6 lý do bạn không nên nhận việc vì sợ thất nghiệp
Vì nhiều lí do, một số người có suy nghĩ chọn “bừa” một công việc nào đó để thoát khỏi tình cảnh thất nghiệp. Tuy nhiên, đây là một quyết định thiếu khôn ngoan khiến bạn chịu nhiều tổn thất, điển hình là 6 điều sau.
Mất thời gian, công sức
Dù là công việc “nhận bừa” thì bạn cũng phải thực hiện các bước từ chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển, gửi CV, tham gia phỏng vấn tuyển dụng… Và quan trọng hơn, bạn mất thời gian, công sức để thích ứng hòa nhập với môi trường mới, thậm chí dồn sức lực, tâm trí để học việc và hoàn thiện công việc mới.
Tuy nhiên, bạn có thể rời bỏ công việc này chỉ sau thời gian thử việc do không như mong đợi. Điều đó có nghĩa toàn bộ thời gian, công sức trước đó của bạn bị phí hoài. Trong khi nếu không nhận vội việc mới, bạn có thời gian để làm việc giá trị hơn. Hoặc ít nhất bạn dành thời gian đó để xác định rõ ràng mục tiêu nghề nghiệp và tìm kiếm cơ hội phù hợp.
Tổn thương tinh thần, tài chính
Khi nhận một công việc không phù hợp với bản thân, bạn dễ rơi vào tình trạng căng thẳng và áp lực. Bạn hoàn toàn có thể phải làm việc trong một môi trường độc hại, không có sự hỗ trợ quản lý, phối hợp của đồng nghiệp. Chịu đựng trong thời gian dài sẽ gây ra các vấn đề mệt mỏi, lo âu, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất thậm chí khiến bạn trầm cảm.
Chưa kể do không tìm hiểu kỹ về công việc, doanh nghiệp khiến bạn có nguy cơ bị “lừa đảo” tài chính. Bạn không nhận được lương trong các tháng làm việc, bị mất tiền nếu gặp phải công ty “gợi ý” mua dụng cụ làm việc hoặc phải “mua hàng”, ôm hàng… Những thủ đoạn lừa đảo này ngày càng phổ biến nhưng không phải ứng viên nào cũng đủ tỉnh táo để nhận ra.
Do đó, với bất cứ công việc gì, bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng trên các trang web tuyển dụng uy tín, tham khảo ý kiến bạn bè, đồng nghiệp, người thân…
Bỏ lỡ cơ hội tốt
Nhận việc chỉ vì tâm lý sợ thất nghiệp có thể khiến bạn bỏ lỡ những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Thậm chí công việc tạm này là trở ngại kìm hãm, làm chậm sự phát triển sự nghiệp của bạn. Bởi công việc đó thường không có cơ hội thăng tiến, không giúp phát triển kỹ năng, bạn không học hỏi được thêm kinh nghiệm. Do đó, thay vì xây dựng các kỹ năng và trải nghiệm có giá trị, bạn bị mắc kẹt trong công việc hiện tại, không có thời gian, năng lượng để tìm kiếm cơ hội mới.
Đồng thời, nếu dành nhiều thời gian cho công việc không tốt, bạn có thể mất tự tin vào năng lực bản thân. Điều này làm suy nghĩ nghề nghiệp của bạn bị ảnh hưởng, định hướng trở nên mơ hồ và bỏ lỡ cơ hội tốt hơn.
Nhưng, nếu “chậm lại”, bạn có thể dành thời gian thất nghiệp để đầu tư học thêm, rèn luyện thêm các kỹ năng. Khi có sự chuẩn bị tốt và định hướng rõ ràng, bạn có thể chọn được công việc đúng đắn, phù hợp mục tiêu, mang lại sự thỏa mãn và phát triển trong tương lai.
Tạo “điểm tối” trong CV xin việc
Các nhà tuyển dụng thường ưu tiên lựa chọn những ứng viên có sự ổn định trong công việc. Nếu có công việc ngắn hạn không liên quan khiến họ nghi ngờ về khả năng, cam kết của bạn. Chưa kể, bạn sẽ phải chuẩn bị lý do để giải thích tại sao đã làm công việc đó. Điều này khiến bạn bị mất điểm so với ứng viên khác do không thể chứng minh được sự phát triển kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp nhờ công việc trước đó.
Thậm chí bạn bị mất danh tiếng, thương hiệu cá nhân nếu không may nhận phải công việc không được đánh giá cao, không được xã hội ghi nhận. Do đó, bạn hãy cân nhắc khi chọn việc để không ảnh hưởng đến lịch sử công việc, không cản trở sự phát triển sự nghiệp trong tương lai.
Mất cân bằng công việc và cuộc sống
Khi phải làm một việc không yêu thích, bạn sẽ hời hợt và dễ chán nản. Việc này không chỉ bị quản lý phàn nàn, hiệu quả công việc kém mà còn khiến bạn không hài lòng với chính mình. Chưa kể có thể bạn sẽ phải làm thêm giờ, không có thời gian cho bạn bè, gia đình. Những điều này làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn.
Trong khi đó, khoảng thời gian thất nghiệp đôi khi lại là món quà quý giá để bạn “sạc” lại bản thân, lấy lại năng lượng và động lực. Bạn có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, quan tâm đến gia đình, phân tích các vấn đề khách quan hơn… Khi bạn sống tích cực và học thêm điều mới, cơ hội mới cũng sẽ đến với bạn.
Một công việc có thể khiến bạn tốt lên nhưng cũng có thể khiến bạn tệ đi. Do đó, đừng nhận việc chỉ vì nỗi sợ thất nghiệp. Thất nghiệp đôi khi là cơ hội, là khoảng thời gian ý nghĩa để bạn làm những điều không thể thực hiện khi còn đi làm. Bạn hãy trân trọng và tận dụng tối đa khoảng thời gian này để tìm việc phù hợp. Chúc bạn thành công!