trường hợp ngân hàng tham gia vụ án với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan từ yêu cầu của vợ, chồng cần giải quyết về vấn đề nợ chung cùng với việc ly hôn thì khi Toà án đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn sẽ bao gồm luôn cả việc không tiếp tục giải quyết đòi nợ chung.
Đây là đối với trường hợp ngân hàng không có yêu cầu độc lập, vì vậy nếu ngân hàng muốn yêu cầu được giải quyết trả nợ ngay thì phải khởi kiện thành một vụ án độc lập khác về nghĩa vụ trả nợ.
Trường hợp ngân hàng tham gia vụ án ly hôn với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì vai trò của ngân hàng trong vụ án này như một nguyên đơn.
Do đó, khi vợ chồng rút yêu cầu ly hôn, thì Toà án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn nhưng không bao gồm quan hệ đòi nợ giữa ngân hàng với vợ, chồng.
Theo đó, Toà án sẽ ra thông báo về việc thay đổi địa vị tố tụng và sẽ tiếp tục giải quyết vụ án dân sự về việc đòi nợ.