9 dấu hiệu bạn nên từ chối nhận việc
Được mời phỏng vấn là bạn đã chạm một chân vào công việc đang tìm kiếm. Tuy nhiên, nếu trong buổi phỏng vấn có những dấu hiệu bất thường, bạn cần phải cẩn thận.
Dưới đây là 9 dấu hiệu báo động cho thấy bạn nên từ chối nhận việc. Hãy ghi nhớ để luôn chủ động trong mọi tình huống khi tìm việc làm công ty ở Hải Phòng, Hà Nội hay bất kỳ tỉnh thành nào nhé.
Hẹn phỏng vấn ở một nơi không phải văn phòng công ty
Ngày nay, các điều kiện làm việc đã cởi mở hơn rất nhiều. Nhiều startup thậm chí thuê văn phòng ảo để đăng ký kinh doanh. Các công việc có thể được làm online, hoặc thuê chung văn phòng, hoặc làm việc ở quán cà phê…
Mặc dù vậy, khi nhận được lời mời phỏng vấn ở một nơi không phải văn phòng công ty, bạn cũng cần thận trọng. Hãy tự cảm nhận xem tính chuyên nghiệp của người phỏng vấn. Đặc biệt, nếu họ không phải là quản lý trực tiếp của bạn thì cũng nên cân nhắc xem có nhận việc đó hay không.
Yêu cầu đóng phí
Có thể nói, đây chính là một trong những dấu hiệu báo động cho thấy bạn nên từ chối việc rõ ràng nhất.
Đi xin việc, không chỉ đơn thuần là tìm kiếm một việc để làm. Điều quan trọng hơn, chính là tìm kiếm thu nhập. Và trong hầu hết trường hợp, không có công ty nào lại đi thu phí của ứng viên đang tìm kiếm việc làm. Kể cả những khoản phí cho đồng phục hay phí hồ sơ giấy tờ.
Chính vì vậy, nếu nhà tuyển dụng yêu cầu bạn phải đóng phí để tham gia tập huấn hay nộp phí đồng phục thì bạn phải suy nghĩ lại. Rất nhiều ứng viên đã mất tiền oan và chờ đợi trong vô vọng khi đơn vị tuyển dụng nhận tiền ứng viên xong thì “im thin thít và lặn mất tăm”.
Phân công công việc không rõ ràng
Trong buổi phỏng vấn, nếu nhà tuyển dụng không nói rõ ràng công việc với bạn, mà chỉ chung chung “em sẽ làm các việc theo sự sắp xếp của quản lý”, hãy cẩn thận. Đây là một trong những dấu hiệu báo động cho thấy bạn không nên nhận công việc này. Vì sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
Bạn có thể sẽ bị phân công một công việc nào đó không đúng chuyên môn. Nhưng vì lý do nào đó mà nhà tuyển dụng không muốn nói rõ với bạn.
Bạn có thể sẽ phải làm rất nhiều việc. Công ty đang rất thiếu người. Và một nhân sự có thể sẽ phải đảm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau.
Người phỏng vấn thờ ơ, gắt gỏng với ứng viên
Sự tôn trọng lẫn nhau chính là yêu cầu tối thiểu ở cả ứng viên lẫn nhà tuyển dụng. Một nhà tuyển dụng luôn đặt mình ở vị trí “bề trên” và tỏ ra hống hách, thờ ơ hoặc gắt gỏng với ứng viên thì cũng không thể là một người sếp tốt. Nếu bạn nhận thấy có những dấu hiệu này, môi trường làm việc nơi đó có thể sẽ khiến bạn rất vất vả về sau. Hãy thận trọng và nhanh chóng tìm cho mình những cơ hội mới.
Cảm nhận có những quy tắc ngầm ở nơi làm việc
Trong quá trình phỏng vấn, hoặc cũng có thể là lúc thử việc, bạn nhận thấy nơi làm việc của mình có những quy tắc ngầm. Ví dụ như tình trạng “ma cũ - ma mới”. Hoặc như người mới phải phục tùng người cũ. Hoặc như có những chuyện lên lương, thăng chức bằng mua chuộc, lấy lòng… Tất cả những điều này đều cho thấy đó không thực sự là một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đồng thời, khả năng phát triển bản thân cũng sẽ bị hạn chế đáng kể.
Không khí văn phòng ảm đạm, thiếu chuyên nghiệp
Bạn đến văn phòng công ty để phỏng vấn và cảm nhận nơi đó rất ảm đạm. Nhân viên làm việc gì cũng rón rén, rụt rè. Các bảng nội quy dán khắp nơi hoặc sếp thì quát nạt, mắng mỏ liên tục. Những dấu hiệu này đều cho thấy bạn nên từ chối nhận việc ở đó nếu không muốn làm việc trong môi trường không thực sự hiệu quả.
Lương bổng không rõ ràng
Một dấu hiệu nữa cho thấy bạn không nên nhận việc, chính là chính sách lương bổng không rõ ràng. Nhà tuyển dụng không nêu rõ các mức lương thưởng, phụ cấp, mà chỉ nói chung chung lương sẽ được quyết định sau khi nhận việc chính thức. Những trường hợp này, bạn cũng không nên đầu quân cho công ty đó. Vì bạn không chắc chắn được mình có được trả lương đúng với năng lực hay không.
Công ty có tai tiếng
Bạn tìm hiểu về công ty mình ứng tuyển và nhận thấy nó có rất nhiều tai tiếng. Tất nhiên, trong quá trình kinh doanh, việc một thương hiệu nhận được các phản hồi tiêu cực lẫn tích cực là điều bình thường. Thế nhưng, nếu một công ty quá tai tiếng, có quá nhiều phàn nàn, thậm chí các “phốt” lừa đảo hay gì đó thì bạn nên cẩn thận tránh xa.
Tỷ lệ nghỉ việc rất cao
Và điều cuối cùng cho dấu hiệu bạn không nên nhận việc chính là tỷ lệ nghỉ việc của công ty đó khá cao. Một công ty có lượng nhân sự thay đổi liên tục cho thấy môi trường làm việc quá khắc nghiệt hoặc là có những ẩn số bên trong. Bạn nên cân nhắc xem mình có muốn bắt đầu với nó hay không.
Tóm lại, dù mục tiêu của bạn là có việc làm, nhưng bạn cũng cần phải thận trọng trước những dấu hiệu nên từ chối nhận việc. Điều này không chỉ giúp bạn tránh được các sự cố đáng tiếc. Nó còn giúp bạn có thời gian để mở rộng cơ hội và có được công việc phù hợp hơn.