Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 06/10/2022 16:50 (GMT+7)

Ấn Độ điều tra vụ 4 loại siro trị ho liên quan đến trẻ tử vong ở Gambia

Theo giới chức Ấn Độ các cuộc điều tra của nước này đối với các sản phẩm siro ho của Maiden Pharma diễn ra song song với cuộc điều tra của WHO.

Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế Ấn Độ ngày 6/10 nói, nước này đang tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp trẻ em tử vong ở Gambia sau khi dùng các sản phẩm siro ho và siro cảm của công ty dược Maiden Pharma.

Quyết định trên đưa ra ngay khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo liên quan đến các trường hợp trẻ em ở Gambia suy thận cấp tính dẫn đến tử vong sau khi dùng siro.

tm-img-alt
4 sản phẩm nghi vấn gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng là Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup đều do hãng dược Ấn Độ sản xuất.

Cụ thể, ngày 5/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát cảnh báo đối với 4 loại thuốc siro trị ho và cảm lạnh của hãng dược Maiden Pharmaceuticals Ltd (Ấn Độ), khuyến cáo các dược phẩm này có thể liên quan đến cái chết của 66 trẻ em ở Gambia.

Theo cảnh báo về sản phẩm y tế của WHO, 4 sản phẩm nghi vấn gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng là Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup đều do hãng dược phẩm trên sản xuất.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết 4 loại siro trị ho và cảm lạnh này có thể gây tổn thương thận cấp tính và là nguyên nhân khiến 66 trẻ em ở Gambia tử vong.

WHO cũng cảnh báo rằng các loại thuốc này có thể đã được phân phối trên diện rộng tại các nước khác ở châu Phi. Do vậy, không loại trừ kịch bản phơi nhiễm ở phạm vi toàn cầu.

Theo ông Tedros, WHO đang tiến hành thêm điều tra với công ty và các cơ quan quản lý dược phẩm ở Ấn Độ.

Cảnh báo của WHO nêu rõ kết quả các phân tích trong phòng thí nghiệm các mẫu của từng sản phẩm trên cho thấy chúng chứa một lượng lớn "không thể chấp nhận" diethylene glycol và ethylene glycol.

Những chất này rất độc hại và có thể gây tử vong hoặc khiến người dùng gặp phải các tác dụng phụ như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu...

WHO dẫn thông tin của Cơ quan Kiểm soát chất lượng dược phẩm Ấn Độ cho biết công ty Maiden Pharmaceuticals Ltd chỉ mới cung cấp những thuốc trên đến Gambia.

Tuy nhiên, WHO không loại trừ khả năng những siro trên được cung cấp đến các nước khác theo đường không chính thức.

Tổng Giám đốc Tedros khuyến cáo nên thận trọng và kêu gọi các nước rà soát và cấm lưu hành những sản phẩm này để không gây tổn hại thêm cho các bệnh nhân.

Theo WHO, hãng dược của Ấn Độ có thể đã sử dụng nguyên liệu bị nhiễm bẩn trong các sản phẩm khác và phân phối trong nước hoặc xuất khẩu.

Hiện phía công ty Maiden Pharmaceuticals có trụ sở tại New Delhi từ chối bình luận về vấn đề này.

Giới chức Gambia đã bắt đầu thu hồi siro chứa paracetamol và promethazine ở nhiều vùng nông thôn.

Theo kết quả ban đầu của cuộc điều tra đang được Bộ Y tế Gambia tiến hành từ tháng Bảy, nhiều khả năng các loại siro này là nguyên nhân gây ra các ca tử vong do tổn thương thận cấp tính gần đây. Ngoài ra, vi khuẩn E.coli cũng có thể dẫn tới hiện tượng suy thận cấp tính.

Tuyên bố của bộ trên cho biết từ tháng Bảy vừa qua, nước này đã ghi nhận sự gia tăng mạnh số ca mắc bệnh thận nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao ở trẻ chủ yếu sau khi mắc bệnh tiêu chảy.

Vi khuẩn E.coli đã được phát hiện ở vật dụng mà trẻ sử dụng, song nhiều bệnh nhân trong số này cũng dùng siro paracetamol.

Trong khi đó, theo 2 nguồn tin từ Bộ Y tế Ấn Độ, giới chức nước này cũng đang tiến hành điều tra nguyên nhân cái chết của hàng chục trẻ ở Gambia nghi là liên quan tới thuốc siro trị ho của công ty Maiden Pharmaceuticals Ltd.

Nguồn tin trên cho biết Chính phủ Ấn Độ đã đề nghị WHO chia sẻ thông tin trong quá trình điều tra./.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Nội: Sẵn sàng triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học
Ngày 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Hội nghị hướng dẫn, triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học nhằm thực hiện kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ.